Đại Kỷ Nguyên

Đau khổ vì anh trai bị tử hình, cậu bé đã tìm lại ánh sáng cuộc đời nhờ tình yêu thương của cô giáo

Tôi chuyển về trường mới và lần đầu tiên trở thành cô giáo chủ nhiệm… Bước vào lớp, tôi đưa mắt nhìn một lượt những gương mặt học trò háo hức, hồn nhiên và chợt sững lại với một cậu học trò. Em có đôi mắt buồn sâu hun hút và ngồi một mình ở bàn cuối.

Tôi và các trò gần gũi, thân thiết nhanh hơn tôi nghĩ. Giờ ra chơi chúng thường đến trò chuyện cùng tôi, duy chỉ có Thái, cậu học trò bàn cuối là chỉ đứng nhìn từ xa, đôi mắt lặng buồn.

Tôi hỏi học trò:

– Sao bạn Thái không bao giờ lại đây chơi với cô trò mình nhỉ?

 Chúng chụm đầu nói khẽ với tôi:

– Anh bạn đấy giết người bị tử hình đấy cô. Bố mẹ cấm bọn em chơi với bạn ấy. Ai mà nói đụng đến anh bạn ấy là bạn ấy đánh luôn. Bọn em sợ và ghét lắm.

– Ừ, cô biết rồi…

Tôi không hiểu về Thái lắm nhưng rất muốn cậu học trò cô đơn có thể hoà nhập với mọi người, nên tôi bắt đầu chủ động nói chuyện với em. 

Trong ký ức của Thái vẫn ám ảnh về hình ảnh người anh thư sinh, nụ cười hiền và thương em hết mực. Anh thường cõng em trên lưng, nhường áo ấm cho em khi trời lạnh, làm đồ chơi cho em bằng lá dừa… Đến tận bây giờ, cậu bé vẫn không quên lời hứa của anh trai rằng sau này lớn lên sẽ mua cho hai anh em 2 cái đồng hồ giống nhau.

Không có học sinh nào trong lớp muốn chơi với Thái nên em luôn ngồi một mình.

– Em thương anh em lắm. Em không thể hiểu điều gì xảy ra trong cái đêm kinh hoàng đó… Các bạn không chơi với em cũng được, không ai đến nhà em cũng được. Em quen rồi. Chỉ là đừng ai nói đến anh của em. Em muốn tất cả mọi người quên anh của em đi. Một mình em nhớ đến anh thôi là đủ…

Thái luôn khóc mỗi khi nhắc về người anh trai cậu hết mực yêu thương.

***

Hết học kỳ một… lớp tôi không còn cậu học trò ngồi một mình ở bàn cuối. Nhìn Thái vui vẻ giữa bạn bè, lòng tôi thật an yên… Thái xứng đáng được như vậy, cậu bé có lỗi gì đâu. 

Buổi học hôm ấy, mấy học trò hớt hải lên nhà tìm tôi.

– Cô ơi, bạn Thái đánh bạn Hùng lớp B, kiểu chi mẹ bạn Hùng cũng đến chửi nhà bạn Thái. Bố bạn Thái sẽ đánh bạn khiếp lắm cô à.

Tôi hối hả lấy xe, chở thêm cô học trò chỉ nhà. Tôi cũng chưa đến nhà Thái lần nào.

Thái đang ngồi co ro ở góc hè, chiếc roi mây vun vút quật xuống thân hình gầy còm của em.

– Con xin bố, con đau lắm bố ơi, con xin bố!

Người bố vẫn nghiến răng vụt:

– Tao khổ lắm nhục lắm rồi, có biết không con ơi… trời ơi, trời ơi, trời ơi!

Cứ mỗi tiếng “trời ơi”, chiếc roi lại quật xuống đầy đau đớn. Tôi bàng hoàng trước cảnh tượng đó, lao lại giữ chặt cánh tay của bố Thái run rẩy nói: Anh đừng đánh cháu nữa”.

Bố Thái quay lại nhìn tôi rồi buông roi. Tôi chạy lại phía Thái, em ôm chặt cứng lấy tôi , những vết lằn ngang dọc tứa máu trên người.

– Cô ơi… cô ơi…!

Bố Thái ngồi sụp dựa lưng vào cây cột nhà bong tróc nham nhở, khuôn mặt khắc khổ đen sạm. Ông ôm ngực ho rũ rượi. Thái lao lại đỡ bố rồi vuốt vuốt ngực. Khuôn mặt ông tím tái, bàn tay co quắp cứng đơ. Thái cuống cuồng đặt bố nằm thẳng xuống day lồng ngực, luôn miệng gọi bố ơi. Một lúc sau ông ho lại được, những cơn ho dài như móc ruột móc gan.

Mẹ Thái hớt hải từ đồng chạy về, bàn chân còn lấm bùn, bà giang đôi tay gầy quắt khô ôm con ôm chồng rồi khóc. Căn nhà hoang lạnh, trống trải bơ vơ.

Trong ký ức của Thái vẫn ám ảnh về hình ảnh người anh thư sinh, nụ cười hiền và thương em hết mực.

Tôi gặp cô giáo chủ nhiệm lớp B, phụ huynh và cậu học trò bị đánh vào cuối buổi học. Thái ngồi cạnh tôi run rẩy, những vết roi tứa máu phồng rộp ngang dọc trên hai cánh tay. Chẳng hiểu sao tôi không khóc mà nước mắt cứ giàn dụa. Tôi cứ nói được mấy câu lại nghẹn lại… Thái cũng khóc, rồi tự nhiên cô chủ nhiệm lớp B cũng khóc, cậu học trò bị đánh cũng khóc và mẹ cậu học trò bị đánh cũng rưng rưng. Thái sát lại gần bên tôi thêm nữa rồi cậu ấy nói rành rọt rõ ràng.

– Cháu đánh bạn là cháu sai rồi, cháu xin lỗi bác… xin lỗi cô, xin lỗi bạn.

Thái quay về phía cậu bạn giọng trùng xuống:

– Anh tôi xấu nhưng không làm gì đến bạn. Anh ấy sai anh ấy đã đền tội rồi. Xin bạn đừng bao giờ chửi rủa anh tôi, nếu không thì tôi vẫn đánh. Bạn nhớ lấy.

Im lặng trôi đi…

– Tôi nóng tính quá cô à, thành ra… Người mẹ rưng rưng nước mắt, ngập ngừng.

Cậu học trò bị đánh cũng xin lỗi cô, xin lỗi Thái. Chúng tôi trò chuyện với nhau cởi mở, chân thành.

Một ngày chủ nhật, cả nhà Thái lên gặp tôi để chào tạm biệt. Họ muốn chuyển đi nơi khác và bắt đầu một cuộc sống mới.

Tôi tặng Thái chiếc bút. Còn em tặng tôi chiếc khăn len màu đỏ và căn dặn “Mùa đông cô nhớ giữ ấm, đừng để bị ho ạ”.

Và tôi mất liên lạc với Thái từ đó…

***

Chiều nay về nhà, trên bàn có tấm thiệp mời tân gia, tôi không biết ai mời mình, nhưng nghĩ họ có quý thì mới mời nên vẫn lần theo địa chỉ trong thiệp để đến mừng. Con đường mỗi lúc một quen…

Tôi bước vào cổng, ngõ nhỏ dẫn vào nhà lát gạch đỏ tươi, hai bên là hoa mười giờ nở rực. Trong nhà rộn rã. Thái đón tôi ngay trên lối đi:

–  Em già đi nhiều không cô?

Học trò cũ năm xưa cũng có mặt khá đủ đầy. Tôi không khóc mà nước mắt cứ lăn dài, nắm tay từng đứa nhắc lại tên. Bố mẹ Thái khỏe hơn nhiều, nụ cười bắt đầu sáng trên khuôn mặt đã bớt những khổ đau. Thái bế bé con trên tay và dắt một cô gái giới thiệu với tôi:

– Đây là vợ và con trai em cô ạ!

Cô gái khẽ gọi tên tôi:

– Cô Hoài… Em chào cô!

– Con ôm bác Hoài, cô giáo của ba đi.

Cậu bé nhoài người ôm lấy tôi, hôn lên má tôi: “Con chào bác, con yêu bác”. Tôi bế cậu bé trên tay, hôn lên đôi má bầu bĩnh: “Bác yêu con…”

Phía sau bản án của một người, niềm tin và hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống là điều không dễ dàng có lại, nhưng cậu học trò của tôi đã làm được.

Tôi cùng mọi người đi thăm hết các phòng của ngôi nhà mới khang trang, tiện nghi đầy đủ. Thái đưa riêng tôi vào một căn phòng nhỏ, nơi em dành cho anh trai của mình. Bức ảnh người anh với khuôn mặt hiền lành được đặt ngay ngắn trên bàn thờ, bên cạnh là chiếc hộp màu đỏ, Thái mở chiếc hộp cho tôi xem:

– Đồng hồ em mua cho anh trai em đấy cô ạ.

Tôi nhìn chiếc đồng hồ trong hộp rồi nhìn lên tay Thái, hai chiếc ý chang nhau. Hai chiếc đồng hồ cho một lời hứa không thành…

– Phía sau bản án của một người, niềm tin và hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống là điều không dễ dàng có lại được đâu cô… Em chỉ mong cuộc đời bớt đi những bản án khắc nghiệt để niềm đau không về nơi đây.

Tôi sẽ nhớ mãi ánh mắt buồn nhưng đầy nghị lực của cậu học trò khi nói với tôi điều ấy…

* Câu chuyện được trích lược từ bài viết của Đỗ Hoài Trang

(Ảnh minh hoạ sưu tầm từ internet)

Exit mobile version