Ông V., Hiệu phó tại một trường tiểu học ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An viết đơn lên Ban giám hiệu nhà trường xin tạm nghỉ để đi cai nghiện ma túy. Ông V. tâm sự: “Con cái dù còn nhỏ mình cũng cần làm tấm gương lương thiện cho chúng. Tôi cũng cần giữ gia đình, nếu cứ nghiện thế này cuộc sống sẽ thế nào đây?”.
Thầy giáo xin nghỉ dài ngày để đi cai nghiện
Chia sẻ với PV Tuổi Trẻ, chiều tối ngày thứ Sáu (18/10), một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết Sở nhận được thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn về việc ông L.K.V. (37 tuổi, Hiệu phó Trường Tiểu học Phà Đánh) xin thôi giữ chức hiệu phó để đi cai nghiện ma túy.
Đơn xin nghỉ được thầy V. gửi vào đầu tháng 9/2019. Trước thông tin này, nhiều cán bộ, giáo viên nhà trường và người dân địa phương rất ngỡ ngàng.
Trước đó, thầy giáo V. đã có hơn 15 năm công tác tại huyện Kỳ Sơn và đến năm 2008, thầy được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Loi, sau đó là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phà Đánh, theo Giáo Dục.
Thầy V. kể hơn 2 năm trước, do chủ quan trong việc kết giao bạn bè nên đã bị một số bạn xấu dụ dỗ, lôi kéo. “Trong một lần đi nhậu với bạn, được rủ rê, có men rượu trong người nên không làm chủ được bản thân và dùng thử (ma túy) nên nghiện lúc nào không hay”.
Những trăn trở của người giáo viên từng trượt ngã
Thầy V. cho biết, gia đình mình có 2 con, vợ cũng là giáo viên tiểu học. Bé nhỏ học lớp 2, con gái lớn hiện đang học lớp 7.
Nói về quyết định viết đơn xin thôi việc của mình, thầy V. tâm sự: “Con cái dù còn nhỏ mình cũng cần làm tấm gương lương thiện cho chúng. Tôi cũng cần giữ gia đình, nếu cứ nghiện thế này cuộc sống sẽ thế nào đây?
Đặc biệt, điều day dứt nhất là bản thân làm lãnh đạo quản lý một trường học, lại sống trong môi trường giáo dục, dạy dỗ các em học sinh, thế mà lại dính vào nghiện ngập thì chẳng còn tư cách lãnh đạo, dạy dỗ ai nữa.
Đây chính là lý do thôi thúc để tôi xin làm đơn từ chức và xin đi cai nghiện tập trung để dứt bỏ hẳn với ma túy”.
Con cả của thầy đã hiểu được ít nhiều câu chuyện buồn về bố qua những lời trêu chọc của bạn bè cùng trang lứa. Có lần, em ôm bố vào lòng: “Bố ơi! Con thương bố lắm!”.
Thầy V. nói lúc đó chỉ còn biết ôm lấy con mà vỗ về, an ủi: “Con ơi! Bố lỡ rồi, con yên tâm học hành, bố sẽ cố gắng bỏ cho được để về với con, với gia đình! Để gia đình mình lại hạnh phúc như xưa”.
Dám nhận lỗi là dũng cảm của đời người
Câu chuyện của thầy V đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Ngoài những chỉ trích, lên án, nhiều người dành cho thầy lời khen tặng vì sự dũng cảm, dám thừa nhận sai lầm để làm lại cuộc đời.
Mọi người thường không muốn thừa nhận sự sai lầm của bản thân, cho rằng mọi sự đều là lỗi của người khác, lỗi của ngoại cảnh.
Không phải ai cũng có được dũng khí dám hối hận, phản tỉnh, đứng trước mặt nhiều người mà thừa nhận sai lầm. Vì thừa nhận sai lầm là một việc có thể ảnh hưởng tới danh tiếng, liêm sỉ của người ta, khiến người ta phải đối diện với nguy cơ bị bêu riếu, gièm pha, khinh ghét. Nhưng vượt qua được những mặc cảm đó, thẳng thắn nhận lỗi, tìm cách sửa sai mới chính là phong thái của người đứng đắn, chính trực.
Hy vọng thầy V. sẽ sớm cai nghiện thành công và trở thành động lực cho nhiều người khác biết gạt bỏ và sẵn sàng chịu trách nhiệm với lỗi lầm của mình…
Mong xã hội hãy giang rộng vòng tay để đón nhận khi thầy V. cai nghiện thành công trở về.
Video xem thêm: Ánh sáng chốn giang hồ