Có rất nhiều bậc phụ huynh thường hay nổi nóng khi giáo dục con cái, nếu đứa trẻ không nghe lời thì sẽ càng giận dữ hơn nữa… nhưng bạn có biết, chỉ cần giận dữ, nổi xung 3 phần sẽ mang lại 7 phần tác hại cho cuộc sống của con không?
Ba phần giận giữ của cha mẹ, làm đứa bé nghi ngờ bản thân không được yêu thương
Có một lần bạn tôi mang theo cậu con trai 6 tuổi của cô ấy tới nhà tôi chơi. Tôi nghe nói cô bạn tôi đã bỏ tiền ra để đăng ký một khóa học tiếng anh quốc tế cho con. Đây là số tiền không nhỏ đối với thu nhập của gia đình cô ấy, vì con cô ấy không tiếc một điều gì cả. Tôi cúi xuống, hỏi cậu bé với một vẻ thán phục: “Con có cảm thấy rằng ba mẹ con rất yêu con không?” Ai ngờ rằng cậu bé nói một cách sợ hãi: “Dạ, chắc có lẽ là bố mẹ con rất yêu con ạ...” Tôi trêu trọc cậu bé: “Không phải là có lẽ rất yêu con, mà là thật sự rất yêu con mới đúng!” Chẳng ngờ cậu bé lại ngước đôi mắt ngây thơ nhìn tôi, lắc đầu nguây nguẩy: “Kiểu giận dữ của họ đối với con như thế nào, cô không nhìn thấy đâu…” tiếng nói tuy nhỏ, nhưng từng chữ, từng chữ đều rất rõ ràng, khiến mẹ cậu bé có đôi chút xấu hổ.
Ảnh minh họa
Ba phần nóng tính của cha mẹ làm con cái trở nên tự ti
Có một lần tôi và mấy người thân tụ tập tổ chức gặp mặt ăn uống, khi mọi người đang ăn uống nói chuyện rất vui vẻ thì có một người mẹ trẻ không cẩn thận chạm vào bát canh nóng trước mặt, khiến nước canh làm ướt một mảng lớn trên cái áo cô ấy đang mặc. Cô ấy cuống quýt dùng hết giấy ăn để lau và thấm nước, những đứa trẻ đang chơi đùa ở đó cũng ngừng việc chạy nhảy chơi đùa. Tuy nhiên, bỗng dưng đứa con gái của cô ấy chạy ra cái thùng ở phía bên ngoài sảnh, cô ấy nhìn thấy liền hét lớn: “Cầm, quay lại! Con không nhìn thấy quần áo mẹ bị ướt à, con còn chạy lung tung, không để mẹ bớt lo hơn một chút cho con sao!”
Đứa trẻ 5 tuổi nói một cách ấp úng đầy lo lắng: “Con muốn tìm nhân viên phục vụ… mang giấy ăn đến cho mẹ.” Ban đầu người mẹ do tức giận vì bộ quần áo đẹp của mình bị ướt nên muốn trút cơn giận lên con, nhưng không ngờ đứa con lại có hành động tình cảm như vậy, làm các bậc phụ huynh ở đó đều rất xúc động.
Người mẹ này có đôi chút xấu hổ liền hơi cúi đầu xuống, sau đó bữa tiệc vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng cô bé tên Cầm đó cứ ngồi mãi trong góc, không chơi đùa vui vẻ như ban đầu nữa. Cô bé nhất định sẽ rất xấu hổ và có điều không lý giải nổi: rõ ràng bản thân muốn giúp mẹ, tại sao lại còn bị mẹ mắng?
Có rất nhiều chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống, là con cái muốn biểu hiện thành ý của mình cho cha mẹ, nhưng lại bị cha mẹ hiểu lầm. Chúng ta không những không biểu dương sự quan tâm đó của con, ngược lại còn hiểu lầm con, giận dữ nổi cáu với con: “Này, con rót nước đầy đến mức sắp tràn hết ra ngoài rồi, mắt con nhìn đi đâu vậy hả?”, “Bảo con hôm nay ăn hết chỗ dâu tây này đi, sao lại không nghe lời, mẹ mua đắt như vậy, mà con lại lãng phí thế là sao?”
Mỗi khi gặp phải tình huống này, có lẽ chúng ta nên suy nghĩ thấu đáo hơn một chút, có thể con trẻ cảm nhận được sự mệt mỏi của mẹ, muốn rót cho mẹ ly nước, bởi sức yếu nên cầm bình nước không chắc; có thể con biết dâu tây rất ngon, vì vậy muốn để giành cho mẹ một chút, không ngờ kết quả lại bị mẹ trách mắng…
Kỳ thực không chỉ các bậc cha mẹ là hết mực yêu thương con của mình, mà con cái cũng đồng thời rất yêu mến cha mẹ mình, chúng muốn làm điều gì đó để cha mẹ cảm thấy vui lòng. Đối với mỗi đứa trẻ, tình yêu thương chính là nụ cười hiền dịu ấm áp của cha mẹ, thế nên chẳng trách khuôn mặt khó chịu của bố mẹ sẽ làm cho trẻ không khỏi cảm thấy rằng cha mẹ không hề yêu chúng.
Vì vậy, chỉ vì sự cáu kỉnh của bố mẹ, sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy chúng làm gì cũng không tốt, càng ngày càng tự ti, bạn thì càng trách móc chúng làm việc gì cũng không nên. Nếu vậy, rốt cục là có bao nhiêu tài năng trẻ vì vậy mà cả đời đều sợ hãi, làm việc gì cũng không thành?
Ảnh: thông qua Shutterstock.com
Ba phần tức giận của cha mẹ, làm quan hệ tình thân càng dần trở nên xa cách
Trên thế giới này tình cảm gia đình vốn là thứ tình cảm ấm áp nhất, an toàn nhất, nhưng có những bậc cha mẹ chỉ vì tính cách nóng nảy của mình đã làm cho khoảng cách giữa bản thân và con cái càng trở nên xa hơn.
Tôi có một người bạn là một người phụ nữ mạnh mẽ, ở cơ quan cô ấy là một vị lãnh đạo nói một là một hai là hai, năng lực rất lớn, tính cách cũng rất nóng nảy, nhân viên ở bộ phận cô ấy quản lý cũng thường bị cô ấy phê bình.
Nhưng khi về tới nhà đối diện với con cái, cô ấy vẫn dùng phương pháp như ở cơ quan: hy vọng thông qua việc bản thân nổi giận, sẽ giúp con làm được mọi việc tốt hơn. Kết quả vì không thể mãi chịu đựng được nét mặt luôn khó chịu của mẹ, đứa con 10 tuổi của cô ấy đã để lại một bức thư và bỏ ra khỏi nhà! Trong thư chỉ vỏn vẹn một câu: “Con không phải là nhân viên của mẹ, con không về nữa đâu, mẹ đừng tìm con”.
Điều này làm cô ấy càng trở nên điên cuồng, tức tối hơn nữa, nhanh chóng nhờ cảnh sát hỗ trợ tìm kiếm. Ba ngày sau ở một quán internet tại một góc phố nhỏ, cô ấy đã tìm thấy thằng bé với dáng vẻ tiều tụy. Cô ấy vừa tức giận lại vừa đau lòng muốn đưa con về, nhưng thằng bé từ chối và kiên quyết không theo cô ấy về, còn nói thà cậu ta chết đói chết khát trong quán cũng không trở về. Mãi sau đó nhờ tới sự giúp đỡ của cảnh sát, cô ấy mới đưa được con trai về nhà.
Về nhà cô ấy lại oán trách người chồng trước của mình nhẫn tâm ly hôn, bỏ lại hai mẹ con họ, cũng thường trách móc con sắp vào trung học rồi vẫn không biết tự lo cho bản thân, làm cậu bé cảm thấy rất tủi thân và vô dụng. Nhưng cô ấy không thử nghĩ xem, một bậc phụ huynh mà bản thân luôn cáu gắt nóng giận, không nói được lời nào nhẹ nhàng, có thể nuôi dưỡng con mình thành một người con trai biết quan tâm, yêu thương và chăm sóc người khác hay không?
Ảnh: thông qua yêu trẻ thơ
Sự nóng tính của cha mẹ sẽ càng làm con dễ nổi loạn
Khi tôi còn học trung học, có một lần giáo viên chủ nhiệm lớp tôi chia sẻ rằng, con cô rất cứng đầu, thật giống hệt như mấy đứa trẻ không được giáo dục dạy bảo. Cô nói, có một lần cô nổi cáu mắng con, con trừng mắt nhìn lại cô; cô rất tức giận, liền phạt con ngồi trên giường và hỏi nó, là nó làm sai hay đúng, đứa trẻ vẫn quay đầu lại trừng mắt lên lườm cô.
Cô hết cách với đứa bé, liền hét lên với con: “Con không thể làm mẹ vui một chút được sao?“, thì con cô hét lớn và trả lời: “Con không biết làm sao để mẹ vui, mà chỉ biết làm như thế nào để mẹ không vui!”, lúc đó cô cảm giác tức đến trào máu.
Sau này lớn lên, lấy chồng và trở thành một người mẹ, hồi tưởng về đứa trẻ đó, mới cảm nhận được cảm giác tức ói máu nó là như thế nào, nên chắc chắn lúc đó cô giáo tôi cũng khó mà bỏ qua được.
Những đứa trẻ nổi loạn, thường sẽ làm ra rất nhiều sự việc mà các bậc phụ huynh và ngay cả đến bản thân chúng sau này đều hối hận. Ví dụ: bạn càng bảo chúng cố gắng học hành chăm chỉ, chúng càng học hành ba lăng nhăng; bạn càng muốn quản lý chúng, chúng càng cố tình làm mưa làm gió; bạn càng muốn chúng đi về phía đông, chúng lại ngược lại đi về phía tây! Kết quả là kết quả học hành không tốt, còn hình thành tính cách và thói quen xấu, làm việc gì trong xã hội đều gặp khó khăn và khó thành công. Có rất nhiều người bạn của tôi từng ca thán, giá như ngày trước bản thân không đối đầu với mẹ thì tốt biết mấy, nhưng lúc đó họ chỉ là những đứa trẻ, tính thính nổi loạn là việc không thể tránh khỏi.
Chính vì vậy các chuyên gia mới khuyên rằng: Khi trẻ trong giai đoạn dậy thì, các bậc cha mẹ hãy cố gắng kìm chế sự nóng giận của mình, cho dù bạn đang ở thời kỳ mãn kinh. Bởi vì ba phần nóng tính của bạn, không những làm tổn hại tới sức khỏe của bản thân, mà còn làm con bạn nổi loạn, đi lệch khỏi quỹ đạo, bỏ lỡ mất cuộc sống tốt đẹp sau này của mình.
Ảnh: thông qua kodomone.net
Các chuyên gia giáo dục cho rằng: Sự nghèo túng không phải là nguyên nhân dẫn tới sự thất bại trong việc giáo dục con cái, nhưng sự khủng hoảng về tinh thần có thể tạo thành một đứa trẻ có vấn đề.
Làm cho cuộc sống và tinh thần của con ở trong khủng hoảng, chính là đeo cho chúng xiềng xích đau khổ cả cuộc đời. Nóng tính làm tổn thương tới sức khỏe của bản thân, càng làm tổn thương tới cuộc sống và trái tim non nớt của con trẻ!
Môi trường sống như thế nào, sẽ tạo ra đứa trẻ như thế. Những bậc cha mẹ nóng nảy, sẽ giáo dục ra những đứa trẻ dễ nổi loạn, nhạy cảm, dễ bị tổn thương lại hiếu chiến, sau khi con trưởng thành cũng sẽ nóng nảy, khắc nghiệt, đa nghi, làm người khác khó có thể tiếp xúc lại gần.
Thế nên hãy thay đổi tính khí của bản thân bạn vì con, có lẽ bây giờ vẫn chưa quá muộn để học cách kìm chế cảm xúc của mình. Bàn về việc làm thế nào có thể điều chỉnh cảm xúc trong cuộc sống, các nghiên cứu tâm lý học phát hiện rằng:
1. “Việc bộc lộ cảm xúc, sẽ làm cho cảm xúc càng được tăng cường. Người có thể khống chế cảm xúc, sẽ làm cho cảm xúc bị yếu đi.”
Điều này minh chứng rằng, cảm xúc của con người có sự tác động tương hỗ lẫn nhau, những cảm xúc được phát ra đều có thể hồi phục trở lại và mỗi lần phục hồi lại sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Vì vậy chúng ta cần phải cảm xúc quản lý của mình thật tốt, dùng các phương pháp khác nhau để vô hiệu hóa sự nóng nảy của mình. Khi thấy con làm việc sai, đừng tức giận mà hãy nhớ rằng chúng vẫn chỉ là một đứa trẻ, có rất nhiều việc chưa biết, là việc lần đầu tiên trải qua.
Hãy để ý đến lời nói của bạn, xem đó có phải là cách diễn đạt tốt nhất không? Xem xem những lời đó có thể giúp con vừa học được đạo lý lại hiểu rằng cha mẹ yêu thương chúng như thế nào hay không?
2. Chỉ khi trong tâm tràn đầy tình yêu thương và sự ấm áp mới không dễ nổi giận
Tức giận giống như một bát nước đầy, cho dù có bỏ thêm gì vào đó nước cũng sẽ tràn đầy ra ngoài. Nếu trong đầu cha mẹ chỉ có sự tức giận, thì bất kỳ hành vi nào của con cái cũng đều sẽ có thể trở thành mồi lửa nhen nhóm cơn tức giận đó.
Muốn có tính khí tốt, trong tâm trí cha mẹ cần tràn ngập tình yêu thương và sự ấm áp, có như thế, khi thấy con làm việc sai mới có thể không nổi trận lôi đình. Làm như vậy vừa có hiệu quả cao, lại vừa xây dựng được quan hệ gia đình tốt đẹp, con cái sẽ càng tin tưởng cha mẹ mình hơn.
3. Phương pháp nuôi dưỡng con cái thành tài có hàng nghìn loại khác nhau, nhưng hủy hoại tương lai của con trẻ chỉ cần sự cáu giận của cha mẹ.
Con trẻ là sự nối dài sinh mệnh của cha mẹ, là hi vọng của cả gia đình. Hi vọng rằng mỗi bậc làm cha làm mẹ đều có thể sửa chữa tốt những tâm tính của mình, cho con một gia đình tràn đầy tình yêu thương ấm áp, một cuộc sống hoàn mỹ tốt đẹp!
Kiên Định
Xem thêm: