Đại Kỷ Nguyên

Đau đẻ tưởng chết đi sống lại thì được nghe: ‘Vợ cố lên’ và nụ cười của 2 người đàn ông

“Có nỗi đau nào bằng nỗi đau đẻ?!”, người ta vẫn thường hay nói thế, nhiều người cũng “biết” thế, nhưng mấy ai hiểu? Phải chăng, chỉ những ai đã từng làm mẹ mới rõ, và có lẽ cũng chỉ họ mới thật sự thấu cảm được niềm hạnh phúc và may mắn của người phụ nữ trong câu chuyện dưới đây.

Một sản phụ mới sinh con xong, tóc chị rối bù, toàn thân chị kiệt sức và gần như tê liệt. Chị vừa trải qua những cơn đau thắt dạ con thật khủng khiếp và giờ đây chị đang tiếp tục chống chọi với những cơn đau xé ruột xé gan khi vết mổ hết thuốc tê. Lúc này, chị nằm cũng đau, ngồi cũng đau và đứng lên thật là chuyện chị chẳng dám tưởng tượng; nhưng chị cần đi toilet. Chỉ cử động thôi cũng là điều thật kinh khủng đối với rồi chứ đừng nói đến đi lại; cái phòng tắm chỉ cách mấy bước chân mà tưởng chừng như cách xa… ngàn dặm.

Vậy nhưng, ông Trời thương chị, phái đến bên chị hai người đàn ông luôn túc trực và sẵn sàng giúp đỡ chị mỗi khi chị cần, ngay cả việc đi toilet. Cả bố và chồng đỡ chị dậy xuống giường, bằng giọng dịu dàng, chồng chị liên tục động viên: “Vợ cố lên sắp đến nơi rồi, vài bước nữa thôi”. Bên tay phải là bố chị, thương con gái, bố chị lúc nào cũng kề bên, phụ con rể chăm sóc chị; nhẹ nhàng nâng tay chị, ông không dám chạm mạnh vì sợ chị đau. Sự ân cần của ông như lời ru ngọt ngào: “Cố lên con gái”.

Chị đau lắm, đau đến tưởng chết đi rồi, đau đến nỗi mà chị nghĩ rằng không một loại ngôn ngữ nào trên thế gian này có thể miêu tả được cái đau mà chị đang phải đối diện; nhưng… cũng chẳng có từ ngữ nào gói trọn được niềm hạnh phúc đang cuộn trào như sóng vỗ trong lòng chị lúc này, vì chị cảm thấy mình may mắn, hai người đàn ông quan trọng nhất cuộc đời chị, đang cạnh bên chị, cùng chị san sẻ nỗi đau cắt da cắt thịt, tiếp cho chị sức mạnh để chị vượt qua nỗi đau mà chị tưởng chừng như không thể …

(Bài viết dựa trên câu chuyện có thật kể về một sản phụ tại Biên Hòa, Đồng Nai)

Chỉ một đoạn đường ngắn thôi, nhưng có lẽ đã cho chúng ta thấy điều gì giúp người phụ nữ có thể vượt qua mọi nỗi đau, đó chẳng phải chính là tình yêu của những người quan trọng nhất trong cuộc đời họ. Có lẽ, chỉ những ai từng sinh con mới hiểu niềm hạnh phúc mà chị đang sở hữu thật quý giá và không phải ai cũng may mắn có được.

Những ai từng làm mẹ đều thấm thía nỗi cơ cực nhọc nhằn, những đau đớn đến cắt da, cắt thịt ấy. Sinh mổ hay sinh thường cũng đều là một lần thập tử nhất sinh. Một lần sinh con là một lần mẹ được sinh ra một lần nữa, một lần mẹ từ cõi chết trở về.

Rất nhiều ông chồng đã thay đổi tính cách từ khi vợ sinh con; khi chứng kiến cảnh người vợ vượt cạn, họ biết trân quý, biết yêu thương người phụ nữ của mình hơn và học cách đón nhận hạnh phúc từ góc nhìn của người làm cha.

Khi câu chuyện của chị được chia sẻ trên mạng, rất nhiều người đã gửi lời chúc mừng đến chị, có người trêu đùa rằng họ ghen tị với chị, có người than thở cho số phận mình: Nhìn cảnh này mình thấy tủi thân quá. Một mình mình vừa tập đi vừa trông con. Con sặc sữa mẹ chưa đi lại được mà vì tình yêu con đã bế một phát chạy luôn vào phòng bác sĩ. Lúc đó, chẳng thấy đau gì nhưng sau vết thương bị rách nhiễm trùng, sốt. Đến giờ đã 11 năm, nghĩ lại vẫn còn thấy sợ”.

Nếu người chồng nào cũng biết thương vợ, người cha nào cũng biết lo nghĩ cho con như hai người đàn ông trong câu chuyện này, thì chẳng phải bất kỳ người phụ nữ nào trên thế gian cũng đều hạnh phúc và may mắn rồi sao? Điều này mới thật đáng trân quý.   

Hạnh phúc gia đình không chỉ là một đám cưới sang trọng bên những lời chúc mừng rộn rã; nó cần được xây lên từ trách nhiệm và tình yêu của mỗi thành viên trong gia đình. Phụ nữ sướng khổ hơn nhau ở tấm chồng, đàn ông khôn dại ở cách cư xử với vợ con. Một ngôi nhà hạnh phúc không phải là ngôi nhà to lớn, mà đó là ngôi nhà đầy ắp sự yêu thương.

Gia Viên – Hồng Tâm

Xem thêm:

Exit mobile version