Con hẻm 121 Lê Thanh Nghị (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) thường được mọi người gọi với cái tên quen thuộc “xóm chạy thận”, là nơi cư trú của hơn 100 bệnh nhân đang chạy thận ở bênh viện Bạch Mai. Đó là nơi những con người không hẹn mà gặp nhau trong mỗi lần lọc máu. Và có lẽ, số phận đã an bài cho họ cùng gắn bó với cái xóm nhỏ này…
Trăm mảnh đời một số phận…
Tồn tại hơn 20 năm nay giữa lòng thủ đô, “xóm chạy thận” đã chứng kiến nhiều lớp người từ khắp cả nước đến rồi đi, già trẻ đều có cả. Đã đến đây cũng có nghĩa là không hẹn ngày trở về, bởi vốn dĩ đâu ai biết được số mệnh của mình còn được bao lâu…
Khu xóm có khoảng 50 phòng trọ, mỗi phòng rộng khoảng 8m2, tồi tàn và ẩm thấp, chỉ kê vừa chiếc giường cho 2 người ngủ, còn các vật dụng khác thì bày biện ngổn ngang, cứ chỗ nào có chỗ trống thì để.
Hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Thông thường, cứ 3 ngày họ phải chạy lọc máu một lần, một tháng chạy 13 lần; nếu thiếu đi lần nào thì sức khỏe suy kiệt, tay chân bủn rủn rồi tụt huyết áp. Ấy vậy mà, có người vừa mới rút kim truyền là lại quay quắt đi kiếm sống. Từ rửa bát thuê, bưng bê cho đến lượm ve chai, bán trà đá… cứ ai đủ sức làm gì thì đều gắng sức mà làm.
Cụ Nguyễn Hồng Sơn (82 tuổi, quê Bắc Ninh) kể đã cùng vợ tá túc ở nơi này suốt 7 năm qua để tiện chăm sóc và đưa bà sang bệnh viện điều trị. Cả cuộc đời vốn chẳng dư dả gì, rau cháo nuôi nhau mà sống qua ngày, đến khi về già thì cùng nhau lay lắt trong căn phòng trọ lụp xụp 8m2 chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo – tình nghĩa thủy chung, son sắt của hai cụ thật khiến nhiều người xúc động và khâm phục.
Cụ Lệ (vợ cụ Sơn) tâm sự: Cuộc sống khó khăn, bệnh tật như vậy nhưng đến ngần này tuổi ông ấy vẫn ngày đêm ở cùng tôi trên này. Có sao đi nữa tôi cũng nhắm mắt được rồi.
Không may mắn như cụ Lệ, cụ Nguyễn Thị Thêm, 64 tuổi (Bắc Giang) thì lại lủi thủi một mình… Cụ kể đã “thường trú” ở đây suốt 8 năm, đến đây may mắn gặp được một người bạn cùng chung cảnh ngộ với mình nên 2 người ở cùng nhau để giảm bớt gánh nặng tiền nhà. Cụ tâm sự, người bạn còn chút sức khỏe nên cũng ra ngoài làm thêm được chứ cụ thì không đủ sức làm gì, đi đâu họ cũng không nhận, nên cũng đành chịu.
Còn có cả gia đình chị V (43 tuổi) đã chạy thận 14 năm nay. Từ khi 30 tuổi, sau khi cưới vợ được một năm, chồng chị được chẩn đoán mắc bệnh suy thận mãn tính. Từng ấy thời gian, chị gần như phải túc trực nuôi chồng ở đây. Nhìn những nếp nhăn và nét khắc khổ hằn in trên khuôn mặt, không ai nghĩ người phụ nữ này mới 43 tuổi.
Cùng xóm với vợ chồng chị V là anh Phạm Duy Tha. Mỗi lần chạy thận về, anh Tha kiệt sức đến mức không thể leo lên phòng trọ tầng hai mà buông ba-lô rồi ngồi phịch xuống nền đất. Không có sức khỏe để làm việc, anh Tha cũng chỉ quanh quẩn, vất vưởng từ phòng trọ đến hàng nước đầu ngõ, chẳng biết làm gì hơn. Anh buồn bã tâm sự: “Cuộc sống quả thực không khác gì cầm tù”. Chứng kiến hoàn cảnh éo le của người đàn ông 33 tuổi, gầy còm nhom, chỉ nặng 37 kg, ai cũng cảm thấy lòng nặng trĩu và thương tâm.
Còn sống được ngày nào thì vẫn cứ hy vọng
Thoạt nhìn cánh tay chi chít những khối thịt sưng lên ngay những lỗ sâu hoắm – di chứng của những mũi kim sau trăm, nghìn lần chạy thận, ai nấy đều cảm thấy “rất ghê”. Thế nhưng, với bệnh nhân chạy thận, họ đã quá quen rồi. Những mũi kim trăm nghìn lần chọc chi chít vào da thịt ấy chỉ là “chuyện vặt” so với những tháng ngày vật vã, đau đớn, có những lần tưởng chừng không qua khỏi ở “xóm chạy thận” này. Đối với những con người ấy, buổi sáng thức dậy vẫn còn nhìn thấy mặt trời đã là một hạnh phúc lớn của cuộc đời.
Ngày ngày, trong con hẻm nhỏ xíu và chật chội, chen chúc đó, những mái đầu bạc, và cả những mái đầu xanh đều đang vật lộn, chống chọi với căn bệnh nan y để giành giật từng ngày, từng ngày tiếp tục ở lại thế gian. Cho dù gánh nặng mưu sinh vẫn luôn đè nặng lên những đôi vai gầy yếu, mong manh; cho dù cuộc sống có thiếu thốn trăm bề, nhưng họ vẫn tha thiết được sống, được bước tiếp con đường cuộc đời.
Và tình cảm ấm áp mà hơn 100 con người bất hạnh trong cái xóm nhỏ ấy dành cho nhau từ khi nào đã trở thành niềm hạnh phúc nhỏ nhoi để họ có thêm sức mạnh tiếp tục chiến đấu.
Người ta nói, đời người suy thận ví như cây tầm gửi. Muốn sống được là phải phụ thuộc vào máy móc, phải gắn bó cuộc đời với bệnh viện, cùng những chiếc máy lọc thận vô hồn… Và tử thần luôn chực chờ họ bất cứ lúc nào…
Nguồn ảnh: anninhthudo
Linh An
Xem thêm:
- Vì sao con người ngày nay lại lắm bệnh tật như vậy? Nguyên nhân chính bởi điều này…
- Bí quyết: Hơn 1 thập kỷ sống cùng ung thư, cuộc đời nữ nhà văn có ý nghĩa hơn khi chưa mắc bệnh
- Nếu còn băn khoăn về sở hữu và cuộc đời, hãy lắng nghe bài học vô giá mà cây cối dạy chúng ta