Đại Kỷ Nguyên

Cụ bà chống gậy đi bộ suốt 9km với 5.000 đồng trong túi, và hành động đẹp của người phụ nữ Tuyên Quang

Trong xã hội ngày nay, chúng ta thường cảm thấy lo lắng mỗi khi ra khỏi nhà, luôn đề phòng khi tiếp xúc với người lạ, bởi những câu chuyện về Lý Thông đầy rẫy trên các mặt báo, len lỏi trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, hãy đọc câu chuyện dưới đây để thấy rằng tình người vẫn luôn hiện hữu trong cuộc đời nhiều bon chen này…

Câu chuyện được chia sẻ trên Facebook của chị Nguyễn Thu Huyền, sinh năm 1981, với nội dung:

“Trưa nay, em vừa ở nhà khách hàng ra thì thấy cụ bà vừa đi vừa vẫy ô tô, xe máy để đi nhờ xe nhưng không xe nào dừng lại cho bà quá giang cả. Đầu bà đội một cái mũ bảo hiểm cũ (bà cụ nói đội đi để ai có lòng tốt cho đi nhờ xe), tay cụ cầm một cái gậy tre nhỏ chống làm trụ cho thân hình gầy yếu của bà. Em lại gần hỏi mới biết bà cụ tên là Nguyễn Thị Lưu sinh năm 1945 dậy từ 3h sáng đi bộ ra gốc gạo Đoan Hùng (cách nhà 13km) rồi đón nhờ xe khách lên TP Tuyên Quang làm lại CMND.

Nhưng bà cụ đi nhờ xe Hà Nội – Hà Giang đến đầu đoạn đường tránh vào TP thì xe dừng cho bà cụ xuống, bà cụ tự đi bộ (9km) và hỏi thăm lên CA tỉnh. Vì bà quên mang theo những giấy tờ cần thiết nên không thể làm CMND ngay được. Nhờ có đồng chí công an trẻ nhiệt tình hướng dẫn và giúp bà cụ chụp ảnh, lăn vân tay trước rồi đưa bà ra bến xe. Bà cụ không có tiền lại ăn bát mỳ tôm từ 3h sáng (ăn một nửa còn một nửa để trong cặp lồng chờ trưa đói thì vừa đi bộ vừa ăn).

Em đang tính về nhà ăn cơm với sắp nhỏ nhưng thấy bà cụ thật đáng thương, em cũng chẳng nghĩ được xa hơn, em mời bà cụ lên xe và đưa về nhà theo địa chỉ bà mô tả (khu vực em thường xuyên đi liên hệ công việc).

Ngồi trên xe bà cụ liên tục hỏi: “Sao chị tốt với tôi thế? Tôi không có tiền trả chị đâu…”. Đưa bà cụ đi gần 50km thấy bà có vẻ đói bụng (vì lúc đó cũng gần 13h rồi), em liền đưa bà cụ vào quán gọi cơm cho bà ăn nhưng bà cứ khóc nấc lên và nói không muốn ăn. Được cả cô chủ quán và vợ chồng em gái con cô chủ quán động viên, bà mới ăn được lưng cơm chan nước canh không.

Trong túi bà còn 5000đ, bà cứ đòi trả tiền cơm rồi vừa ngồi vừa khóc. Đợi bà bình tĩnh một lúc em đưa bà về nhà rồi vội vàng quay xe về cho kịp giờ làm mà không kịp hỏi gì thêm”.

Câu chuyện tuy giản dị nhưng chứa đầy tình tương thân tương ái đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Nhiều người gửi lời cảm ơn với hành động đẹp và ý nghĩa của người phụ nữ Tuyên Quang và anh công an trẻ nhiệt tình, cũng như sự cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh bất hạnh của bà cụ.

“Sao chị tốt với tôi thế, tôi không có tiền trả chị đâu!”, câu nói tuy đơn giản của bà cụ nhưng khiến chúng ta phải suy ngẫm. Xã hội hiện nay không còn là nơi an toàn cho lòng tin của con người, ngay cả việc một người đối xử tốt với người xa lạ cũng trở thành bất thường, khiến người ta phải hoài nghi.

Niềm tin vào những hành động đẹp trong cuộc sống trở nên “xa xỉ”. Cứ lao vào vòng xoáy của công việc, tiền bạc và vật chất, con người lại càng trở nên ích kỷ hơn, xa nhau hơn. Nhưng đâu đó trong dòng đời đầy bon chen này vẫn còn những trái tim ấm áp, những tấm lòng thiện lương, khiến chúng ta tin tưởng hơn vào những điều tốt đẹp. Như bà cụ đã ngồi khóc nức nở trước sự quan tâm của người phụ nữ, dù chỉ còn 5000 đồng trong túi, bà cũng muốn trả tiền cơm, vì trái tim bà thực sự được sưởi ấm từ hành động của cô gái…

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về lòng tốt của của người Sài Gòn chia sẻ với bác xe ôm bị tai biến, hay câu chuyện về “người hùng” áo vàng cứu người chở rau dưới trời mưa lớn, và nhiều hành động đáng được ca ngợi đang lan tỏa trong cộng đồng mạng trong thời gian gần đây. Giữa những chuyện hôi của khiến nhiều người phẫn nộ, những hành động bị cả xã hội lên án đang tràn lan trên các mặt báo, những câu chuyện bình dị này, như một cơn mưa tắm mát tâm hồn chúng ta trong những ngày hè nóng nực, khiến chúng ta thêm khao khát được sống tốt, sống ý nghĩa.

Hãy tạm thời quên đi những lừa dối bon chen, ngưng đề phòng lo sợ, hãy mỉm cười với những người bạn vừa gặp, nói chuyện với cô bán hàng đầu ngõ, dắt một cụ già qua đường hay dừng xe lại hỏi thăm một người lạ đang đi bộ xem họ có cần quá giang không.

Khi bạn mở lòng và trao gửi yêu thương, bạn sẽ nhận ra, cuộc sống này vốn không ‘hiểm ác” như bạn vẫn nghĩ. Cuộc sống, vẫn đong đầy những yêu thương bình dị và giản đơn…

Linh An

Xem thêm:

Exit mobile version