Cái chết mới đây của VG Siddhartha, người được mệnh danh là “vua” cà phê Ấn Độ đã gây chấn động trên khắp cộng đồng doanh nghiệp ở Ấn Độ.
Thi thể của ông được tìm thấy vào sáng ngày 31/7 gần một con sông ở ngoại ô thành phố Mangalore, miền nam Ấn Độ.
Mặc dù điều hành chuỗi cà phê lớn nhất Ấn Độ, ông Siddhartha là một doanh nhân kín đáo và xa cách giới truyền thông.
Theo BBC, ông Siddhartha sinh ra trong một gia đình chủ đồn điền cà phê ở Chikmagalur, bang Karnataka. Ông bắt đầu sự nghiệp là một chủ ngân hàng đầu tư vào những năm 1980, nhưng ông sớm bắt đầu tự đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Bước đột phá lớn trong kinh doanh của ông là sau năm 1991, khi nền kinh tế Ấn Độ được tự do hóa, dỡ bỏ các hạn chế đối với thương mại cà phê. Điều này đã mở đường cho ông bắt đầu kinh doanh hạt cà phê vào năm 1993. Trong vòng 2 năm, công ty của ông trở thành một trong những nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất của Ấn Độ.
Lấy cảm hứng từ văn hóa cà phê ở phương Tây, ông có ý tưởng sẽ xây dựng một chuỗi cà phê ở Ấn Độ. Ban đầu, ông bị các đồng nghiệp của mình ngăn cản, họ nói rằng cà phê sẽ không được chào đón ở Ấn Độ, nơi có đồ uống chủ yếu là trà.
Nhưng ông Siddhartha vẫn không từ bỏ ý tưởng của mình. Sau cuộc trò chuyện với chủ sở hữu của Tchibo, một chuỗi cà phê của Đức, đã tăng thêm động lực để ông thực hiện ý tưởng. Vào năm 1996, ông mở cửa hàng Café Coffee Day đầu tiên tại thành phố Bangalore với khẩu hiệu: “Rất nhiều điều có thể xảy ra đối với một tách cà phê”. Quán cà phê đã trở thành một hiện tượng trong giới trẻ, với các sinh viên và giám đốc điều hành công ty dưới 30 tuổi dành hàng giờ ở quán cà phê.
Vào cuối những năm 1990 và 2000, chuỗi cửa hàng Café Coffee Day tăng trưởng nhanh chóng ở Ấn Độ. Vào năm 2005, Café Coffee Day đã mở cửa hàng quốc tế đầu tiên tại Vienna. Đến năm 2011, nó đã mở hơn 1.000 cửa hàng. Ngày nay, chuỗi cà phê có hơn 1.700 cửa hàng tại hơn 200 thành phố, bao gồm Prague, Vienna và Kuala Lumpur.
Nhà tư vấn thương hiệu Harish Bijoor mô tả ông Siddhartha là Howard Schultz của Ấn Độ. Howard Schultz là cựu giám đốc điều hành của Starbucks, chuỗi cà phê nổi tiếng có trụ sở tại Mỹ.
“Siddhartha đã cách mạng hóa văn hóa cà phê ở Ấn Độ. Ông là vua cà phê không thể tranh cãi”, ông Bijoor nói với BBC.
Mô hình kinh doanh của Café Coffee Day dựa trên 3 nguyên tắc: giá cả phải chăng, không gian đẹp và phục vụ chất lượng. Café Coffee Day thường nhắm đến khách hàng trẻ, nhưng ông Siddhartha cũng mở một vài cửa hàng pha trộn giữa quán cà phê và bar nhắm vào các khách hàng cao cấp, những người không ngại chi nhiều tiền.
Sau khi tồn tại hơn một thập niên mà hầu như không có đối thủ, Café Coffee Day bắt đầu cảm thấy sức nóng vào năm 2012, với sự xuất hiện của các chuỗi cà phê quốc tế ở Ấn Độ bao gồm Starbucks và Costa Coffee. Công ty đã phải giảm tốc độ mở rộng vì cạnh tranh khốc liệt.
Năm 2015, để tăng thêm lợi nhuận, ông Siddhartha đã niêm yết công ty trên sàn giao dịch chứng khoán Ấn Độ. Nhưng nó đã không nhận được sự chú ý từ các nhà đầu tư, dẫn đến giá cổ phiếu của công ty giảm 18% trong ngày đầu tiên giao dịch.
Shubhranshu Pani của JLL, một công ty bất động sản tư vấn cho Café Coffee Day, nói rằng sau đó, công ty bắt đầu đóng cửa các cửa hàng phi lợi nhuận để cắt lỗ.
“Họ nhận ra rằng họ phải thay đổi chiến lược để chống lại sự cạnh tranh”, ông Pani nói với BBC.
Việc thay đổi chiến lược đã mang lại hiệu quả. Café Coffee Day đã kiếm được lợi nhuận liên tiếp trong 3 năm tài chính vừa qua. Vào tháng 1/2018, giá cổ phiếu của Café Coffee Day đã chạm mức cao nhất mọi thời đại, đưa vốn hóa thị trường của công ty lên hơn 1 tỷ USD.
Nhưng kể từ ngày 30/7, khi tin tức về sự mất tích của ông Siddhartha xuất hiện, giá cổ phiếu đã giảm hơn 35%. Các nhà phân tích tin rằng Cafe Coffee Day là một thương hiệu mạnh có tương lai tươi sáng nếu được quản lý đúng cách, chính vì vậy sự ra đi đột ngột của ông Siddhartha đã khiến nhiều người trong giới kinh doanh Ấn Độ bị sốc.