Nhiều người nghĩ rằng vợ chồng sống không hợp sẽ dẫn đến kết cục ly hôn. Tuy nhiên, cặp vợ chồng già trong bài viết này lại khác. Mặc dù cãi vã mỗi ngày vì những điều nhỏ nhặt nhưng họ vẫn có thể nắm tay nhau đi đến cuối con đường; hơn thế nữa, họ còn cảm nhận được sự lãng mạn tột cùng của tình yêu.
Một đôi vợ chồng già sống với nhau gần trọn cuộc đời nhưng thường hay cãi vã vì những chuyện nhỏ nhặt. Bà là người ưa sạch sẽ nhưng người chồng lại luộm thuộm bẩn thỉu, không thích làm việc nhà. Bà vẫn thường mắng ông ở bẩn, lười biếng và hôi thối. Mặc dù bà đã dùng hết những lời khó nghe để cằn nhằn ông nhưng chồng bà vẫn không có chút thay đổi. Những tưởng họ sẽ chia tay vì cuộc sống không hòa hợp, nhưng thật kỳ lạ, họ vẫn chịu đựng và sống cùng nhau đến mấy chục năm.
Vào ngày thứ 2 sau lễ kỷ niệm đám cưới bạc của họ, cụ bà đột nhiên phải nhập viện và được bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng parkinson. Các con của họ khuyên cha đưa mẹ vào viện dưỡng lão bởi vì họ nhìn thấy mẹ đã phải chăm cha suốt cả quãng thời gian dài. Các con của cụ nghĩ rằng, ngay cả việc vệ sinh sạch sẽ cho bản thân người cha còn không muốn làm thì sao có thể chăm sóc cho người bệnh. Nhưng thật không ngờ, người cha đã quyết định đưa vợ ra khỏi viện dưỡng lão và đem về nhà chăm nom.
Nhiều năm trôi qua, khách đến nhà chơi không khỏi kinh ngạc bởi vì họ thấy nhà cửa gọn gàng ngăn nắp, khuôn mặt cụ bà vẫn hồng hào khỏe mạnh. Mặc dù cụ bà phải ngồi trên xe lăn với đôi mắt đờ đẫn và miệng chảy nước dãi nhưng cụ ông không ngần ngại ngồi bên cạnh lau khô hết lần này tới lần khác. Quần áo của hai vợ chồng vẫn sạch sẽ thơm tho toát lên mùi hương mà cụ bà yêu thích. Thậm chí, cụ ông còn trồng mấy chậu hoa trong phòng để màu xanh cây cối làm cho khung cảnh căn nhà tràn đầy sức sống.
Nhìn thấy điều kỳ lạ này, mọi người nghĩ rằng cụ ông đã thuê người giúp việc hoặc có nhân viên vệ sinh trợ giúp. Nhưng sau khi nói chuyện với cụ, họ mới biết cụ ông không nhờ ai giúp mà quyết tự mình làm tất cả, từ chăm sóc bệnh nhân, dọn dẹp phòng, nấu cơm, giặt quần áo… Cái gì không biết cụ ông liền hỏi con gái hoặc người hàng xóm. Thậm chí, cụ ông còn lên mạng internet tìm công thức nấu ăn và mẹo làm vườn. Trong những năm này, nhờ việc cố gắng chăm sóc tốt cho vợ, tự nhiên cụ ông cũng thay đổi thói quen sống của bản thân trước đây.
Bạn bè và người thân đều ngưỡng mộ ông nhưng cụ ông đã điều chỉnh lại: “Vợ tôi mới là người đáng được ngưỡng mộ. Tôi nghĩ lại trước kia bản thân sống dơ bẩn như vậy nhưng bà ấy lại có thể chịu đựng tôi trong nhiều năm, tôi lại càng cảm thấy tình yêu bà dành cho tôi thật sâu sắc. Cho nên việc tôi làm trong khoảng thời gian mấy năm này có đáng kể gì đâu”.
Cụ ông vân vê bàn tay vợ rồi nói với mọi người: “Bà ấy chịu đựng tôi nửa đời người, tôi sẽ nhịn bà ấy trong nửa đời còn lại để cùng nhau đi đến cuối cuộc đời, đó mới thực sự là cuộc sống vợ chồng hoàn hảo”.
Ban đầu, tình yêu là mật ngọt khiến con người tìm đến với nhau, say trong tình yêu, họ dám chấp nhận mọi khổ ải, dốc toàn tâm hy vọng xây dựng cuộc sống hạnh phúc.
Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, mật ngọt cạn dần, cơn đau do thống khổ sẽ được nhận thức sâu sắc hơn. Điều quan trọng là, sự nhẫn nại chịu đựng đã trở thành thói quen, trong lặng lẽ mà tạo nên hương vị cuộc sống. Giống như chúng ta uống một tách trà vậy, ban đầu thấy đắng nhưng sau đó mới cảm nhận được sự ngọt ngào. Điều này khiến các cặp vợ chồng không thể từ bỏ nhau. Nó làm cho mỗi người trong cuộc không thể thoát ra mà cam tâm tình nguyện vì nửa còn lại mà hy sinh hết thảy.
Giống như cặp vợ chồng già này, cụ bà nguyện ý chịu đựng thói quen lười vệ sinh của chồng và cụ ông cũng nguyện ý chịu đựng thói quen hay cằn nhằn của vợ. Điều quan trọng là, khi thấy bạn đời đau khổ vì những thiếu sót của mình thì chúng ta có thể nguyện ý sửa đổi để hoàn thiện bản thân và cùng nhau xây dựng mối quan hệ hôn nhân hòa hợp đầy chất thơ. Cuộc sống như vậy tuy chưa hoàn hảo nhưng trong quá trình này, nó sẽ mang đến cho các cặp đôi cảm giác lãng mạn nhất của tình yêu.
Theo Secret China
San San biên dịch
Video: Đức Phật giảng về 7 kiểu vợ: Thế nào là “làm vợ như một người hầu”?
https://video3.dkn.tv/duc-phat-giang-ve-7-kieu-vo-the-nao-la-lam-vo-nhu-mot-nguoi-hau_6213e5a03.html