Đại Kỷ Nguyên

Cuộc sống trong ngôi nhà khoảng 1m2 của 2 mẹ con giữa trung tâm Sài Gòn: Sáng bám vỉa hè, đêm ngủ ngoài cửa

Trong xã hội hiện đại, mỗi chúng ta dường như đang làm tất cả để có được cuộc sống đủ đầy hơn. Ai cũng phấn đấu hết mình để có thể mua được một căn nhà to hơn, rộng hơn, đến mức điều đó đã trở thành mục tiêu phấn đấu của cả một đời người. Nhưng câu chuyện của người phụ nữ nhỏ bé sống giữa đất Sài Thành dưới đây có lẽ sẽ giúp bạn có thêm một góc nhìn về cuộc sống.

Trên một xa lộ lớn vào bậc nhất nhì, có một căn nhà nhỏ với chiều ngang chỉ vỏn vẹn một 1m, khiêm nhường nép mình giữa những ngôi nhà to lớn và chắc chắc. Ngôi nhà tí hon ấy chính là tổ ấm của hai mẹ con cô Lê Thu Vân (52 tuổi) đã từ 7 năm nay.

Bạn vẫn chưa thể tưởng tượng được tại sao người ta có thể sống trong những ngôi nhà bé tí teo như vậy? Và có lẽ họ rất đau khổ khi không có một ngôi nhà thực sự để sinh sống. Nhưng căn nhà nhỏ bé này với cô Vân hẳn là một món quà quá đỗi tuyệt vời của cuộc sống mà những tấm lòng ấm áp dành cho mẹ con cô.

Cô Vân là một người phụ nữ đã quen với cái khổ từ rất lâu rồi. Là con trong một gia đình nghèo lại đông thành viên, từ khi còn là một cô bé, cô Vân đã theo ngoại đi khắp các nẻo đường của thành phố hoa lệ này kiếm sống. Vỉa hè, bầu trời đêm có lẽ đã trở thành một phần cuộc sống của cô từ ấy. Những giấc ngủ vội vàng trong cái lạnh lẽo, trống vắng của phố phường lúc đêm khuya không còn là điều có thể khiến cô bận tâm. Tới tuổi trưởng thành, cô Vân kết hôn cùng một người đàn ông. Những tưởng đã tìm được một bến đỗ, một nơi vững vàng để nương tựa, nhưng tới khi cô mang bầu, chồng cô lại bỏ đi biệt tăm, để cô lại với những lo toan về cuộc sống, với sự cô độc và trách nhiệm dành cho một sinh linh mới sắp đến với thế giới này.

Sinh con, tiếp tục công việc buôn bán mà bà và mẹ đã dạy lại cho mình, cô Vân cứ ở vậy nuôi con gái. Cuộc sống của hai mẹ con chỉ biết trông vào gánh hàng, vào những sớm khuya tảo tần của cô giữa dòng người đông đúc và vội vã của thành phố. Cho tới một ngày, khoảng năm 2010, em gái cô Vân mua thêm được căn nhà tí hon trên đường Võ Văn Kiệt này, cô đã xin với em gái và em rể cho thuê lại căn nhà, để hai mẹ con thực sự có một nơi riêng tư để sinh hoạt và cũng là để có nơi buôn bán, kiếm thêm tiền chi trả cho cuộc sống khi con gái cô cũng ngày một lớn hơn…

Thương chị, thương cháu, em gái cô Vân đồng ý để mẹ con cô thuê nhà với tiền thuê chỉ vỏn vẹn 600.000 đồng một tháng. Nhưng cô Vân cũng chỉ có thể trả em gái số tiền ấy trong một năm đầu tiên. Bởi việc làm ăn buôn cũng không mấy thuận lợi, mọi thứ càng ngày càng đắt đỏ, nên sau năm đầu tiên ấy, cô Vân được ở trong căn nhà tí hon mà không cần phải trả tiền.

Kể về căn nhà nhỏ nhất nhì thành phố của mình, cô Vân hóm hỉnh: “Nhà tôi nằm ngay giữa trung tâm Sài Gòn, nghe oai lắm nhưng có lẽ nhà còn rộng chưa bằng cái nhà tắm của người ta”. Đằng sau sự hóm hỉnh ấy là một thực tế cuộc sống với thật nhiều khó khăn. Căn nhà rộng chỉ hơn 1m2 của hai mẹ con cô Vân, nếu không được tận mắt chứng kiến, ít ai có thể hình dung. Căn nhà chỉ có tầng một và một căn gác xép nhỏ. Cô Vân kể lại rằng căn gác xép ấy trước là một cái ban công, sau này, mẹ con cô đã sửa lại để thành được một căn phòng nhỏ như hiện giờ. Nhưng mỗi khi mưa lớn, nước vẫn hắt vào, ướt sũng sàn phòng, vì nhà không có cửa sổ, mà cửa sổ chính là những tấm bạt đắp với nhau, mở ra, đóng vào là dùng những chiếc kẹp người ta dùng để kẹp giấy cố định lại.

Căn phòng nhỏ trên gác chính là nơi rộng rãi và “đẹp” nhất trong căn nhà tí hon này. Vì thế, cô Vân dành nó cho con gái, vì cô bé cũng đã lớn và cần có chỗ ngủ riêng, kín đáo. Nhưng những hôm nắng nóng quá gay gắt, con gái cô vẫn phải vào ngủ nhờ nhà ông bà ngoại, nằm ngay trong con hẻm nhỏ bên cạnh. Còn tầng một của ngôi nhà tí hon tràn ngập những món đồ, những hàng hóa phục vụ cho công việc buôn bán. Đây chính là “kho chứa đồ” quý báu của cô Vân, bởi hiện giờ, cuộc sống của hai mẹ con cô trông cậy cả vào quán nước giải khát và việc buôn bán một chút đồ tạp hóa ấy.

Cô Vân chia sẻ, những đồ đạc trong căn nhà không thứ gì có giá trị lớn, hơn nữa phần nhiều đồ đạc đều không phải do cô tự mua. Hàng xóm biết mẹ con cô khó khăn nên ai cũng thương, người này cho cái này, người kia cho cái kia. Dần dần, căn nhà nhỏ của cô cũng có đủ những thứ đồ dùng cần thiết. Cô chỉ chiếc cầu thang sắt dẫn lên gác, đặt gần như dựng đứng vì nhà quá nhỏ, và kể rằng tới cái thang này cũng là của một người hàng xóm nhặt về cho. Căn nhà nhỏ lỉnh kỉnh đồ đạc, nhưng dường như nhìn góc nào cô Vân cũng có thể thấy được tấm lòng của người khác dành cho mình.

Vì tầng một đã trở thành cái “kho” quý giá, tầng trên thì dành cho con gái, nên vỉa hè lại một lần nữa trở thành nơi ngả lưng vào mỗi cuối ngày của cô. Đêm nào cũng vậy, sau 10 giờ, cô Vân mới tính tới chuyện dọn hàng, cô cười vui và chia sẻ với những người quan tâm mình, dọn hàng sớm cũng có để làm gì đâu, dọn sớm có lẽ sẽ lại thêm buồn. Khi bán hàng, cô còn được gặp người này, người kia, trò chuyện một câu, chào hỏi một câu hay cũng là để cười với người ta một chút. Chứ dọn hàng rồi, chỉ hai mẹ con thui thủi với nhau, chiếc ti vi – nguồn vui duy nhất cũng đã hỏng trong trận mưa trái mùa vừa đi qua.

Chỉ đến khi những con đường vãn bớt tiếng xe, khi những ngọn đèn từ các ngôi nhà xung quanh dần tắt, cô Vân mới đóng cửa quán và kê chiếc giường xếp đã rất cũ ra vỉa hè, ngay cạnh tủ đựng đồ bán nước của mình để ngả lưng. Có lẽ cái mệt mỏi trong thân thể của cả ngày dài mới giúp cô chìm nhanh vào giấc ngủ, giữa ánh đèn đường chiếu rọi và tiếng gầm gừ của một vài chiếc xe vội vã trở về trong đêm.

Vất vả là thế, nhưng dường như ít ai thấy cô Vân buồn, và người ta cũng không thấy cô giận dữ gì với cuộc đời. Hàng xóm ai cũng đã rất quen với hình ảnh tảo tần của người “phụ nữ mà cuộc sống gắn với vỉa hè” ấy, ai cũng nhìn thấy sự chịu thương chịu khó sớm khuya mỗi ngày của cô, và có lẽ từ đó mà thêm thương hai mẹ con, để khi có dịp là lại ra uống nước ủng hộ, hay có gì đó là đem tới cho mẹ con cô.

Cô Vân trân quý tất cả những điều tốt đẹp mà những người xung quanh mang tới, bởi cô hiểu, trong cuộc sống ai cũng có khó khăn của riêng mình. Nên khi người khác nghĩ được tới cái khó của mình, thương hoàn cảnh của mình mà làm một điều gì đó cho mình thì quả thực là điều quý giá. Nhưng cô cũng chia sẻ rất chân thành: “Tôi không mong muốn gì nhiều cả, chỉ mong vẫn được buôn bán yên ổn như bây giờ, bởi tôi vẫn còn đủ sức khỏe để lo cho mình, lo cho con gái”. Cuộc sống mà chúng ta nghĩ rằng thật khốn khó ấy, qua lăng kính của bà Vân dường như lại được tạo nên từ rất nhiều may mắn mà cuộc sống dành cho bà: “Nhà nhỏ xíu nhưng không phải đóng tiền nhà, chỉ đóng tiền điện thôi, buôn bán hằng ngày sống cũng quen rồi”. Có lẽ vậy, mà những người xung quanh luôn có thể nhìn thấy điều đẹp nhất của một con người trên khuôn mặt bà Vân: Nụ cười hồn hậu và ánh mắt bình yên .

Suy ngẫm:

Cuộc sống vốn không phải lúc nào cũng màu hồng, không phải lúc nào cũng chỉ mang đến những điều ngọt ngào và tốt đẹp. Nhưng nếu ta có thể dùng một đôi mắt trong sáng, một tâm thái bình thản để nhìn nhận những vất vả ấy, cuộc sống cũng sẽ đáp lại ta bằng những điều tốt đẹp, có thể không phải là bằng những vật chất hữu hình như một căn nhà to đẹp, một chiếc xe sang trọng, mà là bằng những hạnh phúc, những ấm áp của tình người, của sự thanh thản trong tâm hồn. Bởi vạn sự xảy ra trên cuộc đời này đều có nhân duyên, và cái khổ đến không phải là để chúng ta tranh đấu, mà là để chúng ta học cách tỏa hương thơm ngát trong bùn lầy.

Nguồn ảnh: Báo Tiền Phong

Ly Ly tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version