Tan vỡ trong tình yêu cũng đáng buồn nhưng tan vỡ hôn nhân thì thật đáng sợ. Người ta ra đi khỏi cuộc đời ai đó và hệ lụy của nó là không ít. Nhất là, sau cuộc hôn nhân là những đứa trẻ ra đời và những tổn thương không bù đắp nổi. Dưới đây là một câu chuyện có thật đã làm tôi rơi nước mắt nhiều lần. Nay xin được kể lại để mọi người cùng suy ngẫm. Các nhân vật trong truyện hiện đã trưởng thành, nhưng những vết thương trong lòng họ thì khó có thể nguôi ngoai.
Tùng… tùng… tùng… Một hồi trống dài vang lên, kết thúc một ngày học lê thê nặng nhọc. Misa vội vã quàng vào vai sợi dây cặp. Chân nó chưa kịp gài xong quai dép da. Nó đứng vào hàng nhưng ánh mắt không nhìn theo cô giáo. Nó nhớn nhác tìm anh trai Lâm của nó. Hôm nào cũng vậy, nó tìm thấy anh trai trước. Giữa gần hai ngàn học sinh tan trường một lượt mà hai đứa trẻ tìm nhau chẳng có khó khăn gì. Có lẽ, đó là sự tìm kiếm của hai trái tim yêu thương nhau nên thật dễ dàng.
Hôm nay, Misa vội hơn ngày thường vì nó phải khoe với anh trai tài lắp ghép của nó; nó đạt điểm 10 – số điểm không tệ. Nó học tiếng Việt thì dở nhưng toán và kĩ thuật lại giỏi. Anh trai nó thì ngược lại. Nhưng không sao, hai anh em sẽ bù vào cho nhau, thế là cùng giỏi; mẹ nó bảo thế.
Nó đi hết dãy hành lang, tránh qua nhiều bạn lớp trên mới nhìn thấy anh nó ngồi trên bậc thềm. Lâm soạn sách vở lại và lục tìm bi trong các ngăn cặp, bỏ ra hết rồi đếm. Nó vui mừng:
“Anh hai! Em được mười điểm kiểm tra nhé!”
“Thế hả?”. Lâm chỉ buông một câu hững hờ rồi tiếp tục đếm bi, mắt vẫn không nhìn em. Misa quăng cặp sang một bên rồi ngồi bệt xuống đếm bi với anh. Cái má phinh phính của nó đỏ lên vì nóng, cái mũi thò lò cứ sụt sịt mãi.
Đếm xong, tất cả được 65 hòn bi, Lâm đưa cho nó hết. Nó trố mắt lên ngạc nhiên rồi reo:
“Hoan hô anh hai! Hoan hô anh hai!”
Tiếng reo của nó làm các bạn ngạc nhiên quay lại nhìn. Mặc kệ, nó vẫn vỗ tay đôm đốp: “Sướng quá, em nhiều bi quá!”.
Nó hơi ngờ vực, vì hàng ngày đánh bi với nhau, anh nó chẳng bao giờ nhường cho nó một hòn nào. Nhưng vì nó đang vui quá nên sự nghi ngờ ấy tan biến như gió thoảng. Lâm nhìn em, nó hơi mỉm cười nhưng ánh mắt buồn buồn. Sau khi nhảy cẫng lên một hồi thằng Misa thấy anh khác thường nên hỏi:
“Anh bị cô la hả? Sao vậy?”
Lâm quay mặt đi, ánh mắt rơm rớm nước. Nó hơn Misa ba lớp. Năm nay nó học lớp 4, hai anh em cùng học bán trú một trường, ra chơi thi thoảng hai đứa mới đi chung nhưng giờ ra về hai đứa bày đủ trò để đợi mẹ. Hôm nay cũng như mọi lần, Lâm dắt em xuống sân chơi gần cổng để chờ mẹ hoặc ba đến đón. Lúc đầu, hai đứa chơi bi rồi lại chơi trốn tìm quanh gốc cây si to lớn. Ba mẹ nó bận nên thường đón chúng sau cùng, khi sân trường không còn ai nữa. Bác bảo vệ đã quen với cảnh ấy nên vừa tưới cây vừa để mắt đến chúng, và để yên tâm hơn, bác thường khép hờ cánh cổng lại.
Hai đứa bắt đầu chơi trò đánh bi. Lâm hôm nay chơi dở, nó cứ bắn trượt mãi. Misa đã cho vay đến hai lần mười viên bi mà nó vẫn thua. Misa đắc chí ngỡ mình mới giỏi lên, cười rất tươi. Nó vẫn im lặng không cãi lại em.
Hoàng hôn đã xuống. Ba bốn con chim đâu đó lạc bầy kêu chiếp chiếp, lũ dơi bay ra chao lượn bắt muỗi, le lói ánh đèn bảo vệ rải ánh sáng yếu ớt, vàng vọt xuống sân trường, để lại trên đó từng vệt sáng tối như những hình thù kì quái. Qua cánh cổng trường, hai đứa thấy nhà bên kia đã bắt đầu ăn tối. Misa thấy hơi sợ sợ, nó lấm lét nhìn lên tán cây si, trên ấy tối mịt mù. Tiếng gia đình nhà chim còn chuyện trò gì mà xao xác mãi. Nó lay anh trai:
“Em đói bụng… em đói bụng! Anh hai, em sợ lắm!”
Nó vừa nhõng nhẽo vừa xích lại gần anh trai. Hai đứa ngồi thật gần nhau, bốn con mắt cùng nhìn ra cửa. Chẳng thấy một ai! Dù sợ và đói nhưng ngồi im một lúc thằng em đề nghị:
“Em với anh hai oẳn tù tì xem ai đón mình nhé!”. Lâm quay mặt đi, không đưa tay ra nên nó đành chưng hửng đặt tay xuống đùi. Misa khó hiểu lắm. ”Anh hai kì ghê, chắc là bị điểm thấp sợ mẹ la’’- nó nghĩ vậy.
Hai đứa ngồi nép sát nhau hơn. Nhưng được năm bảy phút sau Misa lại nhảy lên:
“Em đói … em đói …anh hai à. Lần này giọng điệu của nó càng dài hơn, rên rỉ”.
Tuy hơn Misa ba tuổi thôi nhưng Lâm cứng cỏi hẳn. Nó sớm phải xa cha mẹ từ nhỏ. Vì công việc làm ăn giành giật nơi xứ người, vì cái bằng tiến sĩ gì đó của ba nó mà nó được gửi về Việt Nam với dì ruột khi mới 14 tháng tuổi. Nó gọi dì và dượng là ba, mẹ. Cả nhà ai cũng yêu quí và nâng niu nó, chiều chuộng nó vì nó xa cha mẹ. Có lẽ vì vậy mà nó chẳng chăm học mấy. Đối với nó, gia đình dì Hương luôn là gia đình thực sự. Căn nhà khá rộng lớn, gối mình lên bãi cát nghe sóng vỗ êm êm. Cứ hai tuần nó lại được đón ba (chồng của dì) từ giàn khoan về. Nó lại được dẫn đi chơi và ăn kem. Cái thành phố du lịch và dầu khí đó cứ làm nó nhớ thương mãi…
Ký ức đau thương
Khi lên năm tuổi, ba mẹ Lâm ở đâu mang về cho nó một thùng đồ chơi và quần áo, cứ đòi ẵm nó nhưng nó cũng chẳng thích mấy. Vì nó quen với mùi muối mặn nơi vai áo dì Hương rồi. Mấy ngày sau, hai người ấy lại đi chỉ để lại cho nó cái mùi là lạ áo quần đồ chơi… Anh chị nó bảo: “Đấy là nước hoa ngoại”.
Cuộc sống của nó cứ ngọt ngào trôi qua như thế. Cho đến khi nó học xong lớp một. Mùa hè đó, ba mẹ đẻ nó mang một thằng em về, vừa mập, vừa trắng lại hay mè nheo, nhõng nhẽo. Lập tức, nó được đưa về thành phố ở trong một căn hộ sang trọng. Phải xa gia đình dì dượng đến ở với ba con người lạ hoắc. Đêm nó không còn được ngủ cùng anh chị hay mẹ Hương của nó. Nó nằm một mình quay mặt vô tường và khóc. Nó được nhắc nhở chuyện học nhiều hơn, điều đó, làm cho nó hơi buồn một tí. Nhưng buồn nhất là nó không cảm thấy nó là thành viên của gia đình mới này. Nó thường xuyên vuốt ve con Lu Lu, con chó yêu của nó, tâm sự với Lu Lu muôn ngàn chuyện.
Thế rồi một sáng tỉnh dậy, nó thấy con Lu Lu nằm sóng soài ngoài sân nhà, đầu bê bết máu. Nó bật khóc hu hu. Thật khó mà hiểu nổi, nó thương cho Lu Lu hay thương cho mình. Sau này nó mới biết nguyên nhân: vì tức giận mẹ nên ba nó đánh chết con chó yêu, người bạn tâm tình của nó. Rồi sau này, nhiều lần xích mích với mẹ, ba nó đòi bóp cổ hai anh em nó. Có lẽ do khiếp sợ, và cần đồng minh nên hai anh em xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn. Nó chẳng biết ai đúng, ai sai. Vì mẹ bao giờ cũng im lặng, ngồi dựa vào thành giường mặt như tượng đá, lạnh lùng không khóc, đôi mắt hững hờ, vẫn bình thản như tượng Đức Mẹ trong nhà thờ trước lời cầu nguyện của con chiên.
Mẹ nó nhắc nhở: phải học, phải có trí thức. Nó thì nghĩ ngược lại: nhà bác An bên cạnh, vợ bác bán chè đậu đen trước ngõ, còn bác ấy phụ hồ mà sao họ vui vẻ thế. Nó sợ nhất là bữa ăn có đủ ba và mẹ. Không ai nói với ai điều gì. Có lẽ khi chưa về Việt Nam họ đã nói với nhau đủ rồi. Và họ chỉ nói một cách hùng hồn nhất, hăng hái nhất bằng đầy đủ vốn kiến thức, tây học, ta học… khi đứng trước tòa. Bởi vì ai cũng đòi nuôi thằng em Misa, tòa xử cho bố nuôi nó vì nó lớn khôn hơn, em trai nó cần mẹ hơn. Nhưng bố bảo nó giống mẹ nên bố không hợp nó.
Lâm như một quả bóng bị đá qua đá lại. Cuối cùng, tòa cho nó tự chọn. Nói gì thì nói, mẹ nó chưa bao giờ giết chó hay la mắng đánh đập ai. Nhưng thật sự nó đã trả lời trước tòa:
“Cháu không muốn chọn ba và cũng không muốn chọn mẹ. Cháu chọn mẹ Hương”.
Tòa không chấp nhận lời đề nghị của nó nên nó đành theo mẹ. Misa còn nhỏ quá để biết mọi việc nên nó vẫn vui cười và cứ tưởng ngày hôm qua cũng như ngày hôm nay…
Hiện thực tàn nhẫn…
Sáng nay, lúc đi học, mẹ Lâm đã bảo: “Tối nay, mẹ con mình ăn cơm và ngủ ở nơi khác. Mẹ đã thuê nhà rồi’’. Căn nhà đang ở ba nó lấy nhưng lại chưa có tiền để trả cho mẹ nó mua nhà khác. Thành thử không rõ chiều nay ai sẽ đón và nó sẽ đi về đâu. Nó đang lan man bao ý nghĩ thì tiếng Misa reo lên:
“A! Ba đến rồi...”
Hai đứa cùng chạy ù ra. Nhưng Lâm khựng lại giữa chừng. Nó gọi:
“Ba..!”. Rồi đứng chôn chân tại chỗ. Misa rối rít:
“Mau lên anh hai, em đói rồi…”
Ba vẫn không gọi nó lên xe, mà nó thì hiểu hôm nay là ngày thứ 15, ngày cuối cùng mà gia đình nó sống chung. Đó là điều mà nó nghe thấy tòa nói hôm trước. Ba nó lưỡng lự một lát rồi nói:
“Ba về…”
Nó gật đầu, hai dòng nước mắt chảy dài trên má. Nó tự an ủi: chỉ một đêm thôi, mai nó lại có thằng em Misa. Với lại, 65 hòn bi nó cho em lúc nãy, sẽ đủ cho em chơi với mấy đứa hàng xóm khi vắng nó.
Xe đã chạy xa, tiếng Misa vẫn còn vọng lại:
“Anh hai… Anh hai..”
Nó chợt nghĩ: “Nếu mẹ đón nó trước thì em nó sẽ ra sao?”
Trên trời, họ hàng nhà sao đã tề tựu đông đủ. Sân trường tối và rộng mênh mông, mênh mông…
Vợ chồng, con cái đến với nhau trong đời này là nhờ duyên phận; dù là thuận duyên hay nghịch duyên, cũng đều nên trân quý. Hạnh phúc là để ta thêm trân trọng sự yên bình, và mâu thuẫn hay xung đột xảy ra không phải để đưa hai người ra xa nhau hơn, mà nhằm rèn luyện cho họ cách yêu thương người còn lại bằng trái tim bao dung và chân thành nhất. Dẫu biết khi những khó khăn ngập tràn, con người ta khó thoát ra khỏi cái tôi cao vợi để nghĩ cho người khác, nhưng những đứa trẻ không có tội, chúng đến với thế gian này không phải để gánh lấy bất hạnh. Nhìn những ánh mắt ngây thơ lạc lõng giữa dòng đời, ngơ ngác khi phải chia xa nhau, liệu những đấng sinh thành có quá tàn nhẫn khi nghĩ tới hai từ “ly hôn”?
Huệ An
Xem thêm: