Đại Kỷ Nguyên

Cuộc đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy nếu chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau…

Sống trên đời, mỗi người đều có một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nên tính cách và suy nghĩ cũng chẳng mấy khi tương đồng. Vậy mà, nhiều khi ta lại cho rằng mình đúng, mình hơn người, để rồi chỉ trích, buông lời chê bai, phán xét những người xung quanh ta.

Đừng chỉ nhìn vào lỗi sai

Trong giờ học, một giáo viên viết lên bảng: 

(Ảnh: Facebook)

Sau khi viết xong, quay xuống nhìn học trò, tất cả đều cười khúc khích vì cô giáo viết sai bảng cửu chương, những phép tính tưởng chừng mọi giáo viên phải nằm lòng rồi mới phải, đã thế lại còn viết sai ngay dòng đầu tiên. Trước những tràng cười khoái trá của học sinh, cô giáo ôn tồn đáp:

Cô đã cố ý viết sai hàng đầu tiên, vì cô muốn các em học một điều còn quan trọng hơn môn toán – đó là một thực tế phũ phàng và đau lòng đang diễn ra trong thế giới của chúng ta. Các em có thể thấy rằng cô viết đúng 9 lần, nhưng chẳng có ai khen ngợi cô về điều đó cả, tất cả đều chỉ nhìn vào lỗi sai duy nhất của cô mà thôi.

Lời bình: Thực vậy, trong xã hội ngày nay, con người thường thích chỉ trích sai lầm của người khác thay vì nói những lời tán dương, khen ngợi. Có thể điều đó sẽ giúp họ cảm thấy mình giỏi hơn người khác, mình ở vị trí cao trong xã hội và cảm thấy tự tin hơn ở bản thân. Thế nhưng, theo thời gian lâu dần, những suy nghĩ ấy trở nên ăn sâu vào tiềm thức, khiến chúng ta ngày càng trở nên ích kỷ, hẹp hòi. Chẳng bao lâu nữa, những người yêu thương cũng lặng lẽ rời xa ta, bởi khi phán xét người khác, ta đâu còn thời gian và trái tim để yêu thương ai được nữa. 

Khi phán xét người khác, ta đâu còn thời gian và trái tim để yêu thương ai được nữa (ảnh minh họa: Pinterest).

Xin hãy nhớ rằng: Chúng ta là con người, và sai lầm sẽ chẳng bao giờ bỏ qua bất kỳ ai trong chúng ta. Nhưng mà, chẳng phải nhờ nó mà chúng ta mới trưởng thành như hiện tại sao? Vậy thì có lý do gì để chúng ta ghét bỏ những sai lầm, chỉ trích những người từng phạm sai lầm và oán trách bản thân khi mắc sai lầm? Khi đối mặt với mọi chuyện ở đời bằng ánh mắt khoan dung, bạn sẽ không tùy tiện tức giận, bạn sẽ biết cách nhẫn nhịn, và dần dần trái tim bạn sẽ giàu lòng vị tha.

Đừng vội vàng phán xét

Một vị bác sĩ sau khi nhận được cuộc điện thoại tiếp nhận một ca phẫu thuật gấp, liền vội vã ngay lập tức đến bệnh viện và thay trang phục để vào phòng mổ.

Cha của bệnh nhân đã không kiềm chế được bực tức mà trách: “Tại sao ông lại có thể đến muộn như vậy chứ? Chẳng lẽ ông không biết được rằng con trai tôi đang ở vào tình thế nguy hiểm sao? Ông đúng là người vô trách nhiệm!”.

Bác sĩ nhẹ nhàng cười nói: “Thật xin lỗi, vừa rồi tôi không trực ở bệnh viện, khi nhận được điện thoại tôi đã lập tức đến ngay. Xin ông bình tĩnh một chút!”.

“Bình tĩnh? Nếu như người nằm trong phòng phẫu thuật là con trai của ông thì ông có thể bình tĩnh được không? Nếu như hiện tại con trai của ông chết rồi thì ông sẽ như thế nào đây?”, cha của bệnh nhân phẫn nộ nói.

Bác sĩ lại ôn tồn: “Được rồi. Tôi sẽ đọc thầm Kinh thánh. Hãy cùng cầu nguyện cho con trai của ông đi!”.

Cha của bệnh nhân lại tức giận nói: “Chỉ có người thờ ơ với sự sống chết của người khác mới có thể nói được những lời như vậy!”.

Vị bác sĩ vội vã ngay lập tức đến bệnh viện và thay trang phục để vào phòng mổ (ảnh minh họa: Fokuzz).

Mấy tiếng sau, ca phẫu thuật thành công, bác sĩ từ trong phòng phẫu thuật đi ra vui vẻ nói với cha của bệnh nhân: “Cảm ơn trời đất, con trai của ông được cứu rồi!”.

Không chờ người đàn ông kia trả lời, vị bác sĩ vội vã rời đi và nói: “Nếu như có vấn đề gì, ông có thể hỏi y tá”.

Cha của nam bệnh nhân giận dữ bất bình nói với y tá: “Ông ta thật ngạo mạn! Ngay cả việc tôi muốn hỏi tình huống của con trai mình có mấy phút đồng hồ mà cũng không được!”.

Nữ y tá rớt nước mắt nói: “Con trai của bác sĩ hôm qua đã mất vì tai nạn giao thông, lúc chúng tôi gọi điện cho bác sĩ đến mổ cho con trai của ông là bác sĩ đang trên đường đến nhà tang lễ. Bây giờ đã cứu sống được con trai của ông rồi, bác sĩ phải vội vàng trở về để chôn cất cho con trai mình…”.

Nếu luôn có thể thấu hiểu và cảm thông cho người khác, chúng ta sẽ tránh khỏi rất nhiều tổn thương không đáng có (ảnh minh họa: Pinterest).

Lời bình: Nếu chỉ nhìn bề mặt, chúng ta chẳng thể nào hiểu được hoàn cảnh của người khác, rằng họ đang trải qua biến cố gì, đang khó khăn ra sao. Người xưa vẫn thường nói: Có từng chịu đựng khổ đau mới hiểu được nỗi đau của người khác. Có từng đi con đường gập ghềnh nhấp nhô mới biết thương người khác cũng phải trải qua như vậy. Nếu luôn có thể thấu hiểu và cảm thông cho người khác, chúng ta sẽ tránh khỏi rất nhiều tổn thương không đáng có.

Quả thật, cuộc đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy nếu chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau.

Hải Dương

Video xem thêm: Nhẫn dưỡng phúc, từ bi dưỡng tâm, khoan dung dưỡng khí

Exit mobile version