Đại Kỷ Nguyên

Cụ ông ‘dệt’ thùng rác từ vật liệu phế phẩm tặng dân xóm phố để bảo vệ môi trường

Ai đi qua khu phố Hà Mục (Đà Nẵng) cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy ‘đồng phục’ đựng rác của người dân nơi đây. Đó là những chiếc sọt rác được cụ Túc đan từ sợi dây phế phẩm.

Một đô thị dù có phát triển đến đâu, mà người dân, du khách tìm đỏ mắt không thấy chỗ vứt rác, hoặc những thùng rác nhếch nhác, bẩn thỉu thì không thể gọi là đô thị văn minh.

“Tôi đi các nơi, tôi thấy các sọt rác không được thẩm mỹ, sạch sẽ nên tôi nghĩ làm sao phải làm cho đường phố sạch sẽ. Sau đó tôi tự về đan những chiếc sọt cho khu phố”. Đó là lý do tại sao gần 2 năm nay, ông Đoàn Túc, 68 tuổi ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng ngày ngày cặm cụi ngồi đan những chiếc sọt đựng rác màu xanh ở ven đường Hà Mục.

Ông Túc đang cặm cụi đan những chiếc giỏ đựng rác. (Ảnh: Môi trường & Đô thị)

Chia sẻ với VOV, ông Túc bảo, mỗi lần nhân viên vệ sinh môi trường đến thu gom rác, nước bẩn từ trong thùng xốp, thùng sơn đựng rác của các hộ dân chảy ra đường bốc mùi hôi thối. Từ đó, ông nảy ra ý nghĩ phải làm dụng cụ đựng rác đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sẵn có nghề đan từ trước, tuần nào ông Túc cũng đạp xe đến các cơ sở gạch men xin những sợi dây ni lông bỏ đi đem về nhà đan sọt. Mỗi ngày, từ sáng sớm tới chiều muộn ông Túc đan được 3 đến 4 chiếc sọt có dán dòng chữ “Chi hội Nông dân Khu dân cư số 19 vì môi trường thân thiện”.

Sọt rác gắn “mác” Chi hội nông dân KDC 19 của cụ Túc. (Ảnh: Môi trường & Đô thị)

Ban đầu, ông Túc đặt những giỏ đựng rác tại các ngã ba, ngã tư để phục vụ người dân khu phố. Dần dần, ngày càng có nhiều người đến đặt mua những chiếc sọt rác của ông làm ra. Mỗi chiếc sọt rác ông Túc bán với giá 30.000 đồng.

Theo Môi trường & Đô thị, ông Túc bộc bạch: “Việc sử dụng sọt rác này không chỉ giúp khu phố sạch đẹp vì tạo được sự đồng bộ mà còn tạo được sự thuận tiện cho người dân, người dân không còn phải lo sợ những lúc trời gió sọt rác bị bay ra đường hay nước tồn đọng dưới đáy giỏ gây mùi hôi thối hoặc làm phát sinh ruồi, muỗi sinh ra các loại bệnh vào trời nóng”.

Trong số hàng trăm chiếc sọt đan được, hơn một phần ba số sọt ông Túc tặng cho những hộ gia đình khó khăn mong muốn cùng nhau góp phần giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp.

Người dân ở khu phố Hà Mục ai cũng dùng chiếc sọt đựng rác thân thiện với môi trường của ông Túc. (Ảnh: VOV)

Để có được những giỏ rác bền chắc, sử dụng được lâu dài ông Túc đã đến công ty gạch men trên đường Ông Ích Đường để nhặt các dây nilon từ công ty này sau khi người ta chuyển hàng. Nhiều người biết ông xin về để đan sọt rác nên giữ lại cẩn thận.

Ngoài vật dụng là dây nilon, sọt rác của ông Túc còn bện thêm bằng lưới sắt B40 bao quanh ở phần trên và dưới đáy sọt rác. Vì “siêu bền” và thân thiện với môi trường nên sản phẩm của ông nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người dân nơi đây.

Khu phố Hà Mục trở nên xanh – sạch – đẹp hơn vì có những chiếc sọt đựng rác thân thiện với môi trường. (Ảnh: VOV)

Ông Lê Văn Châu, người dân ở Khu dân cư số 19, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ cho biết, từ ngày có những sọt rác của ông Túc, khu phố trở nên sạch sẽ và thoáng mát hơn nhiều. Giỏ rác lại không bị chuột cắn, hay mất trộm như những chiếc thùng xốp tạm bợ.

Minh Lan

Exit mobile version