Câu chuyện cuộc đời đầy sóng gió của bà Nguyễn Thị Thu Ba, ngụ tại phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP. HCM nhận được sự cảm thông của rất nhiều người. Mặc dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, mắt mờ chân chậm, lại còn thêm bệnh huyết áp cao, nhưng mỗi ngày bà vẫn làm việc 18 tiếng để có tiền chăm sóc gia đình.
Dẫu khốn khó nhưng nghèo cho sạch, rách cho thơm
Sinh ra ở Đồng Tháp, 70 năm tuổi đời của bà Ba thấm đầy nhọc nhằn, chật vật cho cuộc sống mưu sinh. Bà rời gia đình lên Sài gòn khi mới chỉ 10 tuổi, kiếm kế sinh nhai bằng nghề bán quạt giấy, bún riêu, tăm tre…
Mặc dù luôn cố gắng hết mình, chăm chỉ làm việc nhưng cho đến tận 20 năm sau, mọi thứ vẫn không tốt đẹp hơn đối với bà, nghèo vẫn hoàn nghèo. Bà lọ mọ khắp chốn cùng nơi, các ngõ nghách của Sài Gòn, con hẻm nào bà cũng để lại dấu chân.
Bà gặp được một người mà sau lấy làm chồng, họ có với nhau 3 mặt con. Nhưng cuộc sống khốn khó không thể níu giữ được đôi chân của người đàn ông những tưởng sẽ là người trụ cột trong gia đình. Chồng bà bỏ đi lấy người khác, để lại cho bà những đứa con thơ dại, đói khổ chẳng đủ ăn, nhiều đêm thức trắng vì các con quấy khóc.
Để vượt qua những tháng ngày chông chênh ấy, bà cõng theo 3 đứa con trên vai, làm chủ một cuộc sống không có một đồng tiền dư giả, gia tài luôn trống rỗng. Hàng ngày mang theo các con bên mình, kiếm được gì ăn đó, cố gắng bươn trải để nuôi các con trưởng thành.
May thay 3 người con của bà lớn lên đều khỏe mạnh, rồi bà cũng lo dựng vợ gả chồng cho các con xong, tưởng rằng cuộc sống rồi sẽ an nhàn hơn khi tuổi già đang đến ngày một nhanh dần. Nhưng cái nghèo nó vẫn còn muốn theo bám mãi lấy bà mà chẳng chịu rời đi.
Các con bà cũng chẳng ai khá giả, họ như đi theo vết xe nghèo nàn của mẹ. Tệ hơn lại còn có người bị tai nạn đến chấn thương chẳng thể làm nổi việc gì đến nơi đến chốn, bà ngậm ngủi chia sẻ:
“Đứa con thứ của tôi bị tai nạn nên chấn thương phần đầu, mất sức khỏe giờ chỉ đi bán vé số. Hai đứa cháu cũng còn quá nhỏ, phải nghỉ học. Tôi mới bảo: Mẹ còn sức khỏe, để mẹ lo cho các con”.
Nước mắt chảy xuôi, vì thương con xót cháu nên hàng ngày bà Ba luôn bắt đầu từ 6h sáng, bà dậy nấu một chút gì đó ăn cho ấm bụng rồi đi bán vé số khắp ngóc nghách Sài Gòn. Nếu ngày nào bán hết 50 tờ vé số bà lời được 50 ngàn đồng. Bà chỉ dám ăn một ổ bánh mì hay đĩa cơm trắng cho qua bữa. Hết giờ bán vé số, bà về nhà để tiếp tục cho công việc buổi đêm, bà mua xăng lẻ bán từ 19h đến hơn 2h sáng ngày hôm sau ở vỉa hè.
Hơn 30 năm qua ngày nào bà cũng làm những việc như thế, bình quân mỗi ngày bà kiếm được 100 nghìn đồng. Bà dành dụm chắt chiu để cho hai cháu đi học và giúp con chữa bệnh. Bà chia sẻ:
“Ngày nào bán hết vé số và xăng thì ngày đó mới có tiền. Có bữa bán ế quá thì phải mượn tiền hàng xóm để ăn rồi làm trả lại. Tôi biết sức khỏe mình cũng đã yếu đi nhiều nhưng phải làm lụng còn cho cháu được đến trường”.
Dù luôn phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn và kiếm ăn từng ngày, nhưng nhiều lần nhặt được tiền đánh rơi từ vài trăm đến gần chục triệu đồng, bà Ba vẫn không lấy mà trả lại, bởi bà tâm niệm rằng “nghèo cho sạch rách cho thơm”.
Dù khốn khó nhưng vẫn luôn bên nhau
Mặc dù vất vả đêm hôm nhưng bà không khi nào một mình, bên cạnh bà luôn có người cháu Võ Văn Lộc 12 tuổi và một chú chó màu đen tuyền óng ánh. Lộc chia sẻ chú chó ấy chính là người bạn thân thiết của em.
Vì thương bà ngoại một mình đêm khuya nên tối nào Lộc cũng ra ngồi cạnh hoặc chơi cùng bạn chó quanh quanh đó. Lộc tâm sự: “Em thương, lo lắng cho ngoại nên đêm nào cũng ra cùng ngoại bán xăng đến sáng mới về. Những ngày đầu thức khuya không quen em cứ ngáp ngủ, nhưng lâu dần em cũng quen”.
Bạn chó là người đã luôn chơi cùng với Lộc để giúp em quên đi cơn buồn ngủ, đó là một người bạn thân nhất của em. Lộc vui vẻ chia sẻ: “Nhờ có con chó em mới không buồn nhiều vì có bạn chơi cùng”.
Đã có những câu hỏi dành cho Lộc, rằng nếu bán con chó thì sẽ có tiền đưa cho ngoại, nhưng em không đồng ý, Lộc cho rằng chỉ bạn chó là hiểu mình nhất và chỉ có bạn ấy mới chơi với em cả ngày không chán. Lộc nói:
“Em không bán đâu ạ, nó thân với em lắm, em chỉ có nó để chơi cùng mỗi ngày. Dù có bao nhiêu em cũng không bán, em biết ngoại cũng không muốn em bán đâu. Em không thể đánh đổi bạn thân của mình” .
Biết bố mẹ rất nghèo, thương ngoại vất vả nên Lộc luôn cố gắng tranh thủ học bài rồi ra phụ giúp ngoại bán hàng. Ước mơ của em khi lớn lên có thể làm diễn viên, có nhiều tiền về nuôi ba mẹ và giúp ngoại, giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo.
Cuộc sống quá khó khăn đối với một người đã già và một người còn trẻ. Bà Ba đã đi cả cuộc đời mà chưa thoát khỏi được cái nghèo, điều đó đã đưa Lộc sớm đến với trải nghiệm vất vả, giúp em hiểu ra một điều cho mình, đó là cần phải biết nuôi dưỡng ước mơ và sẽ can đảm vượt qua mọi thách thức để có thể biến giấc mơ thành hiện thực.
Phía trước mỗi chúng ta vẫn là những ngày tháng muôn màu tươi đẹp, nó đang thay đổi hàng ngày. Hy vọng nghị lực cùng với sự yêu thương vô bờ của bà ngoại sẽ là nguồn sức mạnh to lớn giúp Lộc thành công trong tương lai, giúp đỡ được gia đình và ngoại như ước nguyện của em.
Nguồn ảnh: Soha
Gia Viên