Đại Kỷ Nguyên

Đây là cách giúp bạn tốn ít tiền nhất cho đồ ăn thức uống mà vẫn có ‘cơm dẻo canh ngọt’

Giá cả các hàng hóa ngày càng tăng cao. Trong khi đó, bạn đang cần thực hành tiết kiệm để chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơi và quan trọng của cá nhân. Giải pháp nào có thể nâng cao hiệu quả cho việc tiết kiệm chi tiêu? Câu trả lời rất đơn giản, nó nằm trong chính hành động hàng ngày của chúng ta. 

Chúng ta thường nghĩ “tiết kiệm” liên quan nhiều đến vấn đề tài chính, các khoản lương, thưởng và những chú heo đất hay sổ tiết kiệm theo kỳ hạn. Tuy nhiên, cách thức bạn chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày cũng là một cách tiết kiệm hiệu quả mà ít người chú ý. Đặc biệt, lĩnh vực bạn có thể thoải mái “liệu cơm gắp mắm” chính là “đồ ăn thức uống”. Hãy tham khảo một vài những phương pháp sắp xếp công việc ăn uống hàng ngày dưới đây. Rất có thể bạn sẽ khám phá ra những chỗ “gây rò rỉ” ngân sách của mình, từ đó, tìm được cách thức chi tiêu hiệu quả và tiết kiệm hơn.

1. Lên thực đơn cho cả tuần ăn

Đây là cách thức lên kế hoạch và tổ chức bữa ăn mà người dân các nước phương Tây thường xuyên áp dụng. Không có chợ cóc như ở Viêt Nam, người dân ở những nước này thường phải đi siêu thị mua đồ cho cả tuần lễ. Lên thực đơn cho các món ăn trong tuần sẽ giúp họ biết được những thứ cần mua, tránh được tình trạng nhìn thấy đồ khuyến mãi là mua hay mua theo sở thích nhất thời. Đồng thời, khi lên thực đơn, người nội trợ có thể sắp xếp các món ăn sao cho tận dụng được tối đa nguyên liệu mua về.

Lên thực đơn cho tuần. (Ảnh dẫn qua: webnuoicon)

Đối với người Việt, việc đi chợ hàng ngày đã trở thành thói quen nhưng không vì thế mà công việc này mất đi sức mạnh của nó. Khi lên thực đơn cho một tuần, các bà nội trợ sẽ thấy được những nguyên liệu nào có thể mua và tích trữ sẵn như các loại thịt, cá, trứng, các loại củ. Việc mua số lượng lớn và tập trung luôn rẻ hơn so với việc mua lẻ từng bữa.

Riêng với các loại rau lá xanh, việc mua hàng ngày vẫn đảm bảo được độ tươi ngon nhất. Nếu bạn lo lắng về chất lượng của các sản phẩm mua trước, việc bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh sẽ giúp giữ thực phẩm an toàn. Và bạn hoàn toàn có thể sắp xếp nấu một bữa ăn “cải thiện” vào cuối tuần với tất cả những nguyên liệu tươi ngon.

2. Mang cơm trưa đến văn phòng

Hiện nay để có một bữa cơm trưa đầy đủ và hợp khẩu vị, bạn sẽ phải tiêu tốn từ 35 đến 50 nghìn đồng. Vậy, tự chuẩn bị cơm trưa là một giải pháp thay thế hữu hiệu. Ban đầu, bạn có thể cảm thấy việc này khá lích kích lại không thể cùng ăn với đồng nghiệp. Vậy, hãy thử rủ các chị em cùng văn phòng của mình mang cơm đến. Chỉ cần một chiếc cặp lồng điện hoặc một chiếc lò vi sóng là cả phòng có thể cùng ăn và tiết kiệm được khá nhiều tiền.

Mang cơm hộp không đồng nghĩa với nói lời tạm biệt với những món ăn “đổi gió”. Bạn vẫn có thể lên lịch trước những bữa ăn trưa cùng bạn bè, đồng nghiệp ở bên ngoài. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm không chỉ tiền bạc mà còn cả thời gian để có thể chợp mắt tại văn phòng.

Bento, nghệ thuật làm cơn trưa đáng học hỏi của người Nhật (Ảnh dẫn qua: Pinterest)

Nếu còn lúng túng trong việc chuẩn bị cơm hộp, bạn hoàn toàn có thể học hỏi nghệ thuật làm cơm Bento của người Nhật. Chắc hẳn bạn cũng đồng ý rằng Nhật Bản là một trong những đất nước trân trọng thời gian nhất, vậy nên họ sẽ biết cách chế biến và kết hợp các món ăn đơn giản nhưng vẫn đảm bảo được sự đẹp mắt, ngon miệng và cân bằng.

3. Sắp xếp tủ lạnh

Một chiếc tủ lạnh với đầy những thứ đồ ăn còn dở, những chai lọ và những túi ny lông không chỉ là một mối nguy cho sức khỏe. Nó còn trực tiếp đe dọa đến túi tiền của bạn. Bạn tự hỏi vì sao?

Một chiếc tủ lạnh gọn gàng cũng giúp bạn chi tiêu hiệu quả hơn. (Ảnh dẫn qua: bioalaune)

Sự lộn xộn khiến bạn mất kiểm soát với những nguyên liệu mà mình đang có, bạn không nắm được những gì còn lại, gần hết và cần mua ngay. Vì thế tỉ lệ mua nguyên liệu vẫn còn trong tủ lạnh là rất cao. Điều này dẫn đến việc phần nguyên liệu dư ra do không dùng hết sớm muộn sẽ ở trong thùng rác. Tủ lạnh gọn gàng và thói quen kiểm tra tủ lạnh trước khi mua sắm sẽ giúp tránh được sự lãng phí này.

Tránh được lãng phí chính là chúng ta đang tiết kiệm cho chính mình.

4. Tận dụng thức ăn thừa

Nếu bạn là một người nội trợ trẻ tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm, việc xuất hiện đồ ăn thừa sau bữa ăn là một điều khó tránh khỏi. Thông thường, nhiều người sẽ bỏ những đồ ăn này đi với lý do thức ăn để lâu sẽ biến chất và gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc bỏ đồ ăn thừa lại gây ra những lãng phí rất lớn.

Cơm rang, một trong những món ăn có thể tận dụng đồ ăn thừa hiệu quả (Ảnh dẫn qua: webtretho)

Hãy thử tận dụng những đồ ăn này vào ngay ngày hôm sau nhưng theo một cách hoàn toàn mới. Ví dụ, bữa tối của bạn còn lại một chút thịt, một chút rau. Chúng hoàn toàn có thể trở thành nguyên liệu cho món cơm rang cùng canh rau cho bạn vào sáng hôm sau.

Tận dụng sự sáng tạo của mình sẽ giúp bạn xóa bỏ cảm giác “ăn mãi một món” và “mùi tủ lạnh khó chịu”.

Thêm một mẹo nhỏ nữa, nếu trong nhà có một ngăn đá lớn, và đồ ăn còn thừa với số lượng nhiều, bạn có thể cất chỗ thức ăn này vào tủ đá và một thời gian sau mang ra chế biến lại. Đồ ăn sẽ ngon, không gây ngán và không bị biến chất.

5. Hạn chế mua thức uống bên ngoài

Đối với những người có niềm đam mê đặc biệt với đồ uống, chi phí cho cà phê, sinh tố cũng chiếm một khoản kha khá trong ngân sách. Để có thể tiết kiệm, bạn có thể tự hoc cách pha chế đồ uống tại nhà để phục vụ cho nhu cầu của chính mình. Hiện tại, việc tìm kiếm công thức, cách làm trên Internet rất đơn giản. Hơn thế nữa, các trang mạng xã hội như Instagram, Pinterest đều là những kho ý tưởng khổng lồ để bạn có thể học hỏi và sáng tạo.

Bạn có muốn làm được một bát sinh tố đẹp mắt và ngon lành như thế này? (Ảnh dẫn qua: Instagram)

Nếu có đủ niềm đam mê cùng sự kiên nhẫn, biết đâu bạn sẽ khám phá ra mình cũng có năng khiếu trong việc pha chế và thiết kế đồ uống. Từ đó, có thể tự tin mời bạn bè cùng tới thưởng thức những sáng tạo của mình.

6. Đã lâu rồi chúng ta quên mất những bữa ăn cùng nhau tự nấu

Hiện nay, các quán ăn và nhà hàng mọc lên như nấm sau mưa, chúng ta đang dần quên đi những buổi tụ tập bạn bè cùng nhau tự nấu nướng và thưởng thức.

Thêm vào đó, tính lười biếng, ngại nấu nướng và dọn dẹp cũng đang khiến chúng ta tốn nhiều tiền hơn cho việc ăn uống.

Khi ra nhà hàng, ngoài những chi phí cho nguyên liệu, bạn sẽ phải trả thêm cho chủ cửa hàng rất nhiều các khoản phí khác: phí chỗ ngồi, phí dọn dẹp, tiền công cho nhân viên. Số tiền này sẽ trở thành một khoản chi tiêu lớn nếu bạn thường xuyên tụ họp bạn bè.

Bạn còn nhớ không khí vui vẻ và ấm cúng này? (Ảnh dẫn qua: giadinhvietnam)

Vậy nên, dành ra một ngày chủ nhật để cùng đi chợ, nấu ăn sẽ giúp bạn không chỉ tiết kiệm được một khoản kha khá, mà còn giúp bạn tạo được một bầu không khí giao lưu bạn bè ấm áp, chân thành. Khoảng thời gian nấu nướng cũng sẽ “tặng thêm” cho bạn thời gian để chuyện trò và lắng nghe bạn bè mình. Còn về nỗi lo “ai sẽ rửa chỗ bát đũa này?”, hãy thử phương pháp truyền thống “mỗi người một chân một tay”, bạn sẽ bất ngờ khi thấy công việc sẽ rất nhanh chóng được thu xếp ổn thỏa.

Hải Lam

Exit mobile version