Đại Kỷ Nguyên

Dân mạng kêu gọi giúp lão nông nghèo khổ, nhưng ông từ chối và nói 1 câu ấm lòng

Gần đây rau bắp cải ở Đài Loan bị rớt giá trầm trọng, các nhà buôn không còn muốn thu mua rau. Có một nông dân trồng rau 56 tuổi tên Chen Abo, ông chở một xe lớn toàn rau bắp cải nhà tự trồng lên thành phố bán. Với hy vọng sẽ bán được hết số cải bắp nhà trồng mà vẫn đúng giá, ông quyết định giữ nguyên giá mà không giảm. 

Thời gian này, trong khi rất nhiều nông dân hạ giá bán rau, bỏ ruộng rau hoặc để mọi người vào ruộng rau thu mua với giá rẻ, thì riêng ông Chen Abo lại không chọn cách đó, ông vẫn kiên trì đi bán lẻ và giữ nguyên giá mỗi cây bắp cải là 25 đài tệ (tương đương gần 20.000 VND), mua 3 cây giá 50 Đài tệ (tương đương 40.000 VND).

Ông nói, người nông dân rất vất vả để trồng rau vì thế chúng tôi phải quý trọng sức lao động của mình. Các bạn không biết, trong quá trình canh tác, chúng tôi phải chi tiền mua phân bón, chi tiền xe vận chuyển rau đi bán, lao động vất vả để chăm bón cây rau suốt 2 tháng, nếu bán 10 Đài tệ 1 cây rau (tương đương 8000 VND) ông thực sự không cam lòng. Vì thế ông vẫn nhất quyết tự mình đi bán hết toàn bộ số rau trong vườn nhà mình, nếu chưa bán hết ông sẽ không về nhà.


Hành trình đi bán rau của lão nông, không bán hết không về nhà.(Ảnh:internet)

Vậy là hành trình bán rau của ông cứ tự nhiên như thế. Một khách hàng, sau khi biết được sự vất vả của người nông dân này đã đưa hình ảnh bán rau của ông lên mạng được mọi người rất ủng hộ. Cư dân mạng chia sẻ hình ảnh ông Chen ngủ cùng rau bắp cải bên đường, hình ảnh thực sự rất thương tâm nên mọi người ai cũng muốn đến mua giúp ông. Họ bảo nhau: “Hãy cùng chung tay giúp đỡ người nông dân Chen được về nhà”.

Và thế là không bao lâu sau, hơn 3000 cây bắp cải của ông Chen đã được mọi người mua hết…


Vậy là hơn 3000 cây cải bắp mà người nông dân vất vả trồng ra đã bán hết…(Ảnh minh họa: internet)

Người nông dân này vô cùng cảm động trước sự giúp đỡ của mọi người. Ông vui vẻ kể về chuyện bán rau của mình và sự giúp đỡ của mọi người đối với ông. Ông kể rằng có những người mua có mấy cây rau nhưng đã đưa cho ông cả nghìn Đài tệ mà không cần thối lại. Lại có cả những người đi xe ô tô sang trọng đến mua rau của ông và cũng làm như thế, dường như họ muốn cho ông tiền và việc mua rau chỉ là cái cớ.

Mặc dù hết sức cảm động trước sự giúp đỡ của mọi người nhưng khác với những người chỉ muốn nhận không sự giúp đỡ từ người khác, ông lại hoàn toàn không giống thế. Ông nói: “Chúng tôi trân quý giá trị sức lao động của chính mình nhưng chúng tôi chỉ lấy những gì thuộc về mình.” Vậy nên, với những người đưa thừa tiền, ông đã vui vẻ giải thích và trả lại tiền thừa cho họ.

Điều trân quý ở đây chính là lòng tốt của những con người trong câu chuyện. Với tấm lòng yêu thương, muốn chia sẻ… họ đã hết lòng giúp đỡ người nông dân đang trong hoàn cảnh cùng cực. Tấm lòng ấy chẳng phải vô cùng đáng quý trong xã hội hiện nay sao?

Con người phải chăng là lòng tham không đáy? Đâu phải vậy, nhận xét đó liệu còn đúng không khi chứng kiến cảnh người nông dân từ chối số tiền thừa của những người khách? Hành động của ông không phải là “sĩ diện”, mà giống như ông đã nói “tôi chỉ nhận đúng những gì thuộc về mình”. Có lẽ ông hiểu được rằng, con người đâu phải ai cũng dễ dàng mà có được đồng tiền, ai cũng phải mất biết bao mồ hôi nước mắt mới làm ra chúng, vì thế ông càng trân quý điều đó. Đây chẳng phải là một bài học đầy bổ ích với chúng ta hay sao?

Quỳnh Chi

Xem thêm:

Exit mobile version