Đại Kỷ Nguyên

Đến thăm ngọn núi Rushmore – Chứng nhân của lịch sử, biểu tượng của tinh thần Mỹ

Lần đầu tiên đến với tiểu bang Nam Dakota, du khách chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên và thích thú khi nhìn thấy một ngọn núi đá hoa cương thấp thoáng qua những tán thông xanh mượt nhuộm sắc nắng. Đặc biệt hơn, ngọn núi đá này là một tác phẩm nghệ thuật công phu biểu tượng cho lịch sử nước Mỹ và những giá trị mà quốc gia này luôn hướng tới.

Quần thể tượng đá lung linh dưới ánh trăng. (Dẫn ảnh: Nuocmy.org)

Đó chính là Khu tưởng niệm Quốc gia nằm trên núi Rushmore, nơi mà bức tượng bốn vị tổng thống kiệt xuất của Hoa Kỳ được tạc vào vách núi. Mỗi khuôn mặt các vị tổng thống có chiều cao tương đương với một ngôi nhà 3 tầng (18m) và chỉ riêng sống mũi thôi cũng đã dài 6m.

Vào buổi sáng sớm, khi ánh nắng ban mai đầu tiên từ phía đông nam chiếu rọi quần thể tượng đá, dường như thổi hồn cho từng ánh mắt của các vị Tổng thống. Họ từng là những người lãnh đạo dẫn dắt nhân dân Mỹ vượt qua những thời khắc khó khăn nhất.

Những khuôn mặt lấp ló dưới tán thông trong một ngày đầy nắng. (Dẫn ảnh: Little Lake County)

Gương mặt đầu tiên trên vách đá là George Washington – tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, được hoàn tất vào năm 1934 với nét mặt quý phái và trầm tĩnh. Tổng thống Washington được ghi nhận bởi công lao to lớn trong việc khai sinh ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, và cũng người có công lớn trong việc đấu tranh giành độc lập cho nước Mỹ.

George Washington – tổng thống đầu tiên của nước Mỹ (Dẫn ảnh: Image Mag)

Vào năm 1936, gương mặt thứ hai xuất hiện cạnh gương mặt của Washington – đó là Tổng thống thứ ba: Thomas Jefferson – Bức tượng của ông với đôi mắt hướng tới tương lai có lẽ bởi vì ông chính là người đã chấp bút bản “Tuyên ngôn độc lập” nổi tiếng của nước Mỹ vào năm 1776. Ông còn được ghi nhận bởi công lao mở mang bờ cõi và lãnh thổ Hoa Kỳ.

Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, Thomas Jefferson. (Dẫn ảnh: Pinterest)

Người thứ ba được lựa chọn để tạc tượng là Tổng thống Abraham Lincoln, người đàn ông sở hữu vẻ mặt nhân từ nhưng cũng đầy cương quyết. Ông là tổng thống thứ 16 của nước Mỹ. Ông tượng trưng cho sự đoàn kết thống nhất của liên bang cũng như tinh thần dân chủ và đấu tranh cho sự bình đẳng trong xã hội. Lincoln đã kết thúc cuộc nội chiến dai dẳng giữa hai miền Nam Bắc, đồng thời đặt dấu chấm hết cho chế độ nô lệ tại Mỹ. Bức tượng này được hoàn thành vào năm 1937 và nằm ngoài cùng bên phải.

Khuôn mặt đầy nhân từ của Tổng thống Lincoln (Dẫn ảnh: triptosicily)

Người cuối cùng trong bốn tổng thống được tạc là Theodore Roosevelt, ông được mô tả với nét mặt ôn hòa và lông mày hơi nhíu lại đầy vẻ suy tư. Roosevelt là người đã giúp nâng cao vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế trong thế kỷ 20. Ông cũng nổi tiếng vì đã đứng về phía quyền lợi của nhân dân, thiên nhiên cũng như môi trường trong thời gian tại vị.

Ngài Roosevelt với gọng kính nổi tiếng của mình. (Dẫn ảnh: budane.net)

Bốn vị Tổng thống, bốn con người kiệt xuất của nước Mỹ, từ George Washington cho đến tổng thống thứ 26 – Theodore Roosevelt, họ được coi là biểu tượng vĩnh cửu cho những giá trị nền tảng của nước Mỹ: Tự do và độc lập, dân chủ và nhân quyền.

Đường vào khu tưởng niệm. (Dẫn ảnh: kimdunghn)
Tượng bốn vị Tổng thống lúc còn là bản mẫu, được đặt tại Bảo tàng trong khu tưởng niệm dưới chân núi Rushmore. (Dẫn ảnh: Kenh14)

Người có công lớn trong việc xây dựng công trình đặc biệt trên núi Rushmore là cha con nhà điêu khắc nổi tiếng của Mỹ: Gutzon Borglum và Lincoln Borglum. Với mong muốn truyền tải giá trị của tác phẩm và tinh thần nước Mỹ cho thế hệ tương lai, những người xây dựng nên nó đã thiết kế một căn hầm nhỏ phía sau những bức tượng. Vào năm 9/8/1998, bốn thế hệ của gia đình ông đã tập hợp được trong căn hầm 16 bản sứ các văn bản như Tuyên ngôn Độc lập, tiểu sử nhà điêu khắc và công trình chính của ông, lịch sử xây dựng đài tưởng niệm và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Căn hầm ở phía sau những bức tượng. (Dẫn ảnh: Elzo Meridiano)

Tất cả được đặt trong một hộp gỗ tếch và phủ titanium, người ta chôn chúng xuống đất và đặt dưới một tấm đá granite đen nặng 545 kg có trích dẫn câu nói của Borglum năm 1930, khi hoàn thành phần tượng Washington.

Tượng đài tưởng niệm nhà điêu khắc Gutzon Borglum – cha đẻ của công trình vĩ đại này. (Dẫn ảnh: Kenh14.vn)

“Trong căn phòng này chứa đựng những tài liệu mà chúng ta khao khát, nó lưu giữ những gì chúng ta đã đạt được. 

Và trên các bức tường của căn phòng đó phải có một phần những tài liệu định nghĩa về nền cộng hòa của chúng ta; những thành tựu; hồ sơ quá trình mở rộng về phía Tây đến Thái Bình Dương; những vị tổng thống và cách mà công trình tưởng niệm này được xây dựng”.

Anh Lân

Exit mobile version