Trong những năm gần đây, thương hiệu “thời trang ăn liền” (“fast fashion”) đang ngày một thịnh hành với nhiều sản phẩm thời trang giá rẻ. Tại sao lại như vậy? Nếu nhìn vào giá trị thực sự của mỗi mặt hàng quần áo, bạn sẽ nhận ra bí mật nằm sau đó.
Khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hàng giá rẻ, các hãng thời trang cũng tìm mọi cách đáp ứng nhu cầu này. Cạnh tranh về giá biến nhiều mặt hàng thời trang trở thành hàng hóa rẻ đến bất ngờ. Nhưng khi chúng ta đang tận hưởng những bộ quần áo chưa đến 10 USD, thì chính công nhân may mặc lại là người phải gánh chịu chi phí đó.
Những thương hiệu như H&M, Zara, và Old Navy thu hút người tiêu dùng một phần bởi mức giá thấp và mẫu mã luôn thay đổi. Trái ngược với các thương hiệu cao cấp – thường chỉ giới thiệu dòng sản phẩm mới trong mùa thời trang – thời trang ăn liền thay đổi mẫu mã hầu như hàng tuần. Để thực hiện điều ấy, họ đã tận dụng những xưởng may chi trả lương thấp ở Bangladesh, nơi mỗi công nhân chỉ có thu nhập vài đô la mỗi ngày.
Thế nhưng, mức lương thấp ấy vẫn không phải là nguyên nhân duy nhất.
Các khu nhà xưởng là nơi làm việc vô cùng nguy hiểm. Năm 2012, một vụ hỏa hoạn tại nhà máy Tazreen Fashions, nơi sản xuất quần áo cho những thương hiệu như Walmart và Sears, đã gây ra cái chết của hơn 100 người. Trong tháng 5/2015, khoảng 72 công nhân đã thiệt mạng trong đám cháy ở xưởng giày dép tại Philippines. Tại sao lại như vậy? Những xưởng may chật hẹp này không hề có cửa thoát hiểm hay hệ thống báo động, thêm vào đó là các cửa sổ chắn song chặt chẽ và hóa chất dễ cháy. Trong một số trường hợp, công nhân còn bị nhốt bên trong nhà xưởng để đảm bảo không có ai ra ngoài trước khi hết ca làm – đáng nói là mỗi ca làm việc kéo dài từ 12 đến 14 giờ.
Nhưng đó vẫn chưa phải là điều kiện làm việc đáng sợ nhất. Một số công nhân thậm chí còn chấp nhận từ bỏ một phần trong số những đồng lương vốn đã rất ít ỏi của họ để được sống trong nhà máy. Những phụ nữ mang thai vẫn phải làm việc nhiều giờ mà không nghỉ thai sản. Nhiều người khác còn đem theo con nhỏ tới nơi làm việc.
Không khó để nhận ra rằng cách đó nửa vòng trái đất là những trung tâm thời trang hoa lệ, là ánh sáng của đèn sân khấu, là những tín đồ thời trang giá rẻ. Khi chi trả cho những chiếc áo có giá chỉ vài đô la, bạn có biết giá trị thực sự của nó là bao nhiêu?
Đoạn phim được thực hiện bởi The True Cost không chỉ cho chúng ta thấy cuộc sống cơ cực phía sau ánh hào quang của các thương hiệu giá rẻ, mà còn gửi gắm một thông điệp: Thời trang không thể sánh với sự sống một con người.
Dưới đây là đoạn phim về những “nạn nhân thời trang” tại Bangladesh với hàng triệu lượt truy cập trên Youtube:
Theo lookat.world
Hồng Liên biên dịch
Xem thêm: