Tại quán cơm, một công nhân xây dựng đang xếp hàng chờ mua suất ăn trưa. Đứng cách anh không xa là một người phụ nữ ăn mặc quý phái. Vừa nhìn thấy bộ dạng “bẩn thỉu” của anh công nhân, bà tỏ rõ thái độ khinh bỉ và không ngớt lời chê bai: “Người gì mà bẩn thế không biết, chỉ nhìn thôi cũng khiến ta không muốn ăn nữa rồi. Cầu trời sao cho anh ta sớm đi chỗ khác cho rồi!”
Anh công nhân bối rối, không hiểu vì sao mình lại bị đối xử như vậy? Anh đi làm lam lũ cả ngày, lao động bằng mồ hôi công sức của mình, đâu có làm hại gì đến ai đâu?
Cũng trong suốt thời gian diễn ra sự việc, bà chủ quán chỉ âm thầm quan sát. Sau đó, có lẽ vì không chịu được những lời nói khó nghe của nữ khách hàng giàu có kia, bà bèn đến trước mặt người phụ nữ đó và nói: “Quán cơm của tôi không hoan nghênh vị khách như bà, xin lỗi, mời bà đi cho!”
Bà chủ quán vừa dứt lời, những thực khách đứng xem đều xôn xao bàn tán. Nhưng có duy nhất một người vẫn im lặng, đó chính là người công nhân “bẩn thỉu” kia. Mãi đến lúc này anh mới từ tốn nói:
“Xin bà chủ đừng làm vậy, dẫu sao bà ấy cũng nói đúng… Tôi cả ngày làm việc ngoài công trường, quần áo dính toàn xi măng, ngay cả đầu tóc cũng đầy bụi bặm”. Anh quay sang phía người phụ nữ quý phái: “Xin bà thứ lỗi, hy vọng lần sau sẽ không làm phiền bà và mọi người ở đây.”
Nói rồi anh công nhân quay lưng bước đi, để lại đằng sau những tiếng vỗ tay khen ngợi của tất cả mọi người trong quán. Lúc này người phụ nữ kia đỏ bừng mặt vì xấu hổ, miệng lắp bắp không nói nên lời…
Có những lúc, giá trị con người không thể hiện ở quần áo hay dáng vẻ bề ngoài, mà được toát lên từ lời ăn tiếng nói và cách ứng xử với mọi người xung quanh. Người công nhân kia cũng vậy, bên trong bộ trang phục “dơ bẩn” ấy là lời nói cung kính và thái độ khiêm nhường. Chỉ một câu nói của anh nhưng cũng đủ khiến chúng ta thấy rằng: Thực tế giàu hay nghèo không quan trọng, quan trọng là ở nhân cách con người sống sao cho thật tốt, đừng nên vì vẻ bề ngoài mà coi thường người khác.
Quỳnh Chi
Xem thêm: