Đến với mảnh đất Tuyên Quang, ngoài việc được tham quan những ngôi nhà sàn độc đáo của người dân tộc Tày, bạn còn có cơ hội thưởng thức một loại bánh rất thú vị. Đó là bánh nếp nhân trứng kiến – món đặc sản trứ danh của xứ Tuyên.
Bánh nếp nhân trứng kiến (hay còn gọi Péng Lăng Lay) là món ăn lạ miệng, độc đáo và rất bổ dưỡng của người Tày ở Tuyên Quang. Tuy nhiên, dù lên Tuyên Quang bao nhiêu lần mà không đúng dịp thì du khách cũng chẳng có cơ hội được thưởng thức chiếc bánh nếp nhân trứng kiến độc đáo này. Bởi, mùa xuân mới là thời gian sinh sản của kiến đen và lúc này, người dân mới kiếm được nhiều trứng kiến ngon làm bánh.
Nguyên liệu chính
- Trứng non của kiến làm nhân bánh (Trứng của kiến đen được người Tày gọi là “tua rày”, loại kiến có thân nhỏ, đuôi nhọn được cho là lành nhất. Loài kiến này thường làm tổ, đẻ trứng trên những chạc cây không cao lắm và được thu lượm ở cây ngõa, xoan, quế, găng, vầu.
- Bột nếp nương
- Lá non của cây vả (cây ngõa) bọc bên ngoài
Khâu làm bánh
Nhân bánh:
– Trứng kiến đen được xào qua cùng hành phi, rau thì là thái nhỏ và nêm chút muối để miếng bánh đậm vị, hấp dẫn hơn.
– Xào trứng kiến phải hết sức khéo léo, chỉnh độ lửa vừa phải để trứng không bị vỡ, nát, chảy sữa.
– Ngày nay, trứng kiến không còn dồi dào như trước nên người dân thường trộn thêm nhiều nguyên liệu khác như thịt lợn băm nhỏ, hành khô, vừng, lạc rang giã nhỏ làm nhân.
Vỏ bánh:
– Gạo nếp nương loại ngon đem đãi sạch, ngâm với nước lạnh qua đêm. Sau đó để ráo, xay bằng cối đá cho thật nhuyễn rồi nhào nặn với nước.
– Bột sau khi được nhào nặn dẻo và mịn sẽ được cán mỏng cỡ nửa phân, to hình vuông cỡ bằng bàn tay, sau đó ốp miếng bột nếp đó vào một chiếc lá vả, rắc nhân lên mặt bột bánh, cuối cùng là ốp miếng lá vả tiếp theo lên bề mặt nhân bánh đó.
– Điểm đặc biệt là phần lá để gói bánh trứng kiến không phải là lá chuối, lá dong như nhiều loại bánh khác, mà dùng lá vả non để gói. Gói lá sao cho phần bánh và nhân được bọc trọn vẹn không bị tràn ra bên ngoài.
– Bánh được hấp cách thủy khoảng 45 đến 50 phút là chín.
Khi thưởng thức món bánh nếp trứ danh của Tuyên Quang, bạn có thể dễ dàng cảm nhận được vị bùi ngậy của lá vả quyện với lớp vỏ gạo nếp dẻo thơm và lớp nhân trứng kiến đậm đà mang đến hương vị riêng, độc đáo.
Lưu ý: Nếu mới lần đầu thưởng thức, bạn nên thử một miếng nhỏ để xem mình có dị ứng với trứng kiến không nhé.
Nếu có cơ hội đến thăm Tuyên Quang, bạn nhớ đừng bỏ qua đặc sản lạ, ngon, bổ dưỡng này nhé!
Video xem thêm: Đức hạnh của phụ nữ Việt xưa và nay khác nhau thế nào?