Đại Kỷ Nguyên

Đầu năm, ôn lại chuyện ‘chia tiền với bạn mù’ để ghi nhớ ‘Năm nay sẽ trao đi thật nhiều’

Đêm đã về khuya, trong cái lạnh se sẽ của Sài Gòn ngày trở gió, bên vệ đường, có đôi bạn đặc biệt đang ngồi cùng nhau sau buổi hát rong. Họ trò chuyện về buổi làm việc đêm giáp tết, về những mong muốn sắm một cái tết nhỏ cho gia đình. Thế rồi, người sáng mắt đưa cho người mù một xấp tiền, ông nói với bạn “Tiền của ông này, tôi chia đôi rồi đó”. 

Câu chuyện đáng quý này được một người dùng Facebook có tên Nguyễn Hà Lam (Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ trên trang cá nhân. Đây là câu chuyện mà anh đã tận mắt được chứng kiến vào đêm ngày 08 tháng 02 vừa qua, cũng là thời điểm chỉ còn hơn một tuần nữa là tới tết.

Đêm đó, trên đường trở về nhà vào gần 12 giờ khuya, trông thấy hai người đàn ông ngồi với nhau bên vệ đường, một người bị mù, còn một người sáng mắt đang trò chuyện. Đang thả bộ gần hai chú nên anh Lam nghe được một chút câu chuyện khuya của hai người.

“Hôm nay người ta đi nhậu nhiều ông ạ”.

“Ừ, gần Tết nên Tất niên vui vẻ”.

“Vui nên có mấy khách cũng cho sộp lắm”.

“Ừ, tôi cũng mong có kha khá mua mấy món Tết cho mấy đứa nhỏ”.

Trong chiếc mũ trong tay chú sáng mắt, anh Lam thấy những tờ tiền 2.000, 5.000, 10.000, 20.000 và thoảng có vài tờ 50.000 hay 100.000. Nhìn thấy chiếc đờn trên tay chú mù, anh phần nào đoán được nghề nghiệp của chú. Tò mò, anh lại gần hỏi thăm hai người. Trong khoảnh khắc cuối năm, con người cũng trở nên mở lòng hơn, quan tâm nhau hơn.

“Hai chú là anh em ạ?”, anh Lam hỏi.

“Không hai chú là bạn”, chú sáng mắt trả lời anh.

Hai người bạn già cùng nhau chia tiền ngày giáp Tết (Ảnh dẫn qua: Zing)

Và rồi, các chú kể cho anh Lam nghe câu chuyện cuộc đời mình, cũng chẳng có gì nhiều, chỉ một vài câu đơn sơ, nhưng cũng đủ để anh cảm nhận được cuộc sống của hai người. Các chú vừa “tan làm”. Đêm nào, chú sáng mắt cũng chở chú mù đi hát rong ở những quán nhậu. Chú mù bị tật nguyền từ nhỏ, nhưng chú không muốn để gia đình phải nuôi mình cả đời, mà ngồi không để xin tiền của người ta, chú cũng không làm được.

Gặng hỏi mãi anh Lam được biết, hai chú đã đi cùng nhau cả hai mươi năm rồi. Hai người là bạn, nên chú sáng mắt chở chú mù đi hát để kiếm cơm cũng chừng ấy năm, xưa trên chiếc xe đạp, nay trên chiếc xe máy này. Ban sáng, chú sáng mắt đi làm, còn ban đêm chú là đôi mắt, đôi chân cho ông bạn tật nguyền nhưng cái chí làm người có ích thì không sứt mẻ chút nào của mình.

Nhìn hai người bạn già, anh Lam lại tò mò, xin hỏi thêm về cách các chú chia tiền. Chú sáng mắt trả lời anh:

“Được nhiêu chia đôi, chú chịu tiền xăng”.

Tới đây, anh Lam chào hai chú để ra về, trời cũng đã khuya và cũng đã đến lúc tất cả trở về nhà. Anh chúc hai chú có một cái tết đầm ấm bên gia đình, và được nhận lại lời chúc tốt lành. Nhưng đó không phải là món quà lớn nhất anh nhận được.

Khi đi một quãng, ngoái đầu nhìn lại hai người bạn già, anh chợt nhận thấy một điều lạ thường. Chú sáng mắt khi ấy đang “chia tiền” với chú bị mù. Chú giúi vào tay bạn mình xấp tiền, đa số là tờ 100.000, 50.000, 20.000, còn giữ lại cho mình xấp tiền với những tờ tiền 10.000, 2000, 1000.

“Đây phần của ông đây, tôi đã chia đôi rồi đó”.

“Cám ơn ông, bao nhiêu năm ông đều giúp tôi đi và chia đều cho tôi”.

Hóa ra đâu phải “chia đều là phải bằng nhau”

Anh Hà Lam chia sẻ: Trên quãng đường về sau khi chứng kiến câu chuyện ấy, nước mắt cứ tự nhiên rơi trên má anh nóng hổi và trái tim dường như đập rộn ràng hơn. Bởi anh vừa may mắn được chứng kiến một câu chuyện ấm áp tình người. Những giọt nước mắt ngày cuối năm ấy là dành cho một niềm tin mà anh vừa tìm lại được giữa thực tại cuộc sống không mấy tươi đẹp này:

“Tôi nghĩ mình may mắn khi được chứng kiến câu chuyện cảm động. May mắn hơn nhận được điều gì khác vì lúc đó tôi đã nhận được niềm tin: Tin rằng cuộc sống xung quanh vẫn tràn đầy yêu thương khi sợi dây liên kết giữa mọi người ngày càng mong manh”.

Trong cuộc sống, tình người vẫn đong đầy (Ảnh minh họa: Crosswalk)

Sợi dây liên kết giữa con người đang bị rất nhiều những yếu tố của xã hội hiện đại cắt đứt từng chút một. Ham muốn vật chất, đam mê công nghệ hiện đại, đắm chìm trong thế giới ảo, tất cả những điều này đang khiến con người ta quên đi bản năng gốc của mình, đó là Thiện tâm, là trái tim yêu thương dành cho người khác.

Nhưng may mắn thay, trong cuộc sống vẫn còn những người như hai chú. Những con người có thể dành cả hai mươi năm cuộc đời và hơn thế nữa để vì nhau. Không phải tiền tài, cũng chẳng phải lợi danh đã nối kết họ, mà đơn giản là tấm lòng mà mỗi người dành cho người kia. Chú mù dành cho chú sáng mắt tất cả niềm tin, còn chú sáng mắt dành cho bạn mình trọn vẹn điều tốt nhất. Đó phải chăng cũng chính là cách mà hai người “chia đều” hạnh phúc trong suốt những tháng năm qua.

Năm mới rồi, cùng sống để trao đi…

Cuộc sống của chúng ta ngày càng khó khăn. Thân thể con người sống trong môi trường ngày càng ô nhiễm và tâm trí cũng đang bị những thông tin tiêu cực nhấn chìm. Đôi khi mở mắt ra vào buổi sớm, bạn cảm thấy cuộc đời chỉ toàn một màu mây xám. Những câu chuyện như của hai người bạn này chính là “tờ giấy nhớ” mà Cuộc sống trao vào tay mỗi người. Trên đó ghi rằng: “Bên ngoài kia còn rất nhiều người cần đến bạn, cần đến đôi mắt cảm thông, đôi tai lắng nghe và trái tim muốn được sẻ chia của bạn”.

Năm mới này là để sống và trao đi thật nhiều … (Ảnh minh họa: The Irish Times)

Vậy thì năm mới này, tại sao chúng ta không chọn cho mình tâm thái:

Tôi sẽ đặt yêu thương của mình vào mỗi lời tôi nói và mỗi việc tôi làm cho những người đang hiện hữu trong cuộc sống của mình.

Giống như chú sáng mắt và chú bị mù, chúng ta sẽ thấy cõi lòng thật thênh thang khi biết mình có thể làm điều gì đó để cuộc sống của người khác trở nên ý nghĩa và hạnh phúc hơn.

Hải Đường

Exit mobile version