Đại Kỷ Nguyên

Xót lòng trước cảnh người cha mù mơ ước nồi cháo móng giò cho con gái tâm thần vừa sinh con

Mỗi chúng ta đều đang viết câu chuyện cuộc đời mình mỗi ngày. Có những người may mắn có được những nguyên liệu thật đẹp, thật tốt để viết được những chương sách bình yên. Nhưng cũng có những người phải dùng những khó khăn, nhọc nhằn và mất mát để “dệt” nên từng câu chữ. Cha con ông lão mù dưới đây là những người đáng thương như thế.

Trên ngọn đồi nhỏ nơi xã Bằng Doãn, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, có hai cha con ông lão mù sống cùng nhau đã bao năm rồi. Hàng ngày, người cha vẫn cặm cụi ở nhà, lần mò từng bước để lo cơm cháo cho hai cha con, rồi đợi con gái đi chơi, đi lang thang về cùng ăn cơm. Cuộc sống trên ngọn đồi biệt lập tưởng bình yên là thế, nhưng có những nỗi đau vẫn âm ỉ thường trực trong lòng người đàn ông cao gầy mất đi đôi mắt. Ông đau đáu vì một gia đình không trọn vẹn, vì không thể cho con cái một cuộc sống no đủ.

Người đàn ông ấy lại mang một cái tên rất sáng: Nguyễn Văn Dương.

Ông Dương bị mù từ khi mới 16 tuổi. Ông sống trong bóng tối cũng đã được hơn nửa đời người. Khi tới tuổi dựng vợ gả chồng, người làng thương nên giới thiệu cho ông cô gái hàng xóm để có người bầu bạn. Vợ ông sinh được hai người con. Nhưng không may, người con đầu bị tâm thần nặng, khi lớn đã bỏ đi biệt tích, giờ cũng không biết còn sống hay đã chết. Vợ ông Dương sau khi sinh con thứ hai được hai tháng thì cũng bỏ đi, để lại đứa con thơ còn đỏ hỏn cho mình ông chăm bẵm.

Cuộc sống lại thêm khó khăn, thêm buồn, khi người con gái thứ hai của ông, chị Cúc, lớn lên tuy không bỏ nhà đi biệt tích như người con cả, nhưng cũng vì bệnh tâm thần mà cả ngày lang thang khắp nơi. Mỗi sáng, người phụ nữ ấy lại đi từ nhà này tới nhà khác, ai bảo gì thì làm nấy, ai cho gì thì ăn nấy.

Cuộc sống buồn và tĩnh lặng cứ thế trôi đi trong ngôi nhà đơn sơ giữa đồi. Cho tới một ngày, người trong làng bảo với ông Dương, hình như chị Cúc con gái ông có chửa rồi, bụng to lên nhiều. Ông Dương phân trần: “Tôi bị mù, nào có hay biết gì đâu”. Tới khi người làng nói, ông mới đưa chị lên trạm xá siêu âm thì được biết con gái ông sắp làm mẹ. Em bé đã thành hình, đã ở được 5 tháng rồi nên không bỏ đi được nữa.

Thế là, nhà ông lại có thêm người, sự tĩnh mịch của căn nhà nhỏ giờ đã bị phá vỡ bởi tiếng oe oe và tiếng cười của Thế Anh – con trai chị Cúc. Căn nhà có thêm niềm vui mới, nhưng là niềm vui không trọn vẹn bởi nó đi liền với nỗi lo. Ai sẽ nuôi em, ai sẽ chăm bẵm cho đứa trẻ tội nghiệp này. Mẹ nó thì ngẩn ngơ, ông nó thì mù.

Sự tĩnh mịch của căn nhà nhỏ giờ đã bị phá vỡ bởi tiếng oe oe và tiếng cười của Thế Anh.

Nhưng rồi, tình thương con, thương cháu cũng khiến ông Dương dũng cảm quyết định giữ đứa cháu nhỏ lại để nuôi. Ông sợ đem cháu cho đi, người ta lại đem cháu ông đi “bán”. Nếu mẹ nó không nuôi được, thì vẫn còn có ông, thôi thì, “ông ăn gì thì cháu ăn nấy”, rau cháo mà nuôi nhau. Ông đã nuôi được mẹ nó, nên nếu trời thương cho ông còn khỏe, ông vẫn có thể nuôi nó qua được những tháng ngày đầu tiên, cần đến sự chăm bẵm nhất này.

Cuộc sống của hai cha con ông Dương vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn. Ngày thường, bữa ăn cũng chỉ có cơm với vài thứ rau cỏ cho qua bữa. Có lẽ do chị Cúc thường ngày không được ăn uống đầy đủ nên khi sinh con, chị không có lấy một giọt sữa. Thương con, thương cháu, ông Dương cũng hiểu chuyện sinh đẻ này khiến người phụ nữ mất nhiều sức lực, ông rất mong có thể bồi bổ chút gì cho con. Đợt ấy, ông Dương vừa được nhận tiền trợ cấp, khấp khởi mừng thầm, thế là con gái sẽ có bữa cháo móng giò để bồi bổ lại sức khỏe, biết đâu sẽ có thêm chút sữa cho con bú.

Vậy mà, chiều hôm ấy, cháu ngoại ông lại ốm, cần đưa đi viện cấp cứu, nên số tiền vừa nhận buổi sáng tiêu hết cả vào tiền ta-xi đưa cháu đi về. Ước mơ về nồi cháo móng giò cho con, cho cháu đành phải gác lại, không biết tới lúc nào mới có thể thực hiện.

Ước mơ về nồi cháo móng giò cho con, cho cháu đành phải gác lại…

Ai đã từng làm mẹ hẳn đều biết, nuôi con nhỏ vất vả như thế nào. Nào cho ăn, nào dỗ khóc. Ăn thì ngày chục bữa, tã cũng thay nhiều bận. Vất vả nhất là thức đêm cùng con, khi các bé còn chưa vào nhịp ngủ. Những nỗi vất vả ấy mình ông Dương tình nguyện gánh hết. Có lẽ đã một lần chăm con khi còn nhỏ khiến ông có kinh nghiệm trong việc pha sữa, rồi dỗ cho cháu ngủ.

Hình ảnh người ông mù cứ lần mò trong bóng tối, cẩn thận đong từng thìa sữa, đếm từng chén nước sôi rồi cẩn thận thử xem sữa ngọt nhạt, nóng lạnh thế nào, khiến ai nhìn có lẽ cũng sẽ muốn rơi nước mắt. Không phải chỉ vì xót xa cho cảnh gà ông nuôi gà cháu, mà cũng là vì cảm phục tấm lòng của ông, tình thương và sự bao bọc của ông dành cho đứa con ngây dại và đứa cháu còn quá nhỏ.

Không có ông, không biết mẹ con chị Cúc sẽ sống ra sao. Chị Cúc thường ngày chỉ có thể bế con, chơi với con một chút, chứ không làm được nhiều hơn. Ông kể, có lần, chị pha sữa nóng quá khiến thằng bé bỏng cả miệng, lần khác thì sữa chị pha lại đặc quá, khiến bé con sặc sữa vào tận phổi, rồi lại phải đi cấp cứu.

Do bị mù nên nhiều hôm ông Dương bị nước sôi tràn vào tay.

Nhưng rồi, thời gian khó nhọc nhất cũng qua, giờ Thế Anh lớn lên nhiều. Cậu bé trông thật cứng cáp, đôi má trắng hồng bụ bẫm, nhất là đôi mắt đen tròn sáng tinh anh. Ông Dương tuy không thể nhìn thấy cháu, nhưng mỗi khi hàng xóm tới chơi, lại tả về thằng cu con cho ông nghe. Mỗi lần như vậy là ông lại thấy mừng.

Có Thế Anh, tuy vất vả nhưng ông thấy hạnh phúc hơn, chị Cúc cũng không đi chơi nhiều như trước, bởi ông không dám để chị bế con đi chơi xa, sợ chị mải vui mà để quên con ở chỗ nào không biết. Giờ đây, ông luôn có thể cười thật tươi mỗi khi bế cháu – mầm sống mà ông đã dũng cảm nhận lấy trách nhiệm chăm sóc và yêu thương.

Có Thế Anh, tuy vất vả nhưng ông thấy hạnh phúc hơn.

Ai đọc câu chuyện của gia đình ông Dương hẳn cũng muốn cầu chúc cho ông có thêm nhiều sức khỏe, cầu chúc cho Thế Anh lớn lên mạnh khỏe, thông minh. Bởi em khỏe, em ngoan, chính là động lực để ông em cố gắng.

Cuộc đời là thế, đôi lúc những vất vả khó khăn cứ kéo nhau cùng đến, như để thử thách sự kiên nhẫn và tấm lòng khoan dung của con người. Chúng ta không có quyền từ chối những khó khăn đó. Nhưng chúng ta có đủ sức mạnh để chấp nhận nó, để cảm ơn Thượng Đế: “Cảm ơn Ngài đã ban khó khăn này cho con, bởi con biết Ngài cũng trao cho con sức mạnh để đi qua mọi cơn bão”. Sức mạnh ấy chính là tình thương vô điều kiện dành tặng cho những người xung quanh – những người mà ban đầu ta tưởng rằng chỉ gây cho ta đau khổ.

Cảm ơn Ngài đã ban khó khăn này cho con, bởi con biết Ngài cũng trao cho con sức mạnh để đi qua mọi cơn bão” (ảnh minh hoạ: Shutterstock).

Nếu ông Dương không hy sinh cho chị Cúc và Thế Anh, có lẽ cuộc đời của ông đã bất hạnh hơn nhiều. Bởi trong đau khổ, nếu chúng ta chọn niềm vui thì hạnh phúc sẽ đến, còn nếu chúng ta chọn lấy nỗi buồn, thì cuộc đời sẽ chỉ xoay quanh những khó khăn, thất bại.

Và khi ai đó tạo ra những đau khổ, những khó khăn thử thách cho chúng ta, đó không phải là vì họ cố ý muốn làm tổn thương ta, mà đó là cách mà cuộc sống mượn những điều họ làm để khiến ta trở nên mạnh mẽ, kiên cường và bao dung.

“Người nào chỉ biết đến bản thân mình thì sẽ đánh mất cuộc sống, và người nào hy sinh bản thân mình vì sự an toàn của người khác thì sẽ có được cuộc sống”.

Hải Lam

Video xem thêm: 9 điều nhất định phải khắc cốt ghi tâm để chữa lành mọi vết thương lòng

Exit mobile version