Người xưa rất coi trọng chữ tín. Khổng Tử từng dạy rằng: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, ý nói rằng, người mà không giữ chữ tín thì không biết có thể làm nên chuyện gì.
Có câu rằng: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Chữ tín giúp cho các mối quan hệ, đặc biệt quan hệ giao thương được bền lâu. Còn khi không coi trọng chữ tín, thì chỉ có thể giành được chút lợi nhỏ trước mắt. Những câu chuyện dưới đây cho thấy những người nông dân Trung Quốc đã phải gánh chịu hậu quả đáng buồn thế nào khi đánh mất chữ tín trong kinh doanh.
Ớt Thiểm Tây
Vào những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, ớt Quan Trung của Thiểm Tây trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước Trung Quốc và xuất khẩu ra cả thế giới. Cung không đủ cầu dẫn đến giá cao, 1 pound (khoảng 450g) ớt có giá hơn 3 nhân dân tệ.
Vào thời điểm đó, tiền lương rất thấp, mỗi mét vuông nhà chỉ có giá 100-200 nhân dân tệ. Lợi nhuận cao từ ớt khiến người ta không trồng ngũ cốc nữa mà chuyển sang trồng ớt kiếm lời. Điều này dẫn tới nhà nhà trồng ớt, người người trồng ớt. Lòng tham nổi lên khiến người ta mờ mắt và không còn giữ được chữ tín. Nhiều người đã nghĩ ra những mánh lới để thu lợi bất chính. Ớt bột được trộn với bột đỏ, các chất phụ gia, nên bắt đầu chảy nước… Còn ớt quả khi đến tay thương nhân nước ngoài tất cả đều thối. Chất lượng không còn, khách hàng quay lưng với ớt Quan Trung, một đi không trở lại.
Ớt trồng ồ ạt nhưng không ai mua, nên cuối cùng giá đã giảm xuống thảm hại. 1 pound (khoảng 450g) ớt khô có giá 3 hoặc 4 xu (1 nhân dân tệ=100xu), mà cũng không thể bán được. Những người nông dân lúc này chỉ còn biết than khóc và kể lể về sự khốn khổ của họ.
Không biết liệu những người này có cảm thấy day dứt và hối hận chút nào không về những việc làm bất tín của mình trước đây?
Táo Thiểm Tây
Vào những năm 1990, táo Thiểm Tây bán rất chạy. Thiểm Tây trở thành vựa táo của cả Trung Quốc với đa dạng chủng loại táo chất lượng. Lúc đó, một mẫu đất trồng táo có thể cho thu nhập hàng ngàn đô-la. Hầu như mọi nông dân ở Thiểm Tây đều muốn trồng và bán táo.
Kiếm tiền dễ dàng cũng là lúc lòng tham của nhiều người nổi lên, họ tìm đủ mọi thủ đoạn để có được lợi ích tối đa với đầu vào tối thiểu. Thế là đủ các loại mánh khóe, thủ đoạn được áp dụng: Đóng thùng, xếp những quả táo to ở trên, táo nhỏ, thậm chí cả táo thối xếp xuống dưới. Cạnh thùng còn được đổ một lớp bê tông, đáy thùng thậm chí nhét thêm cả viên gạch để tăng thêm trọng lượng…
Cuối cùng gậy ông lại đập lưng ông. Trong 1-2 năm, thị trường táo ở Thiểm Tây đã chuyển từ tình trạng thiếu nguồn cung đến không có ai hỏi. Vô số nông dân nhìn vào đống táo ế mà chỉ biết khóc ròng. Táo bị đổ đi, nhiều nhà còn chặt cả cây táo.
Có một gia đình đã trồng 4 mẫu táo, khi táo đang trong thời kỳ vàng son, gia đình kiếm được gần 10.000 nhân dân tệ mỗi năm. Đến khi táo không ai mua, ông phải bán táo với giá 8 xu/pound, thu nhập cả năm giảm xuống thảm hại, chỉ còn chưa tới 1.000 nhân dân tệ. Quá thất vọng, gia đình ông đành phải chặt hết cây táo.
Kiwi
Trong những năm gần đây, quả kiwi của vùng Chu Chí rất nổi tiếng và đã phân phối trên khắp Trung Quốc. Sản lượng cao: 5.000-6.000 pound/mẫu; giá bán tốt: quả đẹp giá bán buôn là 3-4 nhân dân tệ, loại kém hơn là gần 2 nhân dân tệ; đã khiến thu nhập của người nông dân khấm khá.
Thế nhưng năm nay, quả kiwi của vùng này đang tiêu thụ hết sức khó khăn, khiến người nông dân đứng ngồi không yên. Lý do cũng lại giống như ớt và táo Thiểm Tây: chất lượng đã không còn được đảm bảo, chữ tín đã mất.
Nếu người nông dân vùng này không tỉnh ngộ, không chú trọng tới chữ tín nữa thì tình cảnh của họ cũng sẽ rất thảm thương. Lúc đó, họ sẽ chỉ còn biết tự trách mình.
Tỏi Vân Nam, quýt miền Nam
Vài năm trước, đột nhiên tỏi Vân Nam bán rất chạy. Nhiều người phải rất khó khăn mới mua được qua mạng. Tuy nhiên, nhiều người đã thất vọng, thậm chí tức giận khi nhận được tỏi. Có người mua hai thùng, khi về nhà mở ra thấy một nửa toàn là bùn, nửa còn lại tỏi nhỏ đến mức khó chấp nhận, không hề giống như quảng cáo.
Cam quýt miền Nam cũng vậy. Chất lượng không đảm bảo, hoàn toàn khác xa những gì người ta cam kết. Nông dân đã dùng nhiều mánh lới để lừa người tiêu dùng, miễn là bán được hàng, thu được lợi, họ bất chấp tất cả. Những trái cây thu hoạch đã lâu được “phù phép” thành trái cây tươi bằng cách bôi sáp tạo vẻ ngoài bóng mượt, nhưng khi bóc ra thì rất khô và không có hương vị, không thể ăn được. Kết quả là, cam quýt miền Nam bị người tiêu dùng tẩy chay. Không bán được hàng, tồn kho lớn, bao vốn liếng dồn vào cả vụ mùa đổ xuống sông xuống biển. Họ chỉ còn biết than khóc và cầu cứu sự giúp đỡ.
Nguyên nhân do đâu?
Tại sao nhiều nông dân Trung Quốc thiếu hiểu biết, tham lam, chỉ vì cái lợi trước mắt mà đánh mất cái lợi lâu dài, tự làm cho mình rơi vào hoàn cảnh như vậy?
Trên thực tế, trong hàng ngàn năm qua, đạo đức truyền thống với Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở Trung Quốc. Ngay cả những người không biết chữ, không được học văn hóa, cũng có thể hiểu được những đức tính tốt đẹp qua những câu chuyện hay truyền thuyết dân gian. Hầu như ai cũng hiểu rằng lừa dối, hại người là những việc không được làm, nếu làm sẽ bị báo ứng.
Vậy ai đã khiến rất nhiều người ở Trung Quốc đại lục ngày nay liên tục tạo ra nhiều “chuyện lạ” như vậy, làm tổn thương mọi người và tạo ra hình ảnh một Trung Quốc xấu xí trong mắt người dân thế giới? Ai chà đạp lên văn hóa truyền thống và phá hủy nền văn minh 5.000 năm của Trung Quốc? Ai đã biến hàng trăm triệu người dân Trung Quốc rơi vào tình trạng đạo đức xuống dốc như vậy?
Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, nó đã sử dụng bạo lực để phá hoại văn hóa truyền thống, đức tin Thần Phật cũng như các quy phạm đạo đức thông qua những chiến dịch khét tiếng tàn bạo như Đại Cách mạng Văn hóa. Hệ quả là, rất nhiều người Trung Quốc ngày nay đã không còn tin vào quy luật Nhân quả báo ứng nữa, chỉ còn biết cái lợi thiển cận.
Rất nhiều người vì vòng quay chóng mặt của cuộc sống mà không nghĩ đến và cũng không nhận thức được điều này, nhưng nếu chịu khó tĩnh tâm suy nghĩ một chút, có thể mọi người sẽ tìm được câu trả lời cho mình. Hy vọng rằng, họ sẽ sớm tỉnh ngộ để quay về với những giá trị truyền thống tốt đẹp, được ước thúc bởi những tiêu chuẩn đạo đức truyền từ bao đời.
Huyền Thanh – Thiện Tâm
Theo Secret China
Video xem thêm: Tôi sinh ra trong bộ máy tẩy não ở Trung Quốc