Đại Kỷ Nguyên

Con trai suốt 20 năm ăn mặc như phụ nữ để xoa dịu nỗi đau trong lòng mẹ già ốm liệt

20 năm trước, em gái của người đàn ông này đã qua đời. Ai đã làm mẹ, hẳn sẽ thấu cảm được nỗi đau quặn thắt của người mẹ phải chịu cảnh “lá vàng đưa tiễn lá xanh”. Không cầm lòng được trước sức khỏe tinh thần của mẹ ngày càng suy sụp, người đàn ông này đã làm một điều vô cùng đặc biệt trong suốt 20 năm, ai biết đến đều hết lòng cảm phục.

Một người đàn ông giấu tên kiếm sống bằng nghề chơi sáo dạo trên phố thuộc tỉnh Quế Lâm, Trung Quốc suốt 20 năm ăn mặc như phụ nữ để xoa dịu nỗi đau của mẹ.

Gần đây, câu chuyện về một người đàn ông trong chiếc váy sườn xám truyền thống chăm sóc mẹ trên chiếc xe ba gác được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên youtube và đạt đến 4 triệu lượt xem ngay khi được đăng tải. Ai cũng tò mò không biết vì sao người đàn ông lại có hành động như vậy.

Và khi xem xong video, ai cũng không khỏi xúc động khi biết được lý do. Không phải người đàn ông này thích thay đổi thời trang theo cách như vậy, thực tế anh còn không thích trang phục phụ nữ. Tuy nhiên, anh đã mặc đồ phụ nữ suốt 20 năm nay, mục đích là để mẹ anh được vui. Mẹ anh bắt đầu có những dấu hiệu bị bệnh tâm thần sau cái chết của cô con gái. Một hôm để nụ cười rạng rỡ trở lại trên khuôn mặt mẹ, anh quyết định diện một bộ váy áo phụ nữ vì anh hiểu mẹ nhớ con gái biết nhường nào. Kết quả là mẹ anh đã thật hạnh phúc, và kể từ đó đến nay, đã 20 năm, anh cứ ăn mặc như vậy.

“Lần đầu khi thấy tôi ăn mặc giống như phụ nữ mẹ tôi đã rất vui, bởi vậy tôi liên tục mặc như thế”, người đàn ông giấu tên chia sẻ trong đoạn video. 

Được hỏi liệu anh có cảm thấy ngại ngùng khi ai đó bình phẩm về cách ăn mặc của mình không, anh thẳng thắn trả lời “với anh hạnh phúc của mẹ già là điều quan trọng bậc nhất”.

“Đây là việc riêng của gia đình tôi, nếu bạn không thích thì cũng không cần phải bận tâm quá nhiều. Tôi làm thế này là vì mẹ tôi, vì sao tôi phải e ngại việc mọi người cười nhạo tôi kia chứ?”, anh nói.

Mặc dù có vấn đề về thần kinh, mẹ anh dường như vẫn biết và cảm kích những việc con trai đã làm vì mình suốt hai thập kỷ qua. Trong đoạn video, người ta có thể nghe thấy giọng bà nói “cô ấy là con gái tôi, khi con gái tôi chết cô ấy đã trở thành con gái tôi”.

Đến đây thì có lẽ không ai còn hoài nghi và nhạo báng hành động đạo hiếu nghĩa của người đàn ông chất phác, mộc mạc này nữa. Suốt 20 năm qua, anh đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, không lập gia đình, chỉ để chăm sóc mẹ.

“Để làm vui lòng mẹ, anh ấy đã ăn mặc như phụ nữ trong suốt 20 năm. Quan điểm của bạn về việc này có như thế nào đi chăng nữa thì tôi cho rằng bạn vẫn phải ngợi khen đạo làm con hiếu thảo của anh ấy”. Một bình luận viên có ý kiến sau khi xem video xúc động này.

“Đây là một người đàn ông thực sự”, một người khác bình luận.

Lòng tự trọng và sĩ diện vốn là “chiếc áo” mà mọi người đàn ông coi trọng. Khi họ sẵn sàng cởi bỏ lớp vỏ này để làm điều gì đó cho người khác, thực tế họ đã hy sinh rất nhiều. Người con trai trong câu chuyện bất chấp những lời xì xào, bình luận của người xung quanh, một mực đóng giả con gái chăm sóc mẹ suốt 20 năm, để mẹ cảm thấy hạnh phúc. Hành động này đại diện cho một thứ nhân cách và phẩm chất cao thượng, mà lòng tự trọng hay danh dự nào cũng không thể sánh bằng. Cái “danh” ấy là cái danh phi thường xuất phát từ trái tim đầy tình thương yêu.

Trong cuộc sống vật chất hiện đại, những người trẻ có xu hướng dành phần lớn thời gian phát triển sự nghiệp, mở mang các mối quan hệ xã hội. Vì quá bận rộn, nên việc hiếu kính, lễ nghĩa với cha mẹ đôi khi chỉ còn dừng ở việc chu cấp tài chính, vật chất… Tuy nhiên, đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn mỗi chúng ta, vẫn luôn ngân nga tiếng à ơi đưa nôi của mẹ, hay ký ức về vòng tay mạnh mẽ vững chắc của cha lúc dắt ta đến trường trong những ngày mưa bão. Hình ảnh những người con trên đầu đã hai thứ tóc vẫn quan tâm săn sóc từng miếng cơm chén nước cho mẹ khiến chúng ta chợt như bừng tỉnh. Cha mẹ cần gì hơn ở chúng ta khi họ đã già, mắt đã mờ, chân đã yếu, nếu không phải chỉ là những cử chỉ hết mực ân cần ấy!

Xuân Dung – An Nhiên

Video xem thêm: Hãy trở về với mẹ thôi em, mâm cơm chiều còn chừa đôi bát đũa…

Exit mobile version