Đại Kỷ Nguyên

Cụ bà 68 tuổi ngày ngày đứng ngoài cửa lớp học ghi chép bài vì một lý do xúc động

Tại một trường tiểu học đặc biệt ở Từ Châu, người ta thường thấy một bà lão tóc hoa râm đứng cạnh cửa sổ nhìn chăm chú vào lớp. Bà dõi theo từng lời thầy giảng và ghi chép đầy đủ không sót chữ nào trên bảng. Mặc dù bàn tay cầm bút đã run rẩy và rất khó viết theo được nhưng bà cụ vẫn không bỏ cuộc.

Chính vì sự ham học hỏi của bà mà mọi người đều kính nể và ngưỡng mộ. Thế nhưng, khi biết được lý do đằng sau đó, không ai cầm nổi nước mắt.

Bà Liu năm nay đã 68 tuổi, có một cháu trai 8 tuổi tên là Xinxin bị teo não và mù bẩm sinh. Khi biết bệnh tật của con trai, bố mẹ Xinxin liền bỏ đi nơi khác sinh sống làm ăn và để em lại cho bà nội chăm sóc.

Kể từ ngày đó, mọi gánh nặng đều đổ dồn hết lên vai bà, thế nhưng, bà không hề trách móc con trai và con dâu, cũng không ghét bỏ Xinxin mà càng thương cháu nhiều hơn. Bà cẩn thận chăm bẵm đứa cháu tội nghiệp từ khi lọt lòng, từ chuyện ăn uống cho đến mọi hoạt động sinh hoạt hằng ngày đều một tay bà giúp cháu làm hết. Chỉ có điều, Xinxin vì không được bình thường như những đứa trẻ khác mà suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, không có ai bầu bạn.

Sau bao ngày trăn trở, cuối cùng bà quyết định đăng ký cho Xinxin đi học ở trung tâm giáo dục thường xuyên của thành phố với hy vọng sau này lớn lên cháu nội được biết chút tri thức, có thể hòa nhập với xã hội mà không bị hắt hủi, xa lánh.

Bà Liu luôn cẩn thận chăm bẵm cho Xinxin từ khi lọt lòng

Tuy nhiên, vì trường ở cách nhà rất xa mà Xinxin lại không thể thiếu người bên cạnh chăm sóc, nên bà Liu đành thuê một căn phòng gần trường để tiện cho cháu đi học. Những người hàng xóm lấy làm lạ lắm, họ xì xào bàn tán rồi nói với bà:

“Một đứa trẻ mù lại teo não thì học hành gì nữa, sao bà phải tốn công vô ích như thế?”.

Mặc kệ những lời nói ác ý, bà Liu chỉ ôn tồn đáp:

“Cháu tôi tuy mù nhưng nó vẫn phải học, sau này nó còn cần phải tự chăm lo cuộc sống nữa. Khổ thế chứ khổ nữa tôi cũng cho cháu đi học.”

Những ngày đầu, mỗi khi Xinxin đi học, bà Liu lại chuẩn bị đầy đủ sách vở, nước uống, đồ ăn và đưa cháu đến trường. Thế nhưng, trí tuệ của Xinxin không được như những đứa trẻ bình thường, ngay cả bảng chữ nổi cũng học rất lâu nên thành tích rất kém.

Bà ngày nào cũng cặm cụi chép bài ngoài cửa sổ

Thấy cháu đi học mà không tiếp thu được gì nhiều, bà Liu rất buồn lòng và lo lắng. Bà đã cố gắng thử nhiều phương pháp nhưng Xinxin vẫn không thể tiếp thu nhanh hơn. Cuối cùng, bà quyết định tự mình dạy học thêm cho cháu ở nhà.

Khổ một nỗi, bà Liu chưa bao giờ được đến trường từ lúc nhỏ, vậy nên bà đành phải bắt đầu học lại từ đầu. Kể từ đó, mỗi ngày bà đều đến lớp học của Xinxin, đứng bên ngoài cửa sổ nghe thầy giáo giảng bài và ghi chép vào một cuốn vở ô li để về truyền đạt lại một cách tỉ mỉ cho cháu trai.

Mỗi ngày bà Liu đều đứng ngoài cửa sổ nghe giảng bài và ghi chép vào cuốn vở ô li

Thấy bà ngày nào cũng cặm cụi chép bài ngoài cửa sổ, thầy giáo liền ra hỏi lý do thì được bà kể lại câu chuyện về đứa cháu trai bất hạnh. Nghe xong vị thầy giáo trẻ vô cùng xúc động, anh nói:

“Bà có thể vào lớp ngồi, cháu sẽ nói với hiệu trưởng về việc này.”

Bà Liu rưng rưng:

“Không cần phải như vậy đâu. Tôi biết thầy tốt bụng nhưng tôi không muốn làm phiền đến thầy và các cháu. Thầy chỉ cần cho tôi đứng ở đây là được rồi.”

Dù đã cố khuyên nhủ nhưng bà Liu vẫn không vào lớp nên thầy giáo cũng đành đồng ý với cách làm của bà.Từ đó trở đi, mỗi lần giảng bài, thầy lại cố tình nói rất to, khi viết gì lên bảng anh cũng viết chữ to hơn bình thường rất nhiều, mục đích là để bà Liu có thể nghe và nhìn rõ hơn.

Hai bà cháu luôn là những học trò rời khỏi lớp học muộn nhất.

Sau mỗi giờ tan học, bà Liu sẽ ngồi bên cạnh Xinxin kiên nhẫn giảng lại tất cả những kiến thức đã học được cho đến khi cậu bé hiểu hoàn toàn. Hai bà cháu luôn là những học trò rời khỏi lớp học muộn nhất.

Giáo viên của Xinxin xúc động chia sẻ: “Tôi đã có thâm niên lâu năm trong ngành giáo dục này, mỗi đứa trẻ là một câu chuyện, nhưng trường hợp của Xinxin là lần đầu tiên tôi nhìn thấy, bà ấy có thể hy sinh tất cả vì cậu bé, thật là một người bà tuyệt vời!”.

Nhờ tình yêu thương và sự kiên trì của bà Liu, Xinxin tội nghiệp học hành ngày càng tiến bộ. Cậu bé đang dần dần bắt kịp các bạn cùng lớp và trở nên tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người.

Xinxin bất hạnh đã mất mát nhiều thứ nhưng điều quý giá nhất mà cậu có được là tình yêu bao la của bà nội. Có thể tương lai sẽ còn nhiều thăng trầm nhưng tin chắc rằng cậu bé sẽ đủ mạnh mẽ vượt qua và sống thật xứng đáng với công ơn trời biển mà bà đã dành cho cậu.

Nguồn ảnh: Sohu

Linh An

Exit mobile version