Đại Kỷ Nguyên

Cuộc điện thoại nhỡ lúc nửa đêm đã trở thành nỗi ân hận lớn nhất cuộc đời tôi…

Cách đây 6 năm, tôi đến Nhật Bản du học, đó là chuyến đi xa đầu tiên trong đời nên trong lòng cảm thấy vô cùng háo hức. 

Thế nhưng, khi đến Nhật, cảm giác đầu tiên trong tôi là hụt hẫng. Ngôi trường tôi học nằm ở một thành phố tỉnh lẻ, không có những tòa nhà cao tầng hay trung tâm thương mại sầm uất. Vào những ngày mưa, thành phố nhỏ bé ấy lại càng hiu hắt hơn.

Trong khi tôi vẫn đang chìm trong cảm giác u uất, trống trải của những ngày đầu xa quê, chị bạn khóa trên đã giới thiệu tôi với một gia đình người Nhật mà chị thường đến chơi. Hai bác đã về hưu, con cái đã đi làm và lập gia đình ở xa nên thường tham gia các hoạt động tình nguyện phục vụ cộng đồng. Các bác rất quý người nước ngoài, đặc biệt là những du học sinh giống như chúng tôi. Bác nói rằng, trò chuyện với những người trẻ giống như làm sống lại thời thanh xuân đầy đam mê và hoài bão đã bị lãng quên bởi tuổi già.

Khi đến Nhật, cảm giác đầu tiên trong tôi là hụt hẫng.

Một tối cuối tuần, tôi được mời tới buổi tiệc BBQ thịnh soạn tại nhà hai bác. Đó là một căn nhà kiểu truyền thống Nhật Bản, nằm lọt thỏm giữa một ruộng rau và vườn cây ăn trái. Lần đầu tiên nhìn thấy những cây kiwi sai trĩu quả, tôi đã không khỏi reo lên thích thú. Bác trai còn trồng rất nhiều cây mơ để bác gái ngâm muối khi mùa về. Thiên nhiên tươi đẹp và sự ấm áp nơi đây khiến tôi bình an, thanh thản lạ lùng. Tôi không còn cảm thấy nhớ nhà và cô đơn nữa, bởi tôi biết, nơi đây sẽ là ngôi nhà thứ hai của mình.

Mùa hè, bác trai đưa chúng tôi đi tắm biển và ăn đá bào siro. Đôi khi, bác còn cùng chúng tôi ra bờ sông xem đom đóm và dạy thêm cho tôi tiếng Nhật. Bác gái cũng nấu cho chúng tôi rất nhiều món ngon và say mê kể về những câu chuyện thời còn trẻ. Cuộc sống cứ trôi qua như vậy, an lành và bình yên. Thế nhưng, mỗi dịp khi Tết về, trong lòng tôi lại man mác nỗi nhớ gia đình, nhớ Tết cổ truyền Việt Nam và nồi bánh chưng nghi ngút khói.

***

Tết năm đó, vào ngày mùng một, bác trai dẫn chúng tôi đi đền thần có tên Hofu Tenmangu – một vị thần rất nổi tiếng ở Nhật Bản về học vấn. Tôi nghe bác kể rằng, các sĩ tử trước khi bước vào các kỳ thi quan trọng đều đến đây thắp hương để thể hiện sự thành kính đối với Ngài.

Trên đường về bác ghé vào một quán ăn gần đó và mời chúng tôi món katsudon – một loại cơm thịt heo tẩm bột chiên chan nước sốt trứng, món ăn khá thông dụng mà tôi vẫn thường thấy ở nhà ăn của trường. Vừa bước vào quán, tôi giật mình khi thấy những vị khách xếp thành một hàng dài ra tận cửa. Những người đó cũng giống như chúng tôi, đang trên đường từ đền thần trở về nhà tiện thể ghé ăn tối.

Người phục vụ bước ra nói hiện tại khách quá đông và không có ghế ngồi. Anh hỏi chúng tôi có thể đợi một tiếng rưỡi được không. Bác trai gật đầu đồng ý. Trong lòng tôi vô cùng thắc mắc, tại sao bác lại quyết định dành thời gian lâu như vậy chỉ để đợi một món ăn rất đỗi bình thường.

Sau một hồi lâu đợi chờ mòn mỏi, cuối cùng cũng đến lượt chúng tôi, khi người phục vụ đem phần Katsudon ra, bác trai bắt đầu giải thích cho chúng tôi rằng người Nhật hay ăn Katsudon vào dịp Tết, chữ Hán Katsu trong Katsudon có nghĩa là “Thắng”, và bác mong chúng tôi có một năm mới nhiều thắng lợi. Sau khi nghe bác nói, tôi vô cùng cảm động. Hoá ra bác đợi lâu đến như vậy là đều là vì chúng tôi. Cũng từ đó đến giờ, tôi luôn ăn Katsudon vào mỗi dịp Tết.

Chị bạn khóa trên đã giới thiệu tôi với một vợ chồngngười Nhật và nơi đó đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của tôi. (Ảnh minh hoạ)

Một ngày nọ, thầy giáo yêu cầu viết báo cáo về một đề tài khó. Tôi đã gọi điện cho bác trai để nhờ. Bác hỏi khi nào tôi có thời gian thì bác sẽ qua chỗ tôi để giải đáp. Thế nhưng, ngày hôm sau, thầy giáo đã giải thích cặn kẽ hơn và tôi bắt đầu hiểu về chủ đề đó. Tôi gọi điện hủy cuộc hẹn, một phần cũng là vì không muốn làm phiền đến bác. Bẵng đi một thời gian bận rộn, quay cuồng với việc học hành, làm thêm và hàng tá báo cáo, tôi không liên lạc với bác nữa.

Một lần, tôi trở về nhà muộn và mở điện thoại ra thì thấy một cuộc gọi nhỡ từ bác. Trời đã khuya nên tôi không gọi điện lại mà chỉ nhắn tin hỏi xem bác gọi có việc gì hay không. Sau khi bác nhắn lại rằng không có chuyện gì, trong lòng tôi có một chút bất an mơ hồ nhưng vì quá mệt nên tôi đành cho qua, tự nhủ hôm nào có thời gian thì sẽ gọi điện và đến thăm hai bác.

Nhưng tôi mãi mãi không bao giờ có cơ hội gọi cú điện thoại đó nữa. Một tháng sau, tôi nhận được thông báo bác trai đã qua đời sau cơn bạo bệnh. Tim tôi như bị ai đó bóp nghẹt. Tôi tự dằn vặt bản thân, tôi ước mình đã không hủy cuộc hẹn, tôi ước đã gọi điện cho bác sớm hơn, tôi ước mình không bị công việc cuốn đi mà vẫn dành thời gian đến thăm hai bác vào cuối tuần…. Tôi có hàng trăm, hàng ngàn điều ước nhưng tất cả đều không thể nào thành hiện thực được nữa. Tôi chỉ biết ngồi bất động ở đó, khóc và khóc…

Tôi chỉ biết ngồi bất động ở đó, khóc và khóc… (Ảnh minh hoạ)

Nỗi đau ấy đã khiến tôi hiểu rằng, mọi điều trong cuộc sống đều là hữu hạn. Nếu tôi cứ mãi chần chừ thì rất có thể sẽ phải sống cả đời trong hối tiếc. Cũng kể từ đó, tôi đều trân trọng từng phút giây được ở bên cạnh những người mà mình yêu quý. Tôi không biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì, vậy nên, tôi chỉ có thể dành trọn hết yêu thương khi hôm nay còn có thể.

Và tôi luôn ghi nhớ trong trái tim mình mãi mãi rằng, tôi đã từng gặp một người đàn ông đáng kính, tốt bụng và yêu thương tôi như chính con trai của mình…

Trần Phong

Xem thêm:

Exit mobile version