Câu chuyện về người mẹ ở Bình Định “dùng đôi tay để làm đôi chân của con” đăng trên báo Tuổi Trẻ đã khiến nhiều người bùi ngùi xúc động. Ở đó, người ta không chỉ thấy tình mẫu tử ấm áp mà còn nhận ra trong cuộc đời này, tình người vẫn thật đẹp biết bao.

Nguyễn Lương Phương Thủy (19 tuổi) hiện là sinh viên năm 2 khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Tp.HCM). Bị ngộ độc thuốc tiêm ngừa từ nhỏ, suốt 15 năm qua, đôi chân khỏe mạnh của Thủy ngày càng yếu dần đi trên đôi tay cũng ngày một yếu dần của mẹ. Dù thiệt thòi nhiều so với bạn bè cùng trang lứa nhưng Thuỷ vẫn giành được thành tích đáng nể: 12 năm liền là học sinh giỏi, đoạt giải học sinh giỏi môn tin học cấp huyện, thành viên đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh và bước vào giảng đường đại học với 23,15 điểm.

Bà Lương Thị Phước (57 tuổi) đã “theo con đi học” suốt những năm phổ thông. Đến khi con vào đại học, đến một thành phố rất xa, hai mẹ con lại khăn gói mang theo gạo, mắm, cá, đủ thứ vào Sài Gòn tìm chỗ trọ. Những ngày theo con đi phỏng vấn xin học bổng, đi xe buýt lạc đường, đi bộ không dám qua đường, đẩy xe lăn lên các bậc đường mà cứ sợ con chúi nhủi, chăm sóc con đau ốm, đủ thứ chuyện… Chưa bao giờ người mẹ ấy nghĩ rằng mình sẽ gặp những tình huống khó khăn đó ở một thành phố xa lạ, nhưng mà “bình thường thôi, vì tôi là mẹ mà”.

Hai mẹ con nương tựa nhau giữa Sài Gòn hoa lệ

Căn phòng trọ bé xíu, ẩm ướt trong con hẻm nhỏ ở Thủ Đức, đối diện Đại học Khoa học Tự nhiên là nơi mà mẹ con thuê để Thủy tiện đi học. Đều đặn 2h sáng mỗi ngày, bà Phước thức dậy nấu xôi, làm bánh bèo cho kịp bán buổi sáng.

Thủy cũng dậy thật sớm học bài, phụ mẹ cho bánh bèo, muối đậu vào hộp và đi bán cùng mẹ. Đến hơn 7h sáng, bà Phước gửi tạm xe xôi cho chú bán cơm gần đó rồi đẩy Thủy trên chiếc xe lăn (được một Việt kiều Nhật tặng vào năm Thủy học lớp 7), rồi bế Thủy vào giảng đường…

Ở lớp, Thủy được thầy cô và bạn bè yêu mến bởi nỗ lực học tập và sự hòa đồng, thân thiện (ảnh: M.Trâm – báo Tuổi Trẻ).

“Bé Thủy cũng siêng lắm, đi học về học bài rồi tiếp phụ chị làm nhiều việc, chứ chuẩn bị đồ bán mình chị Phước lo không nổi” – ông Phạm Văn Dô, chủ tiệm cơm bà Phước hay nhờ vả chia sẻ với PV báo Tuổi trẻ. Ông kể, dạo trước mẹ Thuỷ đi làm thuê cực quá nên ông mách nước bán đồ ăn sáng ở đầu hẻm, đến nay cũng được hơn 2 tháng rồi.

Cứ như vậy suốt hai năm qua, khi thì bà Phước theo Thủy đi học, lên xuống giữa hai cơ sở của trường ở quận 5 và Thủ Đức, cùng Thủy tham gia các hoạt động của khoa, cùng đi tham quan bảo tàng, đi phỏng vấn xin học bổng…

Thầy Tô Văn Khiết (giáo viên Trường THPT Phù Mỹ, Bình Định) nhớ lại ngày Thủy còn học ở quê, bà Phước chạy hết xe đạp rồi đến tập xe máy để đưa Thủy đến trường. Dù bận rộn đến mấy, người mẹ ấy chưa bao giờ để con trễ học hay vắng một hoạt động, một buổi học bồi dưỡng, một kỳ thi học sinh giỏi nào của lớp, của trường.

Gia đình khó khăn, cha bị suy tim, anh trai cũng còn đi học, mọi gánh nặng trong nhà đều dồn lên đôi vai yếu ớt của mẹ. Thuỷ thương mẹ lắm, đã có lúc em nghĩ chỉ nên học hết lớp 12 thôi cho mẹ đỡ vất vả nhưng sau đó em lại nghĩ: Chỉ có học mới mong cuộc sống tốt hơn, mới có thể làm việc để nuôi sống bản thân và báo đáp cha mẹ.

Rồi câu nói chắc như đinh đóng cột của mẹ “con đi đâu thì mẹ theo đó” đã giúp Thủy có thêm động lực để bước vào một hành trình mới.

Những hôm mẹ đông khách, Thủy nhờ bạn bè đưa đến trường (ảnh: M.Trâm – báo Tuổi Trẻ).

Hiện tại, cuộc sống của mẹ con Thủy đã ổn hơn trước, em chỉ mong mẹ và mình đủ sức khỏe để em hoàn thành chương trình học và có việc làm sau khi ra trường. “Vào đây học, gặp nhiều anh chị hoàn cảnh cũng giống mình nhưng anh chị vẫn đi làm được, vẫn tự nuôi sống bản thân, nên tôi nghĩ mình cố gắng thì cũng đỡ mù mịt hơn. Sau này đi làm, tôi sẽ dẫn mẹ đi du lịch, chứ mẹ khổ vì tôi quá nhiều rồi” – Thủy thật thà tâm sự.

Ngoài mẹ ra, Thủy có rất nhiều đôi chân

Thủy kể suốt 15 năm đi học, từ mẫu giáo lên năm hai đại học, ngoài mẹ, Thủy đã đi nhờ trên đôi chân của không biết bao nhiêu thầy cô, bạn bè. Nhiều bạn đã cõng Thủy vô lớp, lên mấy tầng lầu vì lắm lúc mẹ yếu không ẵm nổi. Thủy nói chưa bao giờ cảm thấy tủi thân vì bạn bè đều quan tâm, không bỏ rơi Thủy, thầy cô cũng hỗ trợ rất nhiều…

Không những vậy, Thủy còn được nhà hảo tâm tặng xe lăn, các tổ chức tặng quà, học bổng. Hai mẹ con vào Sài Gòn thuê trọ, kiếm tiền đi học, được nhiều cô chú giúp đỡ, cho cả bếp gas, chén bát, bàn học, giúp mẹ tìm việc, buôn bán…

Thủy gọi đó là những người có ơn với bản thân cùng gia đình em và “Tôi chỉ biết cố gắng học thật tốt để trả những ơn này”.

Video xem thêm: Phép tắc người con

videoinfo__video3.dkn.tv||4a1528235__