Đại Kỷ Nguyên

Đài Loan ban hành lệnh cấm sử dụng ống hút nhựa

Từ ngày 1/7/2019, Chính phủ Đài Loan chính thức ban hành lệnh cấm ống hút nhựa sử dụng một lần tại quốc gia này. 

Đài Loan là thiên đường của trà sữa trân châu, thức uống phổ biến và trở thành thói quen của nhiều người dân đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, đồng hành cùng đó là số lượng ống hút nhựa tăng lên chóng mặt và trở thành vấn nạn môi trường.

Theo Taiwannews, lệnh cấm ống hút nhựa sử dụng 1 lần được áp dụng cho các cơ quan chính phủ, trường học, cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm và chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh. Những ai vi phạm lần đầu sẽ bị phạt tiền từ 1.200 Đài tệ (gần 900 nghìn VND) đến 6.000 Đài tệ (hơn 4 triệu VND) nếu tiếp tục vi phạm ở các lần tiếp theo. Chính phủ Đài Loan hy vọng sẽ loại bỏ hoàn toàn ống hút nhựa vào năm 2030. 

(Ảnh: Shanghailist)

Cơ quan bảo vệ môi trường Đài Loan EPA khuyến nghị khoảng 8.000 cửa hàng nên áp dụng các lựa chọn thay thế, như ống hút làm từ giấy, nhựa có thể phân hủy sinh học, tre, thép không gỉ hoặc silicone, cũng như không cung cấp ống hút. Cơ quan cho biết việc ban hành lệnh cấm khiến khách hàng không sử dụng ống hút nhựa và tiến tới tương lai hạn chế rác thải nhựa. Ước tính lệnh cấm mới sẽ cắt giảm khoảng 3 tỷ ống hút nhựa tiêu thụ mỗi năm tại Đài Loan. 

Bộ trưởng EPA, ông Trương Tử Kính nói với tờ Liberty Times ống hút nhựa là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường sinh thái biển và có ảnh hưởng trực tiếp tới các loài động vật biển và con người, đặc biệt là vùng đảo như Đài Loan.

(Ảnh: dẫn qua CNBC)

McDonald đã bắt đầu loại bỏ ống hút nhựa tại các cở sở sản xuất ở Đài Loan vào tháng 4 theo chính sách của chính phủ. Giám đốc điều hành McDonald chia sẻ với truyền thông địa phương rằng động thái này sẽ làm giảm 16% nhựa công ty sử dụng tại Đài Loan. Tuy nhiên, cửa hàng sẽ chuyển sang hướng sử dụng ống hút giấy. Cửa hàng cũng đã chuyển sang sử dụng loại nắp đậy mới cho phép khách hàng có thể dùng nước trực tiếp thay vì phải sử dụng ống hút. Nhãn hàng KFC tại Đài Loan bổ sung thêm dịch vụ cho khách hàng lựa chọn sử dụng ống hút kim loại. 

Các doanh nghiệp tại Đài Loan đã ngừng cung cấp ống hút nhựa sử dụng một lần bao gồm McDonald, KFC , Breeze Center, IKEA, Carrefour, Decathlon Group, TGI Friday’s, Subway và Shin Kong Mitsukoshi.

(Ảnh: Latimes)

Nhựa, đặc biệt là ống hút nhựa đã được xem xét kỹ lưỡng hơn về việc gây ô nhiễm môi trường sống mặc dù nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số chất thải nhựa được tạo ra trên toàn thế giới. Seattle đã trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ cấm ống hút nhựa cũng như đồ gia dụng trong nhà bếp từ năm ngoái. Starbucks – thương hiệu cà phê nổi tiếng của Mỹ thông báo họ có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn ống hút nhựa vào năm 2020 trên toàn thế giới. EU đã thông qua lệnh cấm sử dụng ống hút, dao kéo, ly, máy khuấy và gậy bóng bay được làm từ nhựa từ năm 2021.

Ống hút giấy đã được đưa vào sử dụng tại nhiều cửa hàng Starbucks. (Ảnh: Starbucks)

Chính sách tái chế của Đài Loan đã đem lại nhiều phản hồi tích cực hơn so với các quốc gia khác. Một bản báo cáo của Cục Môi trường châu Âu cho biết tỷ lệ tái chế rác thải tại Đài Loan đạt 58% trong khi đó Mỹ đạt 35%. Thành công của kết quả này một phần lớn nhờ vào việc giáo dục công dân.

Nate Maynard, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chung-Hua, Đài Bắc nói rằng : “Đài Loan đang vào cuộc nhằm hạn chế ống hút và cố gắng tiến tới không rác thải”.

Sản phẩm ly thủy tinh 2 ngăn dùng để uống trà sữa. (Ảnh: Float)

Tuy nhiên, lệnh cấm này sẽ làm thay đổi không ít tâm lý người tiêu dùng, những người đặc biệt thích uống trà sữa trân châu và có thói quen sử dụng ống hút nhựa. Có lẽ họ sẽ gặp khó khăn hơn khi cố gắng sử dụng các loại topping như trân châu ngọc trai, pudding… Để đáp ứng lại nhu cầu này, một công ty tại Đài Loan có tên “100% plastic free” đang tiến hành sản xuất ống hút từ vật liệu phân hủy sinh học như bã mía và bã cà phê. Và một doanh nghiệp khác Float đã cho sản xuất hàng loạt ly tái chế có ngăn riêng với một bên chứa nước và một bên chứa topping theo tỷ lệ phù hợp; sản phẩm dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay.

Exit mobile version