Đại Kỷ Nguyên

Đọc bài review sách đạt giải Nhất cuộc thi ‘Cuốn sách mới cho một năm đầy hứng khởi’

Ảnh: Facebook F2Plus Group.

Cuộc thi viết review sách A Blooming New Year: Cuốn sách mới cho một năm đầy hứng khởi  do cộng đồng đầu tư tài chính F2Plus Group tổ chức vừa khép lại ngày 11/2 vừa qua với giải Nhất dành cho bài viết “Cuốn sách và hành trình tìm về chính mình” của bạn Nguyễn Anh Đức.

Với đề bài: “Chọn 1 cuốn hoặc 1 bộ sách mà bạn cảm thấy ấn tượng và nêu ra những giá trị mà bạn nhận ra ở cuốn sách đó thông qua một bài viết”, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của các cây bút không chuyên có chung niềm say mê với sách. 

Có thể điểm qua những cuốn sách quen thuộc với nhiều độc giả được lựa chọn để review như: Hành trình về Phương Đông, 3 người thầy vĩ đại, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Nhân tố Enzyme, Chiến binh cầu vồng, Đi tìm lẽ sống

Sau 20 ngày diễn ra cuộc thi, ban tổ chức đã quyết định trao giải Nhất cho bạn Nguyễn Anh Đức với bài viết review cuốn: Chuyển Pháp Luân, giải Nhì thuộc về bạn Phạm Thị Hồng Phương, review cuốn Đừng đợi kiếp sau mới quan tâm nhau và bạn Lương Ngọc Anh với giải Ba cho tác phẩm review cuốn Chiến binh Cầu Vồng. Đồng thời, bài dự thi của bạn Anh Đức cũng xuất sắc nhận thêm giải Bài Viết Lôi Cuốn Nhất.

Ảnh: Facebook F2Plus Group.

Dưới đây, ĐKN xin đăng tải lại bài viết đạt giải Nhất cuộc thi của Anh Đức, với nhan đề “Cuốn sách và hành trình tìm về chính mình”.

Cuốn sách và hành trình tìm về chính mình

Xin chào các bạn,

Mình không phải là mọt sách nhưng trong quá trình sinh sống và làm việc thì mình khẳng định sách đã có tác động tới cuộc sống của mình rất lớn, thay đổi nhiều thứ trong tâm trí mình, những thứ mà nếu không đọc sách thì không biết có người nào chia sẻ được cho mình không. Năm mới nhân cuộc thi REVIEW SÁCH: A BLOOMING NEW YEAR, mình muốn viết đôi lời cho cuốn sách mình tâm đắc nhất, cuốn sách giúp mình trưởng thành lên rất nhiều và đặc biệt giúp mình tìm được ý nghĩa cuộc sống của chính mình, hy vọng bạn nào đã từng có trăn trở như mình, cũng đang đi tìm một điều gì đó có thể tham khảo.

Từ hồi còn rất trẻ mình đã có một số câu hỏi trong đầu: “Con người chúng ta là ai, tại sao lại sinh ra để rồi lại mất đi, cứ như thế để làm gì?”. Những câu hỏi đó nó cứ lởn vởn trong đầu, không hiểu tại sao như thế…

Trước đây mình đã từng đọc nhiều lần “Hành trình về Phương Đông”, có lần mình và một đồng nghiệp cũ đọc cho nhau nghe hết sạch cuốn sách chỉ trong một đêm, đọc từ hồi cuốn này chưa được xuất bản chính thức cơ. Đây có lẽ là cuốn đầu tiên một cách rõ ràng và khoa học nhất đưa mình đến với thế giới khác ngoài thế giới vật chất này. Mình rất nhớ 1 ví dụ trong cuốn sách này của Spalding: 2m là chiều dài 1 đoạn thẳng, 2m2 là diện tích 1 mặt phẳng, 2m3 là thể tích của 1 hình khối vật thể, vậy 2m4, 2m5… là biểu trưng cho điều gì? Thấy mê mẩn! Đó là vào những năm 2003 đến 2005.

Rồi đến “Đường mây qua xứ tuyết”, tiếp tục khiến mình muốn tìm hiểu về khoa học huyền môn, rất mông lung, rất lôi cuốn nhưng cũng cảm thấy nó có tác động hết sức thiết thực đến cuộc sống vật chất này.

Sau đó mình cũng đọc bộ sách của Erơnơ Munđasep, mình đã vô cùng thích cách ông giải thích thế giới, các chủng tộc con người xuất hiện trên thế giới, quỹ gene nhân loại, kim tự tháp… Lần cuối mình đọc sách của Erơnơ Munđasep là cuốn “Trong vòng tay Sambala”. Cuốn tiếp theo của ông mà mình chờ đợi đó là “Ma trận cuộc sống”. Hồi năm 2008, mình là thuỷ thủ viễn dương, mỗi lần tàu cập cảng có sóng điện thoại, thì người đầu tiên mình gọi… không phải là bạn gái, mà là chị Hằng – số điện thoại hotline của Nhà xuất bản Thế Giới (xuất bản những cuốn này của ông) để hỏi chị xem cuốn “Ma trận cuộc sống” đã phát hành chưa. Câu trả lời của chị luôn là: “Vẫn đang dịch em ạ”.

Tất cả đều khiến mình rất thích, hy vọng… nhưng có một cái gì đó mông lung và cảm thấy không xâu chuỗi lại được với nhau từ những kiến thức bí ẩn này cũng như liên kết chúng vào cuộc sống hiện tại.

Đến năm 2010 mình đang làm việc tại Quảng Ninh, sau vài năm thì giống như nhiều thanh niên thế hệ 8x mình bắt đầu thích công nghệ, những thứ như điện thoại, máy tính và phần mềm ứng dụng trong công việc và cuộc sống. Rồi công việc, bạn bè, sự nghiệp cuốn đi, mình đã không còn để ý đến những câu chuyện về khoa học tâm linh nữa. Nhưng một buổi tối hồi đó, người đồng nghiệp cũ đã gọi điện thoại cho mình (anh nói để tìm được mình anh đã phải hỏi thăm rất nhiều người vì anh ấy đã mất số thoại của mình và mình thì cũng đã đổi số điện thoại được mấy lần) và bảo anh ấy đã tìm được một vị sư phụ. Mình thực sự thấy rất… bình thường, anh ấy bảo mình là muốn giới thiệu mình với vị sư phụ đó và môn anh đang tập luyện. Thú thật lúc đó mình không để ý lắm đến câu chuyện của anh vì mình nghĩ tu tập gì đó thì là câu chuyện của mình lúc về già, thời điểm bấy giờ mình thấy không phù hợp. Nhưng vì anh là một người đồng nghiệp tốt, một người anh tử tế, hai anh em đã có những kỷ niệm rất tốt đẹp khi làm ở công ty cũ nên mình đồng ý để anh giới thiệu. Anh bảo anh sẽ gửi sách giấy cho mình nhưng hiện tại bây mình có thể vào trang web để có thể tải sách điện tử về đọc luôn. Và sau vài bước đơn giản, mình đã có được cuốn sách đó trong điện thoại của mình, đó là cuốn… “Chuyển Pháp Luân”.

Ảnh: Nguyễn Anh Đức.

Hồi đó mình thường có thói quen đọc sách trên điện thoại trước khi đi ngủ, và đêm đó mình đã bắt đầu đọc Chuyển Pháp Luân. Cảm nhận đầu tiên khi đọc cuốn đó chỉ là: chấn động, chấn động và chấn động. Có cái gì đó nó cộng hưởng, bùng nổ bên trong mình.

Tất cả những câu hỏi trong đầu mình được giải đáp, kể cả những câu hỏi mà mình nghĩ là sẽ chẳng có ai quan tâm ngoài bản thân mình thì cũng đều được giải đáp hết. Thế nào là đúng, thế nào là sai, tại sao con người sinh ra rồi lại mất đi, vì sao có những người tốt nhưng cả đời họ vẫn khổ, tại sao có những người không tốt nhưng họ lại vẫn sung túc??? Hồi sinh viên mình được một thầy giáo người Mỹ (thầy tên Chad Gauger) đã dạy mình về Kinh Thánh, hồi đó một thầy một trò mình học những giáo lý trong Kinh Thánh mình thấy rất thích và thầy cũng công nhận là mình hiểu rất nhanh những điều được giảng trong đó, cuối cùng trước khi về nước thầy hỏi mình có muốn theo đạo của Thiên Chúa không, nhưng mình cũng lại mắc ở một vài câu hỏi mà chính thầy cũng không giải cho mình thông được. Sau một đêm mình suy nghĩ và bắt buộc phải trả lời thầy: “Xin lỗi thầy, em không thể”. Thầy đã khóc… trước mặt mình (có lẽ mình sẽ không bao giờ quên được những giọt nước mắt đó). Nhưng giờ tất cả đã sáng tỏ.

Thầy Chad Gauger (ảnh chụp màn hình trang Youtube).

Cả mấy ngày hôm đó mình như bừng tỉnh, thế giới quan bắt đầu thay đổi một cách mạnh mẽ…

Cuốn Chuyển Pháp Luân này không màu mè, không nhiều cảm xúc nhưng cho chúng ta một cái nhìn bao quát và rõ ràng về vũ trụ, con người, đạo đức, tâm linh, vật chất – tinh thần… Tất cả những mơ hồ của mình trước đó đã sáng tỏ và kết nối lại được với nhau một cách hết sức thú vị và thiết thực.

Có những đồn đại về những điều xung quanh cuốn sách này, bởi vì cuốn này vẫn là free (miễn phí) ở trên mạng và chưa được xuất bản chính thức ở Việt Nam (giống như cuốn “Hành trình về Phương Đông” trước đây). Có nhiều người đọc xong thì tư duy được nâng cao, chất lượng cuộc sống thay đổi thực sự, nhưng cũng có những người vì mục tiêu truy cầu này nọ nên họ chưa thu hoạch được nhiều, đôi khi khiến người xung quanh thấy khó chịu (số này không nhiều). Tuy nhiên giá trị của Nó thì sẽ tự mỗi người đọc cảm nhận và sẽ không bị biến đổi theo thời gian (cuốn này xuất bản năm 1995 và sau 15 năm mình mới được đọc). Độc giả hãy tự tìm cho mình câu trả lời nhé!

Hiện mình vẫn sống, làm việc và theo đuổi ước mơ của riêng mình, mình vẫn phải học thêm những khóa học kỹ năng và đọc những sách bổ trợ cho công việc của mình, nên mình hiểu tìm được một cuốn sách hay rất là khó nếu không muốn nói đó là một công phu. Nhưng mình biết Chuyển Pháp Luân sẽ là một cuốn xuyên suốt, cốt lõi nhất của mình để tham chiếu và mình vẫn thường phải đọc đi đọc lại để cảm nhận rõ hơn những nội hàm thâm sâu trong đó. Bởi những điều mình vẫn nhận được từ cuốn sách này khiến mình nhìn cuộc sống bao dung hơn, độ lượng hơn và tử tế hơn.

Mình xin kết thúc bằng một câu nói về sách mà mình rất tâm đắc từ tác giả Nguyễn Duy Cần:

“Tôi sợ người chỉ đọc có một quyển sách mà thôi”.

***

Bạn đọc có thể đọc cuốn Chuyển Pháp Luân tại đây.

Thanh Tâm

Video xem thêm: Thiếu tướng nguyên Tổng biên tập báo Quân Đội nói gì về Pháp Luân Công

Exit mobile version