Chiến tranh luôn là cơn đau của nhân loại, là nỗi đau chết người, nỗi đau bê bết máu chảy và tiếng khóc thét của trẻ em giữa hoang tàn khói lửa… Khi cái ác đã đẩy đến tận cùng nơi nòng súng và người ta điên cuồng xối đạn và bom mìn về phía trước bất kể vào trẻ em hay phụ nữ, thì chiến tranh giống như một nấm mồ chôn chặt sự thiện lương và vẻ đẹp của cuộc sống.
Thế giới đã không bình yên khi vào tháng trước ở nước hồi giáo Syria xảy ra cuộc hỗn chiến giữa các bên. Bom đạn đã gây ra những tổn thất không thể cứu vãn nổi. Lúc đó, cư dân mạng chấn động với hình ảnh một nhà báo quỳ khóc nức nở bên thi thể đã bị cháy đen của một đứa trẻ trong vụ đánh bom đẫm máu xảy ra vào ngày 15-4 vừa qua, khiến ít nhất 80 trẻ em thiệt mạng.
Tên anh là Abd Alkader Habak, một phóng viên ảnh tự do. Habak đã đi tháp tùng đoàn xe chở thường dân Syria được di tản gần thành phố Aleppo. Vì thế anh có mặt đúng tại hiện trường của vụ đánh bom cảm tử nhằm vào đoàn xe. Vào thời điểm sau khi cuộc nổ bom xảy ra, anh đã giúp đỡ những người gặp nạn tại hiện trường. Lúc này anh đang ôm một đứa bé, trong tay vẫn cầm chiếc máy ảnh chạy khỏi nơi nổ bom, xung quanh anh bao phủ mùi vị của sự chết chóc.
Một đồng nghiệp của anh đã kịp ghi lại khoảnh khắc Abd Habak, một phóng viên ảnh tuy đã quá quen với chiến tranh vẫn phải quỳ xuống bật khóc nức nở bên cạnh thi thể đã cháy thành than của một đứa trẻ vì sự thật quá tàn khốc. “Đây là đồng nghiệp Abd Alkader Habak đang khóc vì bất lực và vì đau đớn trước những nạn nhân của vụ tấn công khủng bố“. Hình ảnh này đã lay động hàng vạn trái tim người xem trên mạng xã hội.
Sau này, Abd Alkader Habak kể lại với đài Chanel 4 News: “Các ngôn từ không thể mô tả được những gì đã xảy ra. Tôi đứng bên cạnh chiếc xe chở thực phẩm cho trẻ em thế rồi chỉ cách đó vài mét có tiếng nổ đinh tai”. Khi anh đang ghi hình cảnh tượng diễn ra trước mắt mình, anh thấy một bé trai đang cần được giúp đỡ. Anh quyết định ngưng tác nghiệp để làm việc mà lương tâm anh thúc đẩy.
“Tôi nhìn thấy cậu bé còn thở. Tôi bồng nó lên tay và cắm đầu chạy về phía xe cứu thương. Thực sự tôi không biết cậu bé có sống nổi không, nhưng tôi chỉ đã làm được những gì mình có thể làm. Tôi chỉ biết cậu bé đã được chở đi bệnh viện”, Habak nhớ lại. Anh cảm thấy mình như bất lực trước sự tàn ác đỉnh điểm. Anh đã khóc, khóc rất nhiều, người anh run bần bật.
Đây là bộ mặt của chiến tranh và là hiện thực tàn nhẫn đang diễn ra ở các vùng chiến sự tại Trung Đông. Nó mang đến chết chóc và đau thương. Nó hiện lên trên gương mặt hãi hùng của trẻ em Syria. Có những người mẹ, những thường dân vô tội, đang ôm chặt con cái họ, lòng đầy sợ hãi, mà ngước nhìn lên trên trời với lời khẩn nài thiết tha trong khi mặt đất rung chuyển dưới chân họ và những trái hỏa tiễn đầy nguy hiểm đang gầm thét.
Họ nên tự hỏi họ chém giết nhau vì điều gì khi họ đang tự tay hủy diệt thế hệ tương lai của một dân tộc?
Lùi lại quá khứ, năm 1945, trong thế chiến thứ hai, một nhiếp ảnh gia Joe O’Donnell đến Nhật Bản để ghi lại những thiệt hại diễn ra sau các cuộc không kích với bom và bom nguyên tử.
Từ tháng 9/1945, ông đã đi dọc vùng phía Tây của Nhật Bản, chụp lại được những khoảnh khắc đau thương của các nạn nhân chiến tranh. Một trong những bức hình nổi tiếng của ông tại thành phố Nagasaki, là hình ảnh một đứa trẻ Nhật Bản cõng em trai đã qua đời trên lưng như một phần hiện thực khốc liệt của xứ Phù Tang những năm 1945.
Ảnh: Twitter
Trong bức hình này, Joe O’Donnell đã bắt gặp hai đứa trẻ; một đứa lớn đang cõng đứa bé trên vai. Đau lòng thay, đứa em nhỏ trên vai đã qua đời và chuẩn bị lên giàn hỏa thiêu. Đứa trẻ đứng im, tay xuôi xuống quần. Cậu bé mím chặt môi, ngẩng cao đầu, không dám bật khóc như chính tinh thần bất diệt của đất nước Nhật Bản. Trong trí nhớ của Joe O’Donnell vẫn còn hình ảnh cậu bé năm nào:
“Tôi thấy một cậu bé khoảng 10 tuổi đi qua. Trên vai em là một đứa nhỏ khác. Giai đoạn đấy ở Nhật Bản, tôi hay bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ đang chơi đùa với em mình trên vai. Nhưng với cậu bé này, câu chuyện hoàn toàn khác. Em không có giày với khuôn mặt đầy căng thẳng, còn đứa nhỏ trên vai em dường như đang ngủ rất sâu. Cậu bé cứ đứng đó chừng 5 hay 10 phút.
Một lúc sau, người đàn ông đeo khẩu trang trắng tiến về phía em, cởi dây và đỡ lấy đứa bé. Đó là lúc tôi nhận ra em đã chết. Người đàn ông giữ lấy đứa nhỏ và đặt trên giàn hỏa thiêu. Người anh cứ đứng đó, trân trân nhìn ngọn lửa đang cháy. Nó cắn môi dưới của mình thật đến nỗi tôi thấy máu tóe ra ngoài.
Khi ngọn lửa cháy rụi, cậu bé quay đầu lại và bỏ đi trong im lặng”.
Những tấm hình đã đi vào lịch sử không thể xóa nhòa, là bằng chứng cho tội ác của chiến tranh, là nỗi ám ảnh đối với không chỉ nạn nhân mà toàn thể dân tộc. Những em bé Syria hay những em bé Nhật Bản đều phải chịu đựng những vết thương khoét sâu trong tâm hồn và những nỗi đau về cái chết và máu chảy suốt cuộc đời. Nước mắt của họ lấp đầy năm châu bốn biển vẫn không đủ.
Chiến tranh không chỉ là nỗi thống khổ về thân xác, mà còn là sự tuyệt vọng về công lý con người. Hai cuộc chiến tranh thế giới đã cướp đi rất nhiều truyền thống văn hóa, tập tục quý báu và các giá trị đạo đức.
Hòa bình lâu bền không thể được kiến lập bằng súng đạn. Hòa bình chỉ có thể kiến lập bằng lòng Thiện tâm bao dung và tha thứ. Vì thù hận, tham lam và ích kỷ, là nguồn gốc của chiến tranh, không có hòa bình ở trong tâm thì không có hòa bình trên thế giới. Mỗi cá nhân đều có thể kiến tạo hòa bình từ trong tâm mình. Hãy rải rắc tình yêu thương và chỉ có điều này mới có thể hàn gắn thế giới, và gây dựng tương lai cho thế hệ mai sau. Xin hãy vì trẻ em mà yêu chuộng hòa bình!
Tâm Thanh
Xem thêm: