Đại Kỷ Nguyên

Dạo quanh châu Á khám phá văn hóa bánh Trung thu

Không chỉ Việt Nam, rất nhiều nước châu Á khác cũng coi Rằm tháng 8 Âm lịch là ngày lễ lớn quan trọng trong năm. Tùy theo phong tục tập quán, người dân mỗi nơi lại có thức bánh riêng để ăn trong ngày này.

Việt Nam – Bánh nướng, bánh dẻo

Tại Việt Nam, có 2 loại bánh Trung thu phổ biến là bánh nướng và bánh dẻo. Bánh thường có hình tròn tượng trưng cho sự đoàn viên, khát vọng hạnh phúc.

Xưa, bánh thường có hình bông sen in nổi với nhân đậu xanh, thập cẩm truyền thống; ngày nay, bánh Trung thu Việt Nam đã được sáng tạo với nhiều hình dạng và hương vị đa dạng.

Trung Quốc – Bánh mặt trăng

Bánh Trung thu của người Trung Quốc in chữ nổi với ý nghĩa tốt lành. (Ảnh: Dantri)

Bánh Trung thu của người Trung Quốc tên Yue bing (bánh mặt trăng), có nơi còn gọi là bánh đoàn viên bởi đây dịp để mọi người trong gia đình sum họp.

Bánh của người Hoa cũng có hình tròn, nhân bánh phong phú với đủ loại đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn, trà xanh, thịt quay, xá xíu… Ngày nay, nhân bánh Trung thu ở Trung Quốc còn được làm từ sô cô la, kem và phô mai. Hình thức bánh cũng phong phú hơn với hình vuông, hình con vật… và bề mặt thường in chữ với ý nghĩa tốt lành.

Hàn Quốc – Bánh Songpyeon (Bánh trăng khuyết)

Bánh Trung thu nhiều màu sắc hình bán nguyệt. (Ảnh: Dantri)

Tết Trung thu hay còn được gọi là Chuseok, là ngày lễ lớn trong năm ở Hàn Quốc. Trong dịp này, người ta làm món bánh truyền thống, gọi là Songyeon hay còn gọi là bánh gạo hình bán nguyệt.

Nếu như ở Việt Nam và Trung Quốc, bánh Trung thu tròn tượng trưng cho sự viên mãn thì chiếc bánh của Hàn Quốc lại mang hình bán nguyệt. Người Hàn Quốc quan niệm, trăng khi tròn khi khuyết giống như cuộc đời của con người, luôn biến đổi để đạt đến độ hoàn mỹ.

Loại bánh này không chỉ có màu trắng, người ta còn biến tấu Songyeon với nhiều màu sắc như hồng từ quả dâu, vàng từ bí đỏ, xanh từ lá ngải…

Nhật Bản – Bánh Tsukimi Dango

Bánh Trung thu in hình mặt thỏ. (Ảnh: Hachi)

Bánh Trung thu ở Nhật Bản là Tsukimi Dango (thường gọi là Dango), một loại bánh làm từ bột gạo với nhiều hình dạng khác nhau, nhưng phổ biến nhất là hình tròn.

Trong truyền thuyết của đất nước “mặt trời mọc”, thỏ ngọc sống trên mặt trăng và giã bánh dày. Vì vậy, người Nhật tin rằng nếu ăn bánh Tsukimi Dango vào ngày trăng rằm tháng 8 có thể nhìn thấy thỏ ngọc.

Singapore – Bánh dẻo nhân sầu riêng

Bánh Trung thu Singapore biến tấu với nhiều hương vị khác nhau. (Ảnh: Bizlive)

Bánh dẻo nhân sầu riêng là loại bánh Trung thu mang bản sắc của Singapore. Hầu hết người dân ở đây đều thích hương vị của loại bánh này.

Bánh Trung thu Singapore không chỉ có các loại nhân sầu riêng, kem, tổ yến, trà xanh, phô mai tươi… mà còn có nhiều biến thể như bánh dẻo tuyết, bánh dẻo lạnh…

Philippines – Bánh hopia

Bánh đơn giản nhưng hấp dẫn. (Ảnh: Viettravel)

Bánh Trung thu truyền thống của Philippines có tên là hopia. Đây là loại bánh nướng đơn giản, không nhiều màu sắc hay hoa văn cầu kỳ nhưng lại gây chú ý bởi phần nhân hấp dẫn.

Phần bột bên ngoài xếp thành từng lớp, khi bẻ đôi để lộ phần nhân có thể là đậu xanh, đậu đỏ, khoai lang tím hay thịt lợn.

Ngọc Lan

Exit mobile version