Cuộc sống của người Nhật cực kỳ tiện nghi và đầy đủ, thế nhưng người Nhật lại có chỉ số hạnh phúc thấp. Có người cho rằng, một trong những lý do là bởi “Dịch vụ của Nhật quá chu đáo”.

Bài viết sau đây có một số trích dẫn từ câu chuyện của một nhà báo tự do người Nhật đã sống và làm việc ở Đức gần 30 năm khi so sánh về dịch vụ ở 2 quốc gia này:

Thu nhập trung bình một năm của người Đức, tính ra tiền Nhật khoảng 290 vạn yên. Với số tiền này, có nhiều người Đức phải sống rất bình thường và tiết kiệm. Thế nhưng, ở Đức có những sự “thoải mái” khó có thể tận hưởng được ở Nhật. Điều này được thể hiện trong cách mà người Đức làm việc và nghỉ ngơi.

Các cửa hàng và doanh nghiệp Đức không tốn quá nhiều thời gian cho dịch vụ khách hàng như ở Nhật 

Trong các cửa hàng ở Đức, nhân viên sẽ đặt việc thực hiện đúng nhiệm vụ của mình lên vị trí số 1. Khi khách hàng có yêu cầu gì, nhưng đó không phải là nhiệm vụ cửa hàng giao thì người nhân viên đó có quyền ưu tiên cho công việc của họ hơn lời yêu cầu của khách.

Cuộc sống của người Nhật cực kỳ tiện nghi và đầy đủ, thế nhưng người Nhật lại có chỉ số hạnh phúc thấp. (Ảnh dẫn qua: deschide.md)

Tất nhiên điều này không có nghĩa là chất lượng phục vụ ở Đức không tốt. Nó chỉ thể hiện rằng người Đức không hề có suy nghĩ “khách hàng là thượng đế” như ở Nhật. Người Đức không đặt nặng việc phải có dịch vụ cực kì chu đáo, nên họ cắt giảm được thời gian làm việc của nhân viên. Giá cả của hàng hóa dịch vụ cũng theo đó mà rẻ đi. Như vậy họ đã đạt được 2 mục đích là giảm bớt số tiền cần chi tiêu cho cuộc sống, đồng thời tăng thời gian tự do nghỉ ngơi của nhân viên. 

Nhà báo người Nhật đã kể câu chuyện rằng khi tới cửa hàng bánh như sau:

“Tôi tới cửa hàng bánh, ở đó có 2 nhân viên. Trong đó 1 người đứng ở quầy thu ngân với một hàng dài khách đang chờ, người còn lại đang nhàn tản lau cửa sổ kính. Có một người khách đã bước ra khỏi hàng, tới gần nhân viên đang lau kính kia để định order bánh. Nhưng anh nhân viên đó từ chối và nói rằng “hãy order ở chỗ đồng nghiệp của tôi kia kìa”. Vị khách đó lại phải lầm lũi chạy về cuối hàng dài kia xếp hàng chờ tới lượt.”

Người Nhật thì khác, sự tiện lợi chu đáo của họ khiến cả thế giới ngạc nhiên. Ở Nhật có rất nhiều cửa hàng tiện lợi làm việc 24/24. Nhưng ở Đức, nếu muốn mua sắm vào buổi tối thì chỉ có thể tới cây xăng, hoặc cửa hàng nằm gần ga lớn. Số lượng hàng hóa cũng ít hơn ở Nhật nhiều.

Sự tiện lợi của dịch vụ Nhật Bản liệu có lấy đi cuộc sống thảnh thơi của chính họ (Ảnh: 24h.com)

Ở Nhật, ngày lễ hay ngày nghỉ, kể cả 3 ngày tết, cũng có rất nhiều cửa hàng mở cửa. Tất cả những điều này đều là vì nghĩ cho khách hàng, cung cấp dịch vụ thuận tiện nhất cho khách hàng. Nhưng ở Đức thì mỗi chủ nhật và đợt nghỉ giáng sinh, gần như tất cả các cửa hàng đều đóng cửa. Tức là khách muốn mua thì chỉ có cách chờ hết ngày lễ mà thôi.

Sự tiện lợi của dịch vụ Nhật Bản liệu có lấy đi cuộc sống thảnh thơi của chính họ?

Nếu bạn mua sách ở Nhật, nhân viên cửa hàng sách chắc chắn sẽ hỏi bạn là có muốn bọc sách không. Đây dĩ nhiên là một sự thuận tiện, nhưng nếu suy nghĩ kỹ hơn thì việc bọc sách có thực sự cần thiết? Là để khi bạn đi trên tàu điện mà đọc sách thì người khác sẽ không nhìn thấy bạn đang đọc sách gì. Hoặc là nếu bọc rồi thì khi để sách lên bàn ăn cũng sẽ không bị bẩn chăng? Dù là ý nghĩa gì chăng nữa, các hiệu sách ở Đức không có dịch vụ bọc sách như vậy.

Một ví dụ khác là câu chuyện về giao nhận bưu phẩm:

“Có một hôm, tôi muốn gửi khoảng hơn 10 bưu kiện đựng sách và đồ ăn từ Nhật đi Đức. Có nhân viên ở bưu điện gần đó, tầm 9 giờ tối tới nhà tôi để nhận bưu bưu phẩm đó và phí vận chuyện giùm tôi luôn. Trong khoảnh khắc tôi nhìn thấy người nhân viên bưu điện đứng ở ngoài hiên nhà, lau những giọt mồ hôi tuôn như mưa và cân những kiện hàng rất nặng, tôi chợt nghĩ rằng, hôm nay mấy giờ người này mới về được tới nhà nghỉ, sáng mai mấy giờ lại phải ra khỏi nhà đi làm nhỉ…

Tất nhiên ở Đức không bao giờ có dịch vụ như vậy.”

Người Đức sống thảnh thơi hơn người Nhật dù phải sống tiết kiệm và giản dị (Ảnh dẫn qua: 40plusz.hu)

Tất nhiên, trong cuộc sống này, mọi thứ đều tồn tại hai mặt sáng tối, như hai mặt của đồng xu vậy. Sự tiện nghi của người Nhật khiến cả thế giới thán phục, nhưng nó cũng khiến họ có phần ỷ lại; cuối cùng, ngày càng phụ thuộc vào chúng. Khách hàng ở Nhật nhận được dịch vụ quá tốt, nhưng những người cung cấp dịch vụ ấy thì cũng quá vất vả rồi. Để cung cấp được dịch vụ hết sức tiện lợi ấy, có lẽ người Nhật đã mất đi chính sự thoải mái nhàn hạ trong cuộc sống của mình.

Hiểu Minh

videoinfo__video3.dkn.tv||8721d3b1a__