Đại Kỷ Nguyên

Cuộc trò chuyện nơi rẻo cao: ‘Đàn ông như thế mới là đàn ông’…

Đôi nét về tác giả: Tác giả Phạm Hoàng Hải sinh năm 1948 tại Hà Nội, còn có bút danh là Hoàng Đại Dương. Ông từng công tác tại NXB Thế giới và là thư ký tòa soạn tạp chí Vietnam Cultural Window. 

Những tác phẩm đã xuất bản của ông như: “Sa Pa giữa trời mây trắng”, “Tam Đảo – Miền du lịch Đất tâm linh”, “Hội An người bạn đường du lịch văn hóa”, “Hạ Long Thiên đường giữa hạ giới”, “Nghệ thuật rối nước Việt Nam”, “Đà Nẵng trên con đường di sản”, “Hà Nội di sản văn hiến”… được dịch ra nhiều thứ tiếng và là những cuốn cẩm nang du lịch không thể thiếu đối với mỗi hành trình của du khách. Với văn phong đẹp đẽ, cuốn hút đầy chất thơ, các tác phẩm của ông rất có vị thế, được độc giả trong nước và quốc tế đánh giá cao”.

Tác giả Phạm Hoàng Hải (Nguồn ảnh: peopleinfo.net)

***

Bình sinh, từ khi còn là một thằng bé con cho đến bây giờ, đã sang bên kia bờ dốc cuộc đời, tôi vẫn thường tự cho mình là kẻ không đến nỗi quá hèn và cũng không phải xấu hổ với danh phận của một thằng đàn ông.

Niềm tự hào được là đàn ông và ý thức được trách nhiệm về vai trò đàn ông của chính mình vốn không phải ngày một ngày hai đã có. Đó là một nội lực được xây dựng củng cố dần dần qua năm tháng, được thử thách qua các thăng trầm cuộc sống và là cả một quá trình tự trải nghiệm bản thân.

Trong mắt vợ, tôi là một người đàn ông đích thực, đáng để chăm sóc yêu chiều. Trong mắt tôi, tôi là thằng đàn ông hơn rất nhiều thằng đàn ông khác.

(Ảnh : Anay Patel)

Về chuyện này là cả một lĩnh vực triết lý sâu xa, một chủ đề mênh mông sâu sắc mà tiếc thay lâu nay ít ai bàn tới.

Mặc kệ chuyện thiên hạ thờ ơ với thiên phận đàn ông, riêng tôi, tôi thầm tự đắc về cái chất đàn ông của mình

Ấy thế mà bỗng có một ngày đẹp trời, trên một phiên chợ vùng cao, tôi bị choáng váng vì tự thấy xấu hổ với mình khi ngồi nghe trộm câu chuyện của hai người đàn ông xa lạ.

(Ảnh: Triip)

Bên một chiếc bàn gỗ mốc thếch, tôi ngồi uống rượu với một người bạn. Anh này thạo nhiều thứ tiếng dân tộc vì đã một thời chuyên đi thu mua nấm rừng, thảo quả trong các bản làng xuất sang Trung Quốc.

(Ảnh: Facebook)

Bàn bên cạnh có hai người đàn ông mặc quần áo chàm vừa nốc từng bát rượu đầy vừa chằm chằm nhìn vào mặt nhau. Ngồi né ra xa một chút là một người phụ nữ váy áo thêu xanh đỏ, khắp người đeo không biết bao nhiêu vòng kiềng bằng bạc lủng lẳng.

(Ảnh: dulich.chudu24.com)

Suốt đến gần nửa tiếng đồng hồ chỉ thấy có một anh chàng nói, khi thì giận dữ khi thì nghẹn ngào, có lúc lại đắm chìm trong ưu tư như bị men rượu nhấn chìm. Can rượu to trên bàn đã vơi quá nửa, bỗng hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau, nức lên rưng rức. Cái bàn ọp ẹp chao nghiêng làm hai bát rượu đổ tóe ra sàn.

Lẳng lặng nhìn hai gã đàn ông quá say, người đàn bà cúi xuống nhặt những chiếc bát đặt lên bàn rồi lẳng lặng mở nút cái can ni-lông cao đến hai gang tay, nghiêng can rót rượu đầy tràn hai miệng bát. Xong xuôi lại trở về chỗ, lẳng lặng nhìn bâng quơ ra rặng núi dăng ngang trước mặt.

Thấy cảnh lạ lùng, tôi thì thầm hỏi anh bạn xem chuyện gì đang xảy ra.

Thì ra hai gã đàn ông này chính là “tình địch” của nhau, theo cái cách định nghĩa ngớ ngẩn của người dưới xuôi chúng ta. Một anh là chồng còn một anh là người yêu cũ của người đàn bà đang ngồi đây. Nhìn kỹ ra thì cô nàng vẫn còn khá trẻ nhưng vẻ tiều tụy và cam chịu làm cho ta nghĩ rằng đấy đã là một người thiếu phụ nhan sắc đang tàn.

(Ảnh :VOV4)

Chiều tối ngày hôm qua họ đã xuống đến chợ. Như rất nhiều đôi người dân tộc ở đây, hai vợ chồng này buộc ngựa vào một góc bên quán, ăn một bữa no nê rồi chia tay nhau.

(Ảnh: dongvan.gov)

Sáng hôm nay họ lại tìm về quán cũ theo lệ thường để rồi sẽ lại ăn một bữa trước khi túc tắc dắt ngựa đi về. Thế nhưng lần này, cô vợ không về quán một mình mà dẫn theo anh người yêu cũ. Theo tục lệ nơi này, các đôi vợ chồng đến đây là để được tự do đi tìm lại người yêu cũ của mình mà vì nhiều lý do đã không lấy được nhau. Các đôi tình nhân cũ ấy sẽ đi chơi qua đêm với nhau thoải mái để rồi sáng hôm sau lại chia tay và ai nấy lại tìm về với vợ với chồng chính thức của mình. Thế là lúc này, ba người ngồi cùng nhau. Hai người đàn ông và một người đàn bà.

(Ảnh: daily.bhaskar)

Anh bạn tôi ngồi xây mặt ra cửa nhưng căng tai về phía bàn bên để nghe và cố hạ giọng dịch cho tôi từng câu nhát gừng đứt quãng của người đàn ông đang vừa nói vừa uống một cách đầy bức xúc.

Anh ta còn phải tóm tắt cả những câu chuyện đã xảy ra trước đó, thế nhưng vẫn theo kịp được khúc sau vì anh kia cứ nói một câu lại uống một hớp rồi lại gật gật cái đầu, như đang cố vắt ra các ý nghĩ lộn xộn nằm đâu đó bên trong óc mình. Tôi vừa nín thở để nghe và cố sắp xếp lại các lời dịch đuổi khá là lộn xộn.

Cuối cùng thì tôi hiểu được đại khái câu chuyện giữa hai người đàn ông. Một người chỉ nói, vừa nói vừa nghẹn ngào. Một người cúi gằm mặt xuống, vừa nghe vừa cắn chặt hàm răng.

Bỏ qua những câu vòng vo mà tôi không nhớ mà cũng không hiểu hết ý thì từ đầu chí cuối chỉ có một người nói mà tóm tắt lại là như sau:

– Thằng Xín Thau kia, mày uống hết cái bát ấy đi rồi nghe tao nói. Suốt đêm qua tao đau tức cái tim, đau quặn cái ruột. Tao đi theo vợ mày về đây tìm mày.

– ………………

– Cái ngày bố mày theo ông thầy cúng đưa mày đến đón vợ mày về, tao buồn muốn chết. Tao đã bắn hết cả một túi thuốc, nhồi hết đạn chì thì nhồi sỏi sạn vào mà bắn. Đáy nòng vỡ ra, sẹo trên má tao vẫn còn đây này.

– ………………

– Sau khi cưới, vợ mày nó bảo rằng tao đừng buồn, mày thương vợ lắm. Tao tin nó quá, thế là tao vui.

– ………………

– Phiên chợ trước tao được tin nhắn là phiên này vợ chồng nhà mày sẽ đi. Tao đắp vội mấy khúc bờ ruộng cho xong, tao bỏ cái đám cưới trong bản để ra đây để gặp vợ mày.

– ………………

– Mày phải biết. Khi đi ra chợ tao vui quá, bỏ không bắn hai con chim to trên cành, bỏ không bắn một con nhím to trong bụi. Tao chỉ nghĩ đến cái lúc được gặp vợ mày. Thật đấy. Tao vẫn còn thương con vợ mày lắm mà.

– ………………..

– Đến lúc tao tìm được con vợ mày, tao vui đến chảy cả nước mắt. Tao lại hát lại cái bài mà ngày xưa lần đầu tao hát vào bên tai con vợ mày cái đêm đầu tiên tao gặp được nó.

– ………………….

– Thế mà, dắt nhau đi rồi, đèn tao chiếu vào tận mặt nó mà tao không còn nhận ra nó là cô con gái đẹp nhất bản. Giàng ơi. Khổ thân tao quá.

(Ảnh: VNPhoto.net)

Ngày xưa cái mặt ấy tròn như trăng rằm, cái tay nó đẹp như mình con trăn trên cây, tiếng nó cười hay như chim hót làm nắng cũng cười theo, cái váy nó thơm như hoa rừng làm bướm cũng bay theo.

– …………………….

– Giàng ơi. Đêm qua tao chỉ thấy mặt nó cong méo như trăng hạ tuần. Nó không cười, nó chỉ muốn khóc. Tao đau cái tim tao quá. Giàng ơi.

– ……………………

– Mày nói đi. Là thằng đàn ông, mắt mày có nhìn thấy vợ mày nó khổ hay không? Là thằng đàn ông, mắt mày có thấy vợ mày nó buồn hay không?

– ……………………

– Mày là thằng tốt số nhất đời. Mày sinh vào lúc nào mà mày lấy được vợ mày. Mày thật là có cái tội to. Hôm nay tao định đánh mày. Tao thương con vợ mày quá.

– ……………………

– Lần này tao mang hai bao ngô giống. Tao không bán nữa. Mày mang về đi mà trồng. Phiên chợ sau tao gửi phân bón vào cho

– ……………………

– Đến kỳ ngô trổ ra bắp, tao sẽ bảo mày cách đặt bẫy. Tao có bài thuốc, bẫy sập là lợn rừng ngấm thuốc không chạy được đâu. Tao sẽ cho mày. Nếu nhím sập bẫy, mày cứ bắt nguyên cả con mà mang ra chợ. Có người mua ngay. Ba cái dạ dày nhím sống là đổi được một con lợn giống thật to.

– ……………………

– Mày không được lười. Máy đói thì tao kệ mày. Nhưng vợ mày thiếu thóc thiếu ngô là tao đánh mày đấy

– ……………………..

– Thằng Xín Thau kia, mày có phải là thằng đàn ông hay không?

– ……………………….

Nhìn hai gã đàn ông gục đầu vào nhau rưng rức khóc trên hai bát rượu đã cạn khô, tôi thấy thật là khó tả.

(Ảnh: Vietnamnet)

Nhìn sang người đàn bà lẳng lặng ngồi bên, tôi không đọc được những ý nghĩ gì đang ẩn hiện trong đầu cô ta. Phải chăng là vừa hạnh phúc vừa tủi thân, phải chăng là vừa ái ngại vừa thương xót cho cả hai gã đàn ông của cô.

Rất lâu về sau, một lần tôi đem câu chuyện này kể cho vợ tôi nghe. Bà ấy thở dài, cầm cái điều khiển tắt phụt cái màn hình vô tuyến đang lải nhải vô duyên, và bâng quơ nói: “Đàn ông như thế mới là đàn ông”.

(Ảnh: VOV)

Nghe vợ nói thế bỗng tôi tự hỏi đàn ông dưới xuôi chúng ta ngày nay vênh vênh váo váo vì sự “văn minh” mà mình tự khoác cho mình, hãnh diện với những ô tô đời mới, với những biệt thự đắt tiền của mình, những gã đàn ông như thế có biết đích thực thế nào mới đáng được gọi là thằng đàn ông. Vợ tôi bảo là “đàn ông như thế mới là đàn ông”, tôi hiểu cô ấy muốn nói cô ấy ngưỡng mộ những người đàn ông như thế. Tôi hiểu ra là những thứ tiện nghi quanh tôi đang gặm nhấm dần biết bao nhiêu là những điều tốt đẹp sẵn có trong tôi mà nay chỉ tìm thấy được ở những vùng sâu vùng xa hẻo lánh nơi còn giữ được đời sống nguyên sơ.

Phạm Hoàng Hải

Exit mobile version