Đại Kỷ Nguyên

Điện ảnh, khoa học đều đưa định nghĩa, nhưng ai mới thực sự trả lời được ‘tình là gì’?

Vì từng khao khát muốn biết bí mật trần gian, Kim Dung đã để giai nhân Lý Mạc Sầu trong nỗi đau thất tình cay đắng thốt lên: “Hỏi thế gian tình ái là chi? Mà đôi lứa thề nguyền sống chết?” Câu hỏi vọng mãi ngàn năm nhưng thế nhân vẫn chưa có lời hồi đáp…

Hỡi thế gian, tình ái là chi? (Ảnh dẫn qua Pinterest)

Vậy ai sẽ trả lời được tình yêu là gì?

“Dạ theo con tình yêu là phải có hai người yêu nhau và có thể cưới thành vợ chồng ạ”, một cô bé cấp tiểu học trả lời khi được hỏi tình yêu là gì.

À, tình yêu trong ánh mắt trẻ thơ là nếu bạn có trót thương nhớ một cô nương xinh đẹp nào đó thì vẫn chưa gọi là yêu, mà cần thêm một điều kiện là nhất định phải cưới được cô ấy về làm vợ rồi mới được gọi là tình yêu nhé!

Ồ, nếu vậy làm sao biết được mình đã yêu một ai đó?  

Có phải là khi biết rõ rằng mình rất thích ai đó rồi nhưng vẫn cố chối rằng: “Tớ không thích cậu đâu, vì lúc nào cậu cũng ở trong tim của tớ rồi”.

Hay là vì: “Tớ rất thích cậu. Cực kì thích cậu. Sẽ có một ngày, tớ sẽ theo đuổi được cậu. Nghìn vạn phần trăm sẽ theo đuổi được cậu. Tớ không hỏi, nên cậu cũng không được từ chối tớ. Hãy để tớ tiếp tục thích cậu đi” – trích Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi.

Tình yêu cảm nắng đầu đời là tình cảm mà mỗi người khi nhớ về mới chợt nhận ra đó là miền kí ức trong trẻo, tươi sáng và đẹp đẽ đến bật cười vì sự hồn nhiên và ngây thơ không thể tin rằng mình đã từng như là như vậy. 

Có phải rằng, tình yêu đẹp nhất là của thời thanh xuân? (Ảnh dẫn qua Pinterest)

Và bởi ai đó từng nói thanh xuân là điều tuyệt vời nhất nên “em sẽ tặng anh một mảnh đời mình, nơi chính em chưa từng bước tới”.

Cũng chẳng khó hiểu khi “cuộc đời anh vốn một đường thẳng tắp, chỉ vì gặp gỡ em mà phải rẽ ngang”.

Để rồi khi chìm đắm trong tình yêu, đã có lúc chính anh cũng “từng thử quên em, anh tưởng thời gian có thể xóa nhoà tất cả. Ba trăm ngày giày vò đã khiến anh hiểu ra rằng: Điều gì anh cũng đều làm được, ngoại trừ …quên em”.

Cũng bởi tấm lòng anh là chung thủy, nên em luôn tự dặn lòng mình: “Điều gì cũng có thể sai, điều duy nhất không thể sai là để mất người đàn ông toàn tâm toàn ý yêu mình!”

Nhưng nếu mọi cuộc tình trên thế gian này đều tuyệt vời đến vậy thì sao đã có những lần “em đã từng rất nhớ anh ngay cả khi biết rằng trong tâm anh đang nhớ đến một người không phải em”. 

Và khi đã bước qua đủ những thăng trầm của cuộc sống, cuối cùng tình yêu lại như một khúc nhạc, không vang thành lời cũng chẳng lấp lánh nhờ ánh đèn sân khấu, mà đồng vọng da diết, hoặc đớn đau xao xuyến mãi trong lòng. Lý do thật giản đơn, mà cũng không thật tàn bạo. Ai biết rằng sau khúc hát ấy có thể là cái chết, rất gần, đến nỗi hình thành nỗi ám ảnh.

Anh ơi, tình yêu có phải là khúc hát? (Ảnh dẫn qua Pinterest)

Vậy “đố ai định nghĩa được tình yêu”?

Sao người ta lại cứ nhất định phải định nghĩa tình yêu, “yêu thì là yêu thôi, ai cần quan tâm nó là gì cơ chứ?” Nhưng đối với khoa học, tất cả đều phải rõ ràng, phải định nghĩa được, phải nhìn thấy được và tình yêu không phải là ngoại lệ.

Ồ, thật lạ lùng làm sao khi người ta lại đưa tình yêu cho khoa học giải nghĩa. Sao khoa học thực chứng lại có thể định nghĩa được loại tinh thần vô hình khiến con người muốn “tắt nắng” để “màu đừng nhạt mất”, muốn “buộc gió” để “hương đừng bay đi”?

Một cô dược sĩ xinh đẹp trong niềm hạnh phúc của đam mê và lòng nhiệt huyết tuổi trẻ. Khi được hỏi tình yêu là gì, cô trả lời đầy dõng dạc: “Nếu người ta muốn khắc trong tim hình bóng của ai đó, thì em sẽ chọn khắc lên thân mình hợp chất hóa học này”. Chẳng ai hiểu cô đang nói gì cho đến khi cô trả lời rằng đó là hormone của tình yêu.

Cấu trúc hóa học của Oxytocine – hormone tình yêu tồn tại trong cơ thể người. (Ảnh dẫn qua tatoomagz)

Vậy ra, trong thân thể người luôn tồn tại một vài hormone có khả năng điều khiển cảm giác, cảm xúc của con người. Vậy tình thật sự là vật chất điều khiển hành vi của con người? Đúng vậy, trong số hàng tá những hợp chất và công thức hóa học cồng kềnh kèm theo, Giáo sư Comorant – người đã tự tin cho rằng nếu tất cả các nhà khoa học đều tìm hiểu về hormone tình yêu thì ông mới là người rõ về nó nhất. Ông chỉ cần người ta quan tâm đến 2 loại:

Oxytoxine là một loại hormone điều khiển sự trung thành, khao khát được bảo vệ người khác, mong ước làm người khác hạnh phúc, sự chung thủy và lòng kiên định. Nó được ví như một chất “keo hóa học” có tác dụng duy trì lâu dài cuộc sống hôn nhân, khiến những người đàn ông tránh xa những người phụ nữ khác ngoài vợ mình.

Ấy vậy mà Dopamine đích thị lại là yếu tố của ác quỷ và cám dỗ, kích thích não người mong muốn ngoại tình, tìm kiếm sự mới mẻ, ý tưởng khác lạ thay vì chấp nhận chan hòa chung sống với thực tại.

Cơ chế hoạt động của nó là khi cơ thể con người có một vài hành động đặc thù nào đó, não bộ sẽ chỉ huy các tuyến thần kinh tiết ra những hormone chi phối cảm giác dẫn đến cảm xúc tình tự trong tâm người.

Những hormone tình yêu chi phối cảm xúc, cảm giác của con người.

Ồ hóa ra, từ ngàn đời nay, con người sinh ra vốn đã bị mê trong tình, vẫn bị tình khống chế mà lại tưởng mình có thể làm chủ được tình yêu. Đâu có phải vậy, theo khám phá trên, cứ cho rằng các hormone tình yêu là thành phần cấu tạo nên hợp chất tình thì con người chẳng phải là nạn nhân của tình sao?

Thật lạ khi loài người cứ tôn sùng khoa học khi mãi đến năm 1952, người ta mới khám phá tình yêu chịu sự chi phối của một vài loại hormone. Nhưng lại không hề biết từ thuở khai thiên tịch địa, Phật từng giảng con người đến thế gian này vốn bị nhuốm trong tình – một hạt vật chất vi quan mà mắt người thường không thể nhìn thấy.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra có những hạt quark, neutrino…Tuy nhiên, chưa một ai từng tận mắt nhìn thấy nó. Họ đều thông qua kính hiển vi và những công thức tính toán mà đo lường được sự tồn tại những hạt vật chất siêu nhỏ này.

Nhà Phật giảng tình là vật chất vi quan hơn, vi quan hơn những siêu vật chất mà khoa học từng khám phá ra. Cũng bởi sự vi quan và vi tế này mà tình thấm đẫm vào trong từng tế bào con người, chúng ta dẫu có vùng vẫy, vật lộn với tình cũng không thể thoát ra khỏi sự khống chế của nó. Con người sống trong tình nên không thể thoát khỏi vòng lẩn quẩn của hỉ nộ ái ố. Vui là tình, buồn cũng là tình, yêu hận cũng là tình, thích không hay không thích thảy đều là chứng minh sự hiện diện của tình. Ồ vậy là, Phật Pháp mới là khoa học cao hơn cả khoa học.

Vậy ai sẽ giúp nhà thơ Xuân Diệu trả lời câu hỏi:

“Làm sao sống được mà không yêu

Không nhớ không thương một kẻ nào…?”

Làm sao để có được một cuộc đời thanh thản? (Ảnh dẫn qua Pinterest)

Điều này, có lẽ phải hỏi người tu luyện? Bởi người tu luyện biết “đời là biển khổ, tình là trái ngang nước mắt”, nên đều muốn “buông buông hết cho lòng thanh thản”.

Tam giới, nơi con người tồn tại gồm có 3 tầng lớn: Dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Và trong mỗi tầng lại phân thành nhiều cảnh giới khác. Ở mỗi một tầng thứ khác nhau, bản thể và điều kiện sinh tồn của các sinh mệnh và vật chất ở trong đó lại yêu cầu những điều kiện khác nhau.

Nhân gian nơi con người tồn tại lại chính là tầng thấp nhất của cõi dục giới, vì vậy người tu luyện muốn tu xuất khỏi tình trước tiên cần tu xuất khỏi tầng này trước, có nghĩa là họ phải buông bỏ hết mọi ham muốn mới có thể vượt xuất tầng dục giới và tiến nhập sang cõi sắc giới.

Tại cõi sắc giới, nếu có thể buông bỏ mọi định kiến, phân chia và đánh giá về sắc chất thì sẽ tiến nhập sang cõi vô sắc giới.

Nhập vào cõi vô sắc giới, dù chẳng có sắc cũng chẳng còn ham muốn dục vọng nhưng con người vẫn còn có tình nên vẫn chưa thể thoát khỏi tam giới.

Xuất khỏi tam giới là xuất khỏi tình, con người sẽ không bị tình chi phối nữa. Và lúc này thân thể con người cũng không còn gọi là thân thể mà được gọi là Phật thể. Có nghĩa là những hormone có khả năng chi phối nhận thức tình yêu của con người sẽ bị mất chức năng ở tầng thứ cao hơn. Có thể hiểu đơn giản là thân thể người tu luyện khi lên tầng cao hơn sẽ không còn bị vật chất trong tầng không gian thấp hơn chi phối nữa. 

Những điều mà trước đây, chúng ta không thể thấy, không thể nghe cũng không thể cầm nắm hay không thể giải nghĩa không đồng nghĩa với việc cảnh giới đó không tồn tại mà là ta chưa đủ điều kiện để được tiến nhập và được đồng hóa với tầng thứ ấy nên mới không nhận thức được mà thôi.

Vì sao tình lại trở thành điều cần buông bỏ khi muốn lên tầng cao hơn? Bởi tình là điều kiện và vật chất được duy trì trong tam giới, người tu luyện muốn xuất khỏi tam giới cần tu xuất xuất khỏi tình, không còn bị vật chất này khống chế nữa. Càng lên cao hơn thì sẽ càng mỹ diệu và tốt đẹp hơn.

Ôi, vậy chẳng lẽ tình yêu không phải là điều tuyệt vời nhất? Tình có thể được xem là điều tuyệt vời của thế gian con người, vì không có tình con người ta có thể trở thành ác quỷ. Tuy nhiên, lên cảnh giới cao hơn, biểu hiện của tình không còn được gọi là tình nữa, nó cần có điều kiện và tiêu chuẩn cao hơn. Phật giảng rằng, đó là cảnh giới của từ bi.

(Ảnh dẫn qua Pinterest)

Hồng Tâm

Exit mobile version