Sở hữu trong tay hàng trăm giải thưởng nghệ thuật lớn nhỏ, Lý An – đạo diễn châu Á đầu tiên vinh dự được cầm trên tay chiếc tượng vàng Oscar danh giá, khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi phát hiện ra thành công của ông hôm nay đều chỉ nhờ một câu nói của vợ.
Lý An chia sẻ rằng để có được thành công của ngày hôm nay, ông đã phải đi qua chặng đường không ít sóng gió và chông gai. Xuất thân từ một làng quê tại Đài Loan, nuôi dưỡng trong mình hoài bão lớn lao, ông nộp đơn theo học chuyên ngành điện ảnh tại trường Đại học Illinois của Mỹ. Tuy nhiên, việc làm này của ông đi ngược lại với mong muốn của cha nên đã nhận phải một sự phản đối kịch liệt.
Bất chấp mâu thuẫn, chàng trai trẻ Lý An quyết định tự mưu sinh nơi đất khách, để thực hiện mục tiêu cuộc đời mình. Lý An làm mọi thứ trên đời từ tạp vụ, biên kịch, trợ lý…để có thể tồn tại qua ngày. Và chỉ đến khi ra trường, ông mới thật sự hiểu lý do tại sao người cha mang tư tưởng truyền thống của mình lại kịch liệt phản đối ước mơ trở thành nhà làm phim của mình.
Ông chia sẻ: “Bố tôi phản đối cực lực, bố tôi kiếm cho tôi một tài liệu thống kê: Sân khấu Broadway của Mỹ mỗi năm chỉ cần 200 vai diễn mà thôi, thế mà khoảng 50 nghìn người giày xéo lên nhau để tranh những xuất diễn ấy”.
Năm Lý An 30 tuổi, tài sản của ông không có gì ngoài hai bàn tay trắng. Ông nhận ra: “Trong giới điện ảnh Mỹ, một người Hoa không quen biết, không tiền, không thế lực, muốn chen chân thật khó, chứ đừng nói là nổi tiếng”.
Trong những ngày đợi chờ chán nản, hàng trăm kịch bản đã được gửi đi kèm theo hy vọng hồi đáp, nhưng tin tức vẫn bặt vô âm tín. Ông kể lại: “Bắt đầu từ năm 1983, tôi đã trải qua suốt sáu năm chờ đợi vô vọng, lúc nào may mắn thì được đi theo tổ đạo cụ để xem xét vật dụng, làm chân sai vặt cho nhóm kỹ thuật hậu kỳ, hay lo những thứ lặt vặt râu ria quanh trường quay”.
Dẫu rằng cuộc đời chưa từng một lần như mong đợi, nhưng Lý An chia sẻ rằng ông cảm thấy mình may mắn khi lấy vợ – bà Huệ Gia, cô sinh viên khoa Sinh học mà ông quen từ khi còn học tại trường Đại học. Sau khi kết hôn, họ có con và sống những tháng ngày khó khăn nhờ đồng lương ít ỏi của bà Huệ Gia, khi đó đang làm việc tại một phòng nghiên cứu dược.
Lý An viết về vợ: “Chờ đợi, chờ đợi, hay sẽ vứt bỏ giấc mơ làm phim? Điều may mắn nhất đời tôi là khi ấy, tôi đã lấy vợ. Vợ tôi Lâm Huệ Gia cũng là du học sinh Đài Loan ở cùng trường, nhưng cô ấy học về sinh vật học. Sau khi tốt nghiệp, cô ấy trở thành nhân viên nghiên cứu về dược học cho một phòng nghiên cứu nhỏ, lương thực sự rất eo hẹp”.
Trước những gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai vợ, để quên đi cảm giác day dứt giày vò trong tâm, Lý An chia sẻ: “Để bớt đi cảm giác có lỗi, tôi chủ động làm tất cả mọi việc nhà, từ nấu nướng, lau dọn, chăm sóc con, bên cạnh những công việc mà tôi yêu thích như đọc sách, bình phim và viết kịch bản”.
Thời gian này kéo dài khá lâu, có lúc cha mẹ vợ ngỏ ý muốn hỗ trợ hai vợ chồng ông một khoản tiền tiết kiệm để mở cửa hàng ăn. Tuy nhiên, bà Huệ Gia đã từ chối, bà tin rằng vợ chồng bà phải tự bước đi chứ không thể dựa dẫm vào cha mẹ.
Trước tình cảnh này, Lý An đã rất bế tắc và trăn trở, ông thật sự không muốn mình trở thành gánh nặng cho vợ. Sau nhiều lần suy nghĩ, ông quyết định tạm gác lại giấc mơ điện ảnh và đăng ký một khóa học về máy tính. Ông kể lại: “Có lẽ cả đời này tôi chẳng bao giờ được làm phim! Thế nên phải tìm cách đối diện sự thật ấy! Tôi đến trường đại học cộng đồng của khu dân cư, xem xét kỹ rồi cuối cùng ghi danh vào lớp máy tính. Trong những năm khó khăn này, hình như chỉ có vi tính là môn kỹ thuật mà ta chỉ cần một thời gian ngắn đã học được nghề”.
Trong một lần bà Huệ Gia vô tình đọc được thời khóa biểu khóa học máy tính trong túi của Lý An. Vào một buổi sáng khi đang bước ra ngoài xe, bà quay lại và nói với chồng: “An à, đừng quên giấc mơ của anh đấy chứ?”
Và sau bao năm, đến nay Lý An vẫn nhớ như in từng lời động viên của vợ trong giai đoạn ông bần hàn tù túng nhất:
Em luôn tin anh chỉ cần một món quà. Đó là được làm phim. Đã có rất nhiều người học về máy tính rồi, họ không cần thêm một Lý An để làm những việc đó. Nếu anh muốn giành được bức tượng vàng, anh phải hết mình với ước mơ.
Ngay sau câu nói của vợ, Lý An cầm cuốn giáo trình máy tính thả vào thùng rác trước cửa nhà. Ông hạnh phúc vì mình vẫn còn cơ hội theo đuổi giấc mơ phim trường. Quay trở lại với đam mê cùng sự động viên của vợ, chỉ sau vài năm sau sự nghiệp của Lý An bước lên một tầm cao mới.
Bộ phim đánh giá sự thành công đầu tiên của ông đó chính là Pushing Hands (Thôi thủ) kể về một thầy giáo Thái cực quyền Trung Quốc truyền thông sống ở Westchester. Sau khi công chiếu, bộ phim đã gặt hái được những thành công vang dội tại quê nhà của vị đạo diễn.
Tiếp nối thành công, Lý An cho ra đời hoàng loạt những siêu phẩm mớ với những chủ đề khác nhau mà bị cũ kĩ trùng lặp.
Ngọa hổ tàng long (2000) là bộ phim nâng tầm vị thế điện ảnh Trung Quốc trên trường thế giới. Bộ phim dễ dàng đoạt 4 giải Oscar, mang về doanh thu khổng lồ lên đến 213,5 triệu USD (gần gấp 13 lần tổng đầu tư), trở thành bộ phim nước ngoài có doanh thu cao nhất tại Mỹ (130 triệu USD) và giúp Lý An có chỗ đứng vững vàng tại kinh đô điện ảnh Hollywood.
Sau chặng đường dài hết mình cống hiến vì nghệ thuật, Lý An muốn tạm ngưng và dành nhiều thời gian hơn bên gia đình. Ông tham gia vào làm một bộ phim nhỏ và độc lập Brokeback Moutain (Chuyện tình sau núi) với tâm trạng vô cùng ung dung và thư thái. Tuy nhiên, điều Lý An không thể ngờ, chính là nhờ bộ phim “nhỏ” này mà Ang Lee (Lý An) là cái tên được xướng lên trong lúc trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất của sân khấu Oscar năm 2006.
Thành công nối tiếp những thành công, năm 2012, Lý An trở lại với bom tấn 3D Life of Pi (Cuộc đời của Pi) với những cảnh quay và kĩ xảo đẹp lung linh đã giúp ông bổ sung vào bộ sưu tập giải thưởng thêm một chiếc tượng vàng Oscar cho hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất.
Cuối cùng thì ông Lý An cũng đã đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp, ông đã được trao giải Oscar. Ông hạnh phúc nói:
Tôi đã từng đoạt được giải Oscar, tôi nghĩ rằng sự nhẫn nại năm xưa của tôi, sự hy sinh của vợ tôi, cuối cùng đã có kết quả, là để cho tôi đi tiếp con đường điện ảnh mà tôi mơ ước.
Người xưa giảng “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Cùng với câu nói ví von, ý nghĩa là đằng sau đó là thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ. Nếu mỗi người vợ hoặc chồng đều có thể biết trân quý mối lương duyên Trời định, biết cảm thông chia sẻ, biết lắng nghe và thấu hiểu thì họ có thể giúp nửa kia của mình đạt được thành công viên mãn trong cuộc sống.
Gia Viên