Đại Kỷ Nguyên

Dạy con nghe lời 100% tưởng là tốt, 20 năm sau mới biết quá sai lầm

Hầu hết các bậc cha mẹ đều nghĩ rằng con cái quá non trẻ, ít va chạm, chưa trưởng thành, vả lại chính mình đã dứt ruột sinh ra…

Do đó, họ thường hay áp đặt con cái phải nghe theo, không được phép biểu đạt bất kỳ ý kiến gì. Nếu phản đối lời nói hay quan điểm của cha mẹ, thì con cái sẽ là hư hỏng, bất hiếu… Vậy điều này có hoàn toàn là đúng?

Trên thực tế, việc đứa trẻ biết cư xử tốt hay không sẽ giúp chúng tự tin hơn, sáng tạo hơn, có lập trường và kỹ năng làm việc nhóm tốt.

Chuyên gia người Đức Angelika Fasiboshi khẳng định: “Đối với trẻ con, biết cách tranh luận với cha mẹ là một bước quan trọng trên con đường trưởng thành”.

Chúng ta hãy cùng xem 7 ưu điểm dưới đây ở những đứa trẻ “biết tranh luận”:

1. Nhận biết được khả năng của mình tới đâu

Khi tranh luận với cha mẹ, trẻ có thể học được cách tự đánh giá chính mình, giúp chúng biết khả năng và giới hạn của bản thân.

2. Hình thành lối suy nghĩ độc lập của riêng mình

Sau cuộc tranh luận, nếu chiếm phần ưu thế, con cái sẽ nhận thấy cha mẹ không phải luôn luôn đúng. Từ đó, chúng sẽ hình thành suy nghĩ của riêng mình.

3. Học cách đối mặt với xung đột

Ở trường hay ở nơi làm việc, những cuộc tranh luận hoặc sự mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Sẽ tốt hơn nếu những đứa trẻ có thể học nghệ thuật phản biện đầy thuyết phục từ nhỏ.

4. Thể hiện tình yêu, sự quan tâm

Tranh luận là thể hiện ngụ ý: “Bạn là người quan trọng với tôi”. Nếu một người không bao giờ được đáp lời lại, điều này có nghĩa chẳng có ai thèm quan tâm đến họ.

Nhưng nếu con cái không ngừng cãi lời, tức giận, thiếu lý trí, hơn nữa lại không hề lễ phép, lúc này cha mẹ không cần đáp lại. Hãy để con cái tự nhận ra lỗi lầm của mình. Tất nhiên ban đầu thì phải nhắc nhở rồi.

5. Tăng thông minh, trí tuệ và sự tự tin

Khi phản biện, đứa trẻ có tư tưởng của bản thân. Do đó, khả năng phân tích, đánh giá của chúng sẽ phát triển. Mà tư duy phân tích có lợi cho sự thông minh của đứa trẻ.

Vậy nên, cha mẹ có con hay cãi lại thì trước tiên không nên tức giận. Hãy nhớ rằng điều này có thể giúp con cái thông minh hơn.

6. Phát triển khả năng ngôn ngữ và tư duy logic

Khi nói lại, trẻ phải sử dụng từ vựng để bày tỏ quan điểm và ý kiến. Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc đứa trẻ phản biện cha mẹ, đó là, khả năng ngôn ngữ của chúng đang tiến bộ và phát triển. Ngoài ra, chúng cần lập luận tốt. Như vậy, tư duy logic của chúng sẽ tiến bộ nhanh chóng.

7. Có lập trường và diễn đạt tốt

Không phải phần đúng lúc nào cũng thuộc về cha mẹ. Cha mẹ cũng có những sai lầm nhất định. Cho nên, con trẻ khi không có cùng tư tưởng sẽ “cãi lời”. Cha mẹ đừng vội trách cứ. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn để nghe chúng nói hết.

Những đứa trẻ như vậy thường có lập trường và giỏi diễn đạt ý kiến của mình. Khi này, cha mẹ nên nghiêm túc đối đãi về ý kiến của con.

Nhìn chung, mỗi khi thấy con trẻ nói lại, hơn nữa có sức thuyết phục, chúng ta không nên xem chúng quá vô lễ hay không kính trọng người khác. Những cha mẹ thông minh thường mở lòng lắng nghe ý kiến, khuyến khích con có lập trường đúng đắn, thay vì nuôi dưỡng một chú cừu ngoan ngoãn, chỉ biết nói “vâng ạ”.

Thiết nghĩ, cha mẹ là người quan trọng trong việc định hình tính cách của con cái. Khi dạy dỗ con cái, cha mẹ cần lý trí, không nên quá áp đặt mọi tư tưởng của mình lên chúng. Ngoài việc dạy con trở thành một người tốt. Cha mẹ nên giúp con cái phát triển khả năng sáng tạo, lối nghĩ độc lập, tư duy phân tích đánh giá và nghệ thuật phản biện ngay từ nhỏ.

Hướng Dương

Xem thêm:

Exit mobile version