Bà Sáu Thia (Đồng Tháp) được lọt top 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu do hãng tin BBC (Anh Quốc) bình chọn. Gần hai mươi năm qua, cứ hè về, khoảng trước mùa lũ chừng một tháng, bà Sáu lại tạm nghỉ công việc bán vé số để dạy bơi cho trẻ em miệt Tháp Mười. Điều kỳ lạ là, những đứa trẻ học với bà, chỉ cần sau mấy ngày đã “đạt chuẩn”.

Bà Sáu Thia tên thật là Trần Thị Kim Thia. Sở dĩ bà được gọi cái tên thân thương như vậy là vì bà là con thứ sáu trong gia đình. Quê gốc của bà Sáu ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Nhà nghèo, ba mẹ bà lần lượt qua đời từ khi còn rất trẻ, bà Sáu bắt đầu đi làm thuê kiếm sống rồi lưu lạc đến xã Hưng Thạnh này. Tại đây, bà làm đủ thứ nghề, từ làm cỏ, dặm lúa, đan lục bình, bán vé số đến cả công việc đốn tràm, bốc vác… Người phụ nữ hơn một đời người dầm mưa dãi nắng làm việc nặng nhọc nên màu da sạm đen, sức vóc lực lưỡng như đàn ông. 

Gần hai mươi năm qua, cứ hè về, bà Sáu lại tạm nghỉ công việc bán vé số để dạy bơi cho trẻ em miệt Tháp Mười.

Hưng Thạnh là xã có nhiều kênh rạch nhất nhì miệt Tháp Mười, Đồng Tháp. Nhiều năm trước, nhất là vào mùa lũ, chuyện những đứa trẻ bị đuối nước không phải là hiếm. Bà Sáu tâm sự mỗi lần lũ về, nghe đài báo về những cái chết thương tâm ấy, lòng bà đau thắt lại vì thương tụi nhỏ.

Năm 2002, UBND xã Hưng Thạnh triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em vùng sông nước và bà Sáu được mời làm “huấn luyện viên”. Những đứa trẻ được bà dạy rất nhanh biết bơi, nhanh thì 5 ngày, chậm cũng 10 ngày là đủ điều kiện tốt nghiệp. Nhiều đứa trẻ lúc trước rất sợ nước nhưng học bơi với bà Sáu mấy ngày là đã bơi giỏi rồi.

Để đảm bảo an toàn, bà Sáu Thia lặn xuống sông cắm cọc tre, bao lưới mùng làm hàng rào xung quanh làm “hồ bơi” cho lũ trẻ. “Trước khi cho tụi nhỏ xuống là tôi phải bơi lặn trước kiểm tra xem có gì không để tụi nhỏ không bị đau” – bà Sáu kể.

Những đứa trẻ học với bà Sáu, chỉ cần sau mấy ngày đã biết bơi

Cứ như vậy, suốt 17 năm qua, bà Sáu Thia được nhiều phụ huynh tin tưởng gửi con học bơi. Dù số tiền trợ cấp của UBND xã Hưng Thạnh cho các lớp học bơi rất thấp (chỉ 300.000 đồng/lớp) nhưng bà Sáu không nhận thêm học phí của bất cứ em nào. Có nhiều phụ huynh cố gắng “nhét túi” riêng để cảm ơn nhưng bà Sáu đều từ chối. Trung bình mỗi năm, bà dạy khoảng 8 lớp với khoảng 240 trẻ từ 7-15 tuổi. Mỗi buổi học kéo dài khoảng 1 giờ rưỡi, trong khoảng 15 ngày. 

“Tôi coi tivi thấy nhiều trường hợp trẻ chết đuối mà thương lắm nên muốn dạy mấy đứa nhỏ biết bơi để tự bảo vệ mình” – bà Sáu Thia tâm sự.

Dù số tiền trợ cấp cho các lớp học bơi rất thấp (chỉ 300.000 đồng/lớp) nhưng bà Sáu không nhận thêm học phí của bất cứ em nào

Dù bà Sáu rất nghiêm khắc khi dạy bơi nhưng hầu hết trẻ em, phụ huynh trong xã Hưng Thạnh ai cũng yêu mến bà. Em Trần Thanh Tuấn (12 tuổi) đang tập bơi khoe: “Trước chưa biết bơi, con sợ nước lắm, nhờ bà Sáu dạy mà con dám bơi nè. Lúc dạy bà hay la nhưng tụi con đứa nào cũng thương bà”

(Nguồn ảnh: Phụ nữ Việt Nam)

videoinfo__video3.dkn.tv||830fd9b79__