Đại Kỷ Nguyên

Dân Nam Bộ ăn canh chua mẻ

Lẩu chua hay canh chua là một món chính trong bữa ăn cũng như các bữa tiệc của người dân Nam Bộ. Thường thì vị chua trong lẩu chua người ta dùng me chín (cũng có khi là me xanh – nếu đang giữa mùa me). Nhưng khác với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, người Long An thích nấu canh chua với mẻ, đặc biệt là khi nấu canh chua cá, hoặc lươn.

Có lẽ do gạo vùng này ngon nên mẻ ở đây cũng thơm và có vị thanh đặc biệt. Đặt nồi nước nấu canh lên đun sôi, nêm nếm gia vị vừa ăn. Mẻ được cho thêm nước, khuấy đều rồi lọc lại và nêm vào nồi nước vừa đun sôi, lường lượng mẻ vừa đủ sao cho nước có vị chua chua, ngọt dịu là được. Chờ nồi nước sôi bùng lên, cho cá hoặc lươn vào. Khi nồi canh sôi lại lần nữa thì cho các loại rau vào.

Trên con sông Vàm Cỏ ở vùng Long An, ngư dân hay bắt được các loại cá nước ngọt to như cá leo. Cá leo trưởng thành dài cả thước, nặng cỡ 2-3 chục ký. Thịt cá leo trắng, dai và ngọt. Chỉ cần một cái đầu cá leo nấu lẩu chua mẻ, là cả chục người ăn mới hết.

Đặc biệt, canh chua cá (hoặc lươn) nấu với cây chuối nước rất ngon. Chuối nước mọc nhiều ở ven bờ sông, chặt cây chuối vào, tước bỏ bẹ ngoài còn phần gốc trắng, gọt bỏ phần già, xắt mỏng. Khi nồi canh (hoặc lẩu) sôi lên cho chuối nước vào, vị giòn ngon của chuối như măng nhưng không có mùi hăng như măng.

Nếu không có chuối nước thì hái các loại rau quanh nhà như bông so đũa, bông bí, ngọn nhãn lồng, rau mồng tơi, rau cải… càng nhiều loại rau càng tốt. Một nồi canh đượm vị chua thanh của mẻ cùng vị ngọt thơm của cá và các loại rau, ngon hết chỗ chê. Chỉ cần một nồi canh thôi, vớt cá ra cho vào đĩa nước mắm mặn có dầm vài trái ớt là đã được một món mặn rất ngon. Món canh này ăn với bún hoặc cơm đều ngon, thích hợp với bữa ăn dân dã và ngay cả với những bữa tiệc cũng tuyệt vời.

Phương Chi

Exit mobile version