Đại Kỷ Nguyên

Đau đớn vì cả cha và anh đều bị lũ cuốn trôi, ngày lập bàn thờ, một giọng nói vang lên khiến 2 mẹ con tôi chết lặng

28 năm trước vào một buổi tối mùa đông ngoài trời gió rít lên từng cơn, khi ấy tôi vẫn nằm im ngủ một cách ngon lành 8 tháng trong bụng mẹ.

10 giờ tối khi tất cả mọi người trong thôn đều đang trong giấc say nồng. Lúc ấy mẹ cũng đang dần chìm vào giấc ngủ, thì bất chợt bị đánh thức bởi tiếng trẻ em khóc ngoài cổng, theo phản xạ mẹ vội vàng mở cửa đi ra ngoài xem có chuyện gì đang xảy ra? Tiếng gió ù ù thổi qua những luồng cây mang theo những hạt mưa phùn lấm tấm khiến cho cái lạnh như cắt da cắt thịt.

Mở cửa cổng, mẹ phát hiện một bé trai chừng 3 tháng tuổi mặc một chiếc áo màu vàng nhạt đang không ngừng kêu khóc. Lúc đó theo bản năng tình thương trong mẹ trỗi dậy: “Sao ai lại nỡ nhẫn tâm bỏ đứa bé một mình giữa cái thời tiết buốt giá như thế này?”. Mẹ vội vàng bế đứa bé vào lòng và lấy tay xoa lên người để làm ấm cho nó. Bất chợt mẹ phát hiện trên người bé trai có một bức thư, chắc có lẽ do người mẹ để lại, những dòng chữ khiến người ta không khỏi xót thương cho những số phận nghiệt ngã: “Xin hãy rủ lòng thương mà cứu giúp đứa trẻ, nó thật tội nghiệp khi phải sinh ra trong cõi đời này. Bằng tất cả những gì của một người mẹ, cầu xin hãy cưu mang đứa bé”. Đôi mắt mẹ ngấn lệ, nhìn vào mắt đứa trẻ mẹ nói một cách âu yếm: “Ngoan, mẹ thương, không khóc nữa, từ nay đây sẽ là nhà của con”, kỳ lạ thay đứa bé cũng ngừng khóc ngay lúc đó và ngủ một cách ngon lành khi mẹ bế nó vào nhà.

Sáng hôm sau bố cũng vừa hoàn thành công trình của mình vui mừng trở về nhà để bù đắp sự yêu thương đối với mẹ vì những thiếu sót do những chuyến đi xa. Khi nghe mẹ kể mọi chuyện xảy ra trong đêm qua, bố không khỏi xúc động, nhẹ nhàng bế đứa bé lên: “Con trai, từ giờ ta sẽ là bố của con đồng ý không nào?”. Bất chợt mẹ ôm bố từ đằng sau vừa khóc vừa nói: “Cám ơn anh vì đã ủng hộ điều em làm”. Vừa trọc đứa bé bố vừa nói: “Việc nên làm mà em, nhìn thằng bé đáng yêu chưa kìa”, không để mẹ nói hết câu, bố vội vàng ngắt lời. Rồi bố đi vòng vòng trong nhà, lặng im suy nghĩ một hồi lâu, bỗng ánh mắt bố sáng lên, nói trong sự vui mừng: “Có rồi, từ nay ta sẽ gọi con là Nghĩa, sau này nhất định phải làm một người đàn ông nghĩa khí biết chưa? Ha ha”. Giây phút ấy trong thâm tâm của cả bố và mẹ tôi đều đã coi anh Nghĩa như con đẻ của mình.


Từ nay ta sẽ gọi con là Nghĩa, sau này nhất định phải làm một người đàn ông nghĩa khí biết chưa? Ha ha”. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Hơn một tháng trôi qua, cuối cùng sau một giấc ngủ dài trong bụng mẹ, tôi cũng được sinh ra, tôi khóc thét lên trong sự vui mừng của cha mẹ. Khuôn mặt  lấm tấm những giọt mồ hôi, hiện rõ vẻ đau đớn, nhưng mẹ vẫn cố gắng mỉm cười và  nhìn tôi bằng ánh mắt đầy trìu mến. Lau mồ hôi cho mẹ, bố nói một cách đầy mãn nguyện: “Vậy là vợ chồng mình có cả nếp cả tẻ rồi nhé”. Vì để tiện chăm sóc cho gia đình bố quyết định không đi xa nữa, mà xin làm cho một xưởng cơ khí ở gần nhà, mẹ vui rớt nước mắt vì giờ đây không còn phải ôm nỗi nhớ mong mà khóc thầm mỗi khi tiễn bố đi xa như ngày nào nữa. Tuy cuộc sống gia đình tôi có vất vả nhưng không vì thế mà vắng bóng tiếng cười hạnh phúc, và hai anh em chúng tôi cứ như thế lớn lên trong sự yêu thương chăm sóc của bố mẹ. Khi còn bé sáng nào bố cũng tranh thủ đèo hai anh em tôi đến trường, rồi bố vội vã trở về nơi làm việc của mình. Lớn lên một chút chúng tôi tự đèo nhau trên chiếc xe đạp bố mua cho hai anh em nhân dịp khai giảng năm lớp 9. Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi đi cho đến một ngày….

Năm tôi học lớp 12 khi hai anh em vừa đi học về, từ trong nhà nghe giọng bố mẹ nói chuyện: “Em à! Hai đứa chúng nó chẳng mấy chốc là vào đại học, mà gia cảnh nhà mình như vậy… Hôm qua giám đốc công ty cũ có gặp anh và đặt vấn đề? Có khi anh phải tiếp tục đi xa”. Mẹ im lặng, đôi mắt đỏ hoe lặng lẽ ngả đầu vào vai bố, bỗng anh Nghĩa chạy vào nhà quỳ xuống trước mặt bố mẹ, nói trong nước mắt: “Bố ơi bố đừng đi nữa, mẹ và em Hương sẽ nhớ bố lắm. Con không muốn học nữa, bố mẹ vất vả nuôi con như vậy là đủ rồi, con sẽ đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình”.

Bố nâng anh lên rồi nói: “Đứng lên đi, nam nhi không được khóc, giờ có một mình con là đàn ông trong nhà, nhất định phải chăm sóc cho mẹ và em, một mình bố làm là đủ rồi, con còn phải học hành cho tốt nữa”. Sáng hôm sau lúc bố lên đường, cả nhà ai cũng sụt sùi nước mắt, bố vỗ vào vai anh rồi nói: “Nam nhi không được khóc kia mà, con lại quên những gì hôm qua đã nói rồi”, anh vội vàng lấy vạt áo lau nước mắt: “Không khóc, con không khóc nữa”. Nhưng lúc ấy cả tôi và mẹ cũng đều khóc nức nở, nhìn ba mẹ con đôi mắt bố bỗng đỏ hoe, không để cho nó kịp rơi nước mắt, lạnh lùng bố quay mặt bước đi thật nhanh giữa những cơn gió đông đang gào thét.


Bố lạnh lùng bước đi, nhưng lòng bố thì không bước… (Ảnh minh hoạ: Internet)

Rồi đến một ngày khi tôi và anh đang vui mừng về nhà khoe kết quả tốt nghiệp của mình với mẹ, thì tiếng một người đàn ông từ trong nhà vang lên như đâm ngang vào trái tim tôi: “Xin lỗi chị, chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng không thể đưa anh ra khỏi dòng lũ, đây là những đồ cá nhân mà anh dùng ngày trước, xin chị hãy nhận lại. Mong gia đình bớt đau buồn”. Chân tay bủn rủn, tôi lao vào trong nhà, khóc lóc thảm thiết: “Chú ơi bố cháu chưa chết phải không? Đây không phải là sự thật đúng không chú?” Rồi tôi quay sang ôm lấy mẹ: “Mẹ ơi, bố chưa đâu, chưa đâu mẹ ơi”, ôm chặt tôi vào lòng, mẹ im lặng không nói gì, đôi mắt đã nhòe lệ. Anh Nghĩa đứng sững sờ ngoài cửa, lặng im cắn chặt hàm răng lại, có lẽ vì nhớ đến những lời bố dặn: “Nam nhi không được khóc”, anh cố ngăn cho nước mắt tuôn rơi.

Đêm hôm ấy cả tôi và mẹ đau khổ bên gói đồ của bố rồi ngủ thiếp đi mà không biết rằng anh đã đi từ lúc nào không hay biết, sáng hôm sau khi tỉnh lại chỉ thấy anh để lại vài dòng chữ viết vội: “Mẹ và em ở nhà nhớ phải giữ gìn sức khỏe, không phải lo cho con đâu. Con sẽ thay bố đi làm kiếm tiền gửi về nhà, mẹ đừng lập ban thờ bố vội, con không tin bố đã… khi nào tìm được bố con sẽ về nhà”.

Cứ như vậy hàng tháng anh đều gửi tiền về nhà cho tôi ăn học. Thi thoảng anh cũng không quên gửi thư và một vài tấm hình cho tôi và mẹ bớt lo lắng. Nhìn thân hình anh gầy đen chai sạm vì sương gió làm việc vất vả, lòng tôi đau quặn lại.

Nhưng cuộc sống đôi khi quá nghiệt ngã, sóng gió lại một lần nữa ập vào căn nhà bé nhỏ của chúng tôi một lần nữa. Ngày tôi ra trường cầm tấm bằng đại học y trở về nhà cũng là ngày tôi và mẹ nhận hung tin, người của công ty nơi anh làm việc đến báo tin trong lúc làm việc anh cũng bị dòng lũ cuốn trôi giống như bố. Một lần nữa tôi và mẹ không ai nói gì ngồi thẫn thờ bên những kỷ vật của anh, để những giọt nước mắt rơi trong im lặng, không khí tang thương bao trùm lấy căn nhà. Suốt một thời gian dài trôi qua cả tôi và mẹ đều thân xác tiêu điều vì nỗi đau quá lớn. Rồi cuối cùng tôi cũng cố gắng vực lại tinh thần đi làm tại một bệnh viện huyện ở gần nhà để tiện chăm sóc cho mẹ. Dù không muốn nhưng sau 2 tháng khi nghe thông tin anh bị lũ cuốn trôi, tôi và mẹ cũng đành đau khổ lập ban thờ cho anh và và bố vào cùng một ngày.

Trưa hôm ấy tôi và mẹ không ai nói gì, khuôn mặt giầu dĩ đứng trước tấm ảnh của bố và anh rơi những giọt lệ xót thương, đang định thắp nén nhang thì bỗng giọng anh từ cổng nhà cất lên: “Mẹ và em ơi con và bố về rồi”. Tôi và mẹ bỗng giật mình, có lẽ nào linh hồn anh về tiễn biệt hai mẹ con tôi lần cuối, tôi khóc lóc chạy ra ngoài cửa thì đúng là anh đang đứng cạnh bố luôn miệng cười nói: “Anh tìm được bố rồi, anh tìm được bố rồi”. Cả tôi và mẹ lao vào ôm anh và bố khóc nức nở, vì tưởng rằng linh hồn bố và anh về nhà tiễn biệt hai mẹ con lần cuối cùng. Nhưng vô cùng ngạc nghiên và sửng sốt vì cả anh và bố vẫn còn sống, vẫn bằng xương bằng thịt.


Thật không ngờ khi cả anh và bố vẫn còn sống, vẫn bằng xương bằng thịt… (Ảnh minh hoạ: Internet)

Vào đến trong nhà, anh từ từ kể đầu đuôi mọi chuyện, bao năm qua anh lang thang khắp các công trường này tới công trường khác vừa làm vừa dò là tin tức của bố, cuối cũng anh công ty anh cũng chuyển đến công trường nơi bố làm việc ngày trước, quá vui mừng anh lùng sục khắp mọi nơi nhưng thông tin về bố vẫn bặt vô âm tín. Tuyệt vọng cuối cùng anh quyết định đến đúng nơi mà bố bị cuốn trôi, thả mình vào dòng nước mong ‘kì tích’ có thể xảy ra. Thật không ngờ anh được những người trong một thôn bản cứu sống, khi tỉnh lại anh không tin vào mắt mình, bố đứng đó nhưng không nhận ra anh là ai, mọi chuyện đã bị xóa khỏi ký ức.

Cả 3 người chúng tôi ôm nhau rơi những giọt nước mắt hạnh phúc đoàn tụ dù có muộn màng.

Thành Vũ

Xem thêm

Exit mobile version