Đại Kỷ Nguyên

‘Điều ước thứ 7’: Viết tiếp ước mơ dang dở của nhà báo Đinh Hữu Dư qua đời vì mưa lũ

Nhà báo trẻ Đinh Hữu Dư đã mãi ra đi trong trận lũ dữ, để lại cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp một khoảng trống vắng chứa đầy những nghĩ suy về cái tâm với nghề, cái tâm với đời. Và anh cũng để lại nơi căn buồng nhỏ của mình một ước mơ đẹp đẽ… 

Mang cái chữ, mang những cuốn sách lên vùng cao là một ý tưởng, một giấc mơ của rất nhiều con người có tấm lòng nhân ái. Nhưng giấc mơ ấy của anh Dư vẫn khiến nhiều người rơi nước mắt, bởi khi biết câu chuyện của anh, mọi người sẽ càng thấm thía: Cái tâm trong sáng muốn giúp đỡ người khác sẽ chỉ cho chúng ta phương hướng để biến mong ước thành sự thật, dù chúng ta không phải là những người giàu có nhất.

Tâm nguyện đẹp lành và tình thương trong sáng mà anh Dư dành cho những đứa trẻ miền cao, nơi anh đã gắn bó trong quãng thời gian tâm huyết nhất của mình, đã truyền cảm hứng cho những nhà báo trẻ của chương trình “Điều ước thứ 7”, đưa mọi người về với đất trời Yên Bái để viết tiếp ước mơ đang còn dang dở của anh.

Trong chuyến hành trình lần này, “Điều ước thứ 7” đã khám phá thêm được nhiều những điều nhỏ bé nhưng ý nghĩa trong hành trình nuôi ước mơ đem con chữ, đem sự ấm áp lên cho trẻ em vùng cao của anh Dư. Nơi căn phòng không có mấy đồ đạc của anh, còn nguyên đó những chồng sách cũ anh đã gom góp được trong những lần trở về Hà Nội của mình.

Những cuốn sách ấy sẽ là bạn đồng hành của các em nhỏ miền cao. Nơi ấy có mây, có núi, có không gian, nhưng thiếu lắm những con chữ để trẻ thơ được thỏa trí tưởng tượng của mình.

Một đồng nghiệp thân thiết của anh Dư kể rằng, những lần về Hà Nội, anh đều dành thời gian đi gom sách, đổi những sách tri thức khó đọc của người lớn ở các tiệm sách cũ để lấy những cuốn truyện dành cho tuổi thơ.

Biết các em nhỏ khát cái chữ, cần cái ấm, nhưng người Mông lại không có thói quen dùng đồ cũ, anh lại dành dụm, tích cóp số tiền ít ỏi của mình để mua những đôi tất, đôi găng tay mới cho những cô bé, cậu bé nơi vùng cao.

Trong chuyến về Hà Nội gần nhất, anh đã có cái hẹn với những người đồng nghiệp. Sách vở sắp đủ rồi, bao giờ đủ, mọi người sẽ cùng anh mang cái thư viện tí hon ấy lên Yên Bái. Vậy mà… Nếu anh Dư đã không thể hoàn thành ước mơ của mình, vậy những người ở lại, những người thương và cảm phục anh sẽ cùng anh viết tiếp ước mơ này.

Sau khi vận động quyên góp sách, truyện trong một số trường học ở Hà Nội và Ninh Bình, ekip chương trình “Điều ước thứ 7” cùng những người bạn của anh Dư ở lớp báo K27A2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các cô giáo, học sinh của trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy đã cùng nhau tới với trường tiểu học Làng Nhì, Yên Bái để tạo dựng ở đó một thư viện nhỏ cho những học trò ở đây.

14 tiếng hành trình cho 200 km đường đất, những khúc cua hiểm trở, những con đường còn nguyên sự lầy lội sau cơn lũ, tất cả đều không khiến ekip của chương trình chùn bước. Khi đoàn xe dừng lại trong sân của trường tiểu học, trời đã về khuya, thời tiết cũng rất giá lạnh. Nhưng có lẽ, thời điểm ấy, nhiều người sẽ hiểu hơn những gì anh Dư đã trải qua, đã cảm nhận: Những người dân ở đây thật hiền, những đứa trẻ thật quá hồn hậu và thơ ngây. Mọi công việc chuẩn bị vì thế vẫn được tiến hành ngay trong đêm đó, bất chấp cái lạnh của đất trời, cái thấm mệt của thân người.

Những người làm chương trình quyết định, họ không chỉ sửa sang lại thư viện của trường, sắp xếp lại sách vở cho các em. Mà mọi người còn cố gặng tạo dựng những không gian đọc mới mẻ, dễ tập trung cho thư viện nhỏ này. Điều đặc biệt nhất, các cô chú nhà báo còn tổ chức một cuộc thi diễn kịch từ chính những cuốn truyện mà các em đọc. Đây là cách mà người lớn mong muốn giúp các cô bé, cậu bé cảm nhận được nhiều điều thú vị hơn từ những trang sách. Không chỉ con chữ, mà người lớn còn rất mong mang được tình yêu sách đến với các học trò.

Vào ngày hôm sau, một chương trình văn nghệ vui và thú vị đã diễn ra trước khi ekip chương trình trao tặng chiếc chìa khóa thư viện cho nhà trường. Cánh cửa thư viện mở ra, cũng chính là giây phút vui và cảm động nhất của chương trình.

Những đứa trẻ từ giây phút này đã có thêm nhiều sách để đọc, thêm nhiều câu chuyện giúp các em hiểu thêm về cuộc sống, về cách để trở thành một con người tốt. Những ánh mắt chăm chú trên từng trang sách, những mái đầu con trẻ say xưa trong thư viện này hẳn đã có thể khiến anh Dư mỉm cười.

Có thể anh Dư đã chia xa với mọi người nơi dương thế, nhưng những ngày anh sống, những ước mơ của anh, những điều anh đã làm đang đưa những người ở lại đến gần nhau hơn. Anh đã đưa thầy cô và bạn bè mình lên đất trời Yên Bái, đến với những con người đang cần sự sẻ chia, giúp đỡ; anh đã đưa bà con dân tộc giữa núi đồi đến gần hơn với những người dưới xuôi, những con người cần có cơ hội được trao đi yêu thương.

Ai cũng có lần nhìn thấy người khốn khó mà rơi nước mắt và muốn bước đến để sẻ chia. Nhưng việc sống trong thành phố và luôn khép mình trong những ấm áp riêng tự bao giờ đã khiến mỗi người trở nên e dè và ngại ngùng trao đi sự giúp đỡ cho những người mình chưa quen biết, hay tệ hơn là quên mất rằng trong cuộc sống còn nhiều lắm những con người cần đến sự sẻ chia. Đó là lý do, câu chuyện về anh Dư, và những người đã cảm nhận được tấm lòng của anh sẽ như một ngọn lửa nhỏ, thắp lại một niềm tin lớn “Tình người vẫn còn đây, chỉ cần chúng ta mở rộng trái tim mình”.

Hy Văn

Exit mobile version