Đại Kỷ Nguyên

Điều quan trọng không phải là bạn luôn đúng, mà là bạn luôn tử tế

Dường như trong mọi cuộc trò chuyện về chủ đề nào đó, mục tiêu cuối cùng đều hướng đến tranh luận bên nào đúng và bên nào sai. Có phải khát khao luôn luôn đúng đã trở thành một quan niệm cố hữu trong tâm trí mỗi chúng ta? Và đã bao giờ bạn suy ngẫm về câu hỏi buồn cười này: Mọi người đều sai ngoại trừ bạn, phải không? 

Tâm trí chúng tôi khao khát được công nhận là đúng

Có một câu chuyện cổ Phật gia thế này: Một chú tiểu đến gặp sư phụ của mình và nói: “Việc ngồi thiền của con thật kinh khủng! Con cảm thấy bị phân tâm, con không thể tập trung, con liên tục ngủ gật. Thật kinh khủng thưa sư phụ!”

Sư phụ nói: “Nó rồi sẽ qua”.

Ảnh minh họa: obekti.bg

Một tuần sau, chú tiểu này vui mừng trở lại thưa với sư phụ: “Việc ngồi thiền của con thật tuyệt vời! Con cảm thấy rất tập trung, rất yên bình, rất tốt!

Sư phụ lại nói: “Nó rồi sẽ qua”.

Có thể thấy, chúng ta bị mắc kẹt với mong muốn được công nhận là đúng, và mong đợi mọi thứ sẽ hoàn hảo. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi theo thời gian, đó là ý nghĩa của câu chuyện này. Việc nhận ra rằng chúng ta sai là những gì thực sự gây tổn thương. Tuy vậy, mong muốn được công nhận là đúng đắn không phải luôn bắt nguồn từ nhận thức chân chính, đặc biệt là khi cái giá bạn phải trả cho nó đi kèm với sự thiếu tử tế, thiếu kiên nhẫn, hay vô cảm.

Rắc rối với đúng hay sai

Đức Phật đã dạy rằng: “Đôi khi, trở nên tử tế sẽ tốt hơn là trở nên đúng đắn. Chúng ta không cần đến một đầu óc thông minh để nói, mà cần một trái tim kiên nhẫn biết lắng nghe”. 

Mong muốn được công nhận đặt chúng ta vào chế độ “xem xét kỹ lưỡng”, cố gắng tìm kiếm bằng chứng để chứng minh người khác sai thay vì chấp nhận sự không hoàn hảo của cuộc sống. Nhưng không phải mọi thứ đều có thể được chia thành đúng hay sai.

Ảnh minh họa: medium.com

Điều quan trọng là đối tượng đánh giá của bạn là ai: người khác hay chính bạn. Đừng nhìn thực tế qua lăng kính chủ quan, chỉ vì để bảo vệ quan điểm cá nhân của bản thân. Cho dù bạn thông minh đến đâu, tâm trí chúng ta có thể đóng vai kẻ lừa đảo trong “vở kịch” đời.

Bạn sợ bị cho là sai, vì trong tiềm thức chúng ta quan niệm rằng bản thân mình đúng đắn và quan trọng, dẫn đến suy nghĩ rằng nếu chúng ta công nhận mình sai, thì sẽ là một cái gì đó rất sai lầm đối với niềm tin cố hữu ban đầu. Thực ra đúng hay sai chỉ là một hành trình, đó không phải đích đến. Hãy nghĩ về những gì đã xảy ra với chú tiểu kia: Suy xét đúng sai của chú ta không hoàn toàn có nghĩa như vậy.

Nhưng hãy cẩn thận, bộ não của bạn sẽ liên tục biện minh cho suy nghĩ hoặc che giấu sai sót của bạn. Vì thế, chúng ta ngừng lắng nghe người khác. Niềm tin rằng mình luôn luôn đúng khiến bạn cho rằng mọi người khác đều sai, và bạn ngừng cố gắng tìm hiểu quan điểm của người khác.

Quan niệm sai lầm nào làm tê liệt sự hiểu biết của bạn?

Kathryn Schultz, tác giả của quyển sách “Phạm sai lầm”, đã đưa ra 3 giả thuyết chính về vấn đề tại sao chúng ta luôn thuyết phục bản thân rằng mình đúng:

Ảnh minh họa: digitalspace.info
  1. Sự thiếu hiểu biết: Bạn tin rằng những người khác kém hơn hoặc thiếu thông tin mà bạn có. Đó là lý do tại sao họ sai. 
  2. Sự kém cỏi: Những người khác có thể có cùng thông tin như chúng ta, nhưng họ không biết ghép các mảnh lại với nhau. Họ không thông minh như chúng ta. Đó là lý do tại sao họ sai.
  3. Sự xấu xa: Bạn có quan niệm rằng những người khác biết sự thật rằng bạn đúng, nhưng họ không công nhận hoặc bóp méo nó. Họ có mục đích xấu vì họ độc ác. Vì thế, đương nhiên là họ sai.

Vấn đề ở đây là chúng ta cho rằng người khác đã sai: họ hoặc là không biết gì, hoặc là kém hơn, hoặc có ý đồ xấu, tóm lại bạn luôn cao hơn, giỏi hơn, tốt hay, hoặc ngay chính hơn. Khi bạn “chơi trò” đổ lỗi, bạn ngừng xem xét khả năng bạn có thể là người đã sai.

Không ai giành chiến thắng trong trận đấu đúng sai

Cựu thủ tướng Anh Tony Blair chia sẻ rằng: “Đôi khi chấp nhận sai và làm điều đúng sẽ tốt hơn là chiến thắng và làm điều sai”.

Quan niệm “luôn luôn đúng” giống như là một cái mặt nạ mà chúng ta luôn đeo, nó theo ta bất cứ đâu, ở bất cứ điều gì, nhưng chắc chắn không phải ở những điều chân thực.

Ảnh minh họa: universaljp.org

Quả là một nghịch lý khi mọi quan điểm xây dựng trên một giả định sai, rằng mọi thứ đều khách quan. Thực tế, chúng chỉ là sản phẩm phụ của nhận thức chúng ta mà thôi, và chúng ta liên tục bị thách thức bởi những quan điểm khác của người khác.

Vì thế, chúng ta rất giỏi trong việc nắm bắt những dữ liệu và lập luận để chứng minh cái đúng của mình. Ảo tưởng tinh thần này được gọi là “Xác nhận Xu hướng”, nghĩa là chúng tôi thấy những gì chúng ta tin là đúng.

Tuy nhiên, bất kỳ lý thuyết khoa học mới nào cũng sẽ chứng minh cái trước đây là sai. Tương tự, một khi chúng ta áp dụng rằng một phương pháp mới là chính xác, phương pháp cũ biến thành sai. Đúng và sai là các khái niệm thay đổi, chúng biến đổi qua thời gian và qua cách chúng ta nâng cao nhận thức cá nhân và giá trị tinh thần.

Khám phá chủ nghĩa “hoàn hảo cực đoan”

Nhà nghiên cứu “những sai lầm” Kathryn Schulz đã đặt ra thuật ngữ “Lỗi mù”, cô giải thích vấn đề này trong TED Talk: “Chúng ta không tìm ra được một “gợi ý” đúng đắn bên trong để chỉ ra rằng chúng tôi sai về điều gì đó cho đến khi quá muộn”.

Schulz cũng đưa ra lý do về sự lệch lạc trong nhận thức. Ở trường tiểu học, chúng ta được dạy rằng thất bại chỉ dành cho những người ngu ngốc. Khi lớn lên, chúng ta củng cố quan niệm rằng mắc lỗi là một thất bại. Đó là lý do tại sao chúng ta tập trung năng lượng vào việc chứng minh mình không mắc lỗi.

Ảnh minh họa: zakonvremeni.ru

Mong muốn là một người không mắc sai lầm là một suy nghĩ ảo tưởng đằng sau lý do tại sao chúng ta muốn luôn luôn đúng. Chủ nghĩa “hoàn hảo cực đoan” trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của sự thay đổi. Tư duy ảo tưởng này trải qua ba giai đoạn khác nhau.

Giai đoạn 1: Chúng ta sai nhưng không nhận ra điều đó.

Bạn cho rằng mình đúng, không quan tâm đến việc tìm hiểu sự thật hoặc thay đổi quan điểm. Từ đó, bạn cảm thấy tự tin vì tin rằng mình sở hữu điều đúng đắn.

Giai đoạn 2: Chúng ta nhận ra rằng mình đã sai

Có thể bằng cách xem xét lại bản thân hoặc bởi ai đó đưa ra bằng chứng thuyết phục, bạn biết rằng mình đã sai. Điều này làm cho bạn cảm thấy dễ bị tổn thương với cách “tự kỷ ám thị” rằng: mình không hoàn hảo, mình có nên cho người khác biết rằng mình đã phạm sai lầm?

Giai đoạn 3: Chúng ta phủ nhận mình sai

Ảnh minh họa: idpe.ir

Đúng hay sai biến thành một trận chiến bên trong tâm trí bạn. Bạn cảm thấy bị soi xét, trở nên phòng thủ bởi cảm thấy mình bị tấn công. Dù bạn cố tranh đấu để giành chiến thắng trong cuộc chiến đúng sai này, thì sâu thẳm trong bạn, bạn biết mình đã sai. Nó một tình huống khiến bạn “thua” hoàn toàn.

Thật bất ngờ khi nghe nhận định của nhà tâm linh nổi tiếng Eckhart Tolle: “Cần được công nhận luôn luôn đúng là một hình thức bạo lực”.

Chỉ để khẳng định cái tôi và quan điểm của mình, bạn sẽ sẵn sàng đốt cháy bất cứ cây cầu nào nối thông vấn đề, tạo ra tranh chấp với người khác, phủ nhận, hạ bệ người khác. Nó đích thực là một “con quỷ” tranh đấu bên trong bạn, là một loại “bắt nạt trí tuệ”.

Thừa nhận sai mang lại nhiều lợi ích.

Nhà văn Kathryn Schulz nhận định rằng: “Sự nghi ngờ giống như một kỹ năng. Ngược lại, sự tin tưởng dường như là một thứ gì đó rất gần với bản năng”.

Tâm trí chúng ta mặc định rằng mình luôn đúng. Do đó, để nhận ra rằng mình có thể sai, bạn cần có quá trình thực hành, tâm trí cần được nuôi dưỡng với những giá trị đạo đức cao,mọi thứ đúng và sai luôn thay đổi khi bạn không ngừng nâng cao nhận thức hay thế giới quan của mình.

Hãy bắt đầu bằng cách cân bằng bản thân để tránh đi vào cực đoan của “sự hoàn hảo”, hãy thừa nhận rằng nếu người khác phạm sai lầm, thì thật phi lý khi tin rằng bạn luôn đúng. 

Một khi bạn có thể nhận ra và chấp nhận “lỗ hổng” của mình, rằng bạn “không hoàn hảo” ở đâu đó, bạn sẽ giải phóng rất nhiều áp lực. Thay vì cố gắng giả vờ “cái sai” đó không phải của bạn, bạn trở nên nhận thức rõ hơn về điểm yếu của mình, từ đó bạn có thể cải thiện hành động của bản thân.

Ảnh minh họa: telemundo.com

Nếu bạn có một ý chí “cầu tiến” để cải thiện tâm hồn mình, mọi thứ sẽ thay đổi. Học tập là một kinh nghiệm suốt đời. Khả năng học hỏi của bạn là kỹ năng quan trọng nhất mà bạn có. Để có được một tâm trí sáng suốt, bạn cần phải từ bỏ một cách tiếp cận “đúng hoặc sai”.

Hãy mở ra những khả năng mới, để “cái sai” có điều kiện bộc lộ ra. Khám phá điều đó có nghĩa là tìm thấy thứ gì đó bất ngờ hoặc chưa biết, không phải thứ gì đó cụ thể mà bạn đang tìm kiếm. Khi bạn ngừng phán xét, bạn sẽ bắt đầu khám phá.

Cái tôi trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của bạn khi bạn ưu tiên phát triển giá trị bản thân hơn danh tiếng của mình. Dù vậy, khi bạn nhận ra không phải danh tiếng hay “hình ảnh”, mà là “con người thật” của mình mới là điều quan trọng, bạn có thể xé bỏ cái “mặt nạ giả dối” đó.

Thực hành việc thừa nhận sai

Có một cách nói thú vị rằng: những gì bạn biết đang “cầm tù” bạn, tệ hơn nữa, những gì bạn nghĩ rằng mình biết là những gì khiến bạn bị mắc kẹt. Đó là những tác dụng phụ nguy hiểm của việc luôn luôn nghĩ mình đúng.

Sự đúng đắn có thể là một ảo ảnh, để buông bỏ chấp trước vào việc “luôn luôn đúng” đòi hỏi bạn phải có sự tự nhận thức. Không có cách nhất định nào để nắm bắt một suy nghĩ “sai lầm” cả. Chỉ là bạn cần có sự khiêm tốn và can đảm để nhìn nhận lại mình mà thôi. 

Ảnh minh họa: salonsecret.com.ar

Bạn đã sẵn sàng để thử thách bản thân? Và để làm những điều khác biệt ngay cả khi chúng làm bạn không thoải mái? Thế thì bạn hãy thử thực hành các thí nghiệm nhỏ sau đây để xem điều gì sẽ xảy ra:

  1. Hãy thử thua trong một cuộc tranh luận, mục tiêu là xem chúng ta sẽ trải nghiệm cảm giác như thế nào là sai (ngay cả khi bạn tin chắc 100% rằng bạn không như vậy). Nó thật đau đớn phải không, nhưng đó là một cách mạnh mẽ để rèn luyện sự đồng cảm và tìm hiểu cảm nhận cũng như đứng trên quan điểm của người khác.
  2. Hãy thử hỗ trợ một quyết định mà bạn không đồng ý, để người khác đưa ra quyết định, đặc biệt là người khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Tuy nhiên, đừng chỉ dừng lại ở việc đồng ý hay không đồng ý. Hãy thử nghiệm nó, từ bỏ quyền lực của một người quản lý, một trưởng nhóm hoặc một phụ huynh và hỗ trợ “đối phương” hoàn thành mục tiêu. Khi ấy, bạn sẽ không nghĩ đến cái gì là đúng hay sai nữa, thay vào đó bạn sẽ thấy tâm hồn mình rộng rãi, bao dung biết bao.
  3. Tất nhiên, từ bỏ tranh đấu đúng sai không phải là điều dễ dàng, thậm chí đôi khi rất khó chịu. Điều tương tự cũng xảy ra với người khác khi bạn muốn giành chiến thắng bằng bất cứ giá nào. Nhận ra bạn có thể làm tổn thương người khác đôi khi còn quan trọng hơn việc giành được chiến thắng, vì sự tử tế là ưu tiên hàng đầu. 
  4. Nếu người khác đi ngược lại những giá trị tinh thần đạo đức cao đẹp mà bạn tôn vinh, hãy thuyết phục họ bằng thái độ chân thành và tâm hồn thiện lương. Đó không phải là cuộc chiến tranh luận đúng và sai, đó là cách bạn dùng vẻ đẹp tâm hồn của mình để chứng minh những giá trị đạo đức chân chính. 

Buông bỏ tâm lý đúng sai là không dễ dàng, vì vậy hãy chú ý với các “trận chiến” của bạn. Mọi thứ sẽ qua, nhưng đừng bỏ lỡ cơ hội trở thành người sống tử tế, bởi vì “Tử tế là vũ khí tối thượng”.

 

Exit mobile version