Khi nghĩ đến sa mạc người ta thường nói đến những bờ cát trắng trải dài ngút ngàn dưới cái nóng như thiêu như đốt. Thế những vẫn có những sa mạc trái ngược với những gì chúng ta thường tưởng tượng, đôi khi chúng không chỉ hoàn toàn là gió và cát. Hãy cùng điểm qua một vài vùng đất kỳ lạ như thế trên trái đất này.
Sa mạc với những hồ nước ngọt – Lencois Maranhenses
Sa mạc Lencois năm ven biển và khá gần khu vực Amazon nên chúng may mắn được hưởng một lượng mưa cao gấp 300 lần so với sa mạc Sahara. Trong mùa mưa, nơi đây như một túi chứa nước ngọt với những hồ nước trải dài bên đụn cát trắng.
Dưới ánh mặt trời chói chang, những hồ nước trong vắt đến tận đáy khiến ta không khỏi ngỡ ngàng với vẻ đẹp của sa mạc này. Thậm chí, vào mùa nước lớn một số nơi còn xuất hiện cá và các ốc đảo, trong thời gian đó du khách có thể lựa chọn nơi đây để nghỉ ngơi và ngắm nhìn miền cát trắng ở sa mạc Nam Mỹ.
Sa mạc sặc sỡ – Painted Desert, Mỹ
Đúng như cái tên của mình, những ngọn núi ở nơi đây được phủ lên mình từng mảng màu riêng biệt bởi các lớp trầm tính và biến động địa chất trong hàng triệu năm. Khung cảnh của Sa mạc Sặc Sỡ chắc chắn sẽ khiến du khách choáng ngợp như đang lạc bước trong một mảnh đất cổ tích nào đó.
Sa mạc trắng – White Sands
Một sa mạc khác nằm ở miền Tây nước Mỹ với những đụn cát trắng xóa như đưa ta đến một miền đất đầy tuyết phủ vậy. Theo cách hiểu thông thường của mọi người, cát trên Sa mạc thường là có thành phần là thạch anh, thế nhưng ở White Sands, tất cả cả đều là do thạch cao phong hóa mà thành.
Cũng bởi lý do này, lớp cát nơi đây không hấp thụ nhiệt từ ánh nắng mặt trời quá nhiều, do vậy ta sẽ có cảm giác mát mẻ khi chạm vào cát. Du khác cũng có thể đi bộ trên cát bằng chân trần, thậm chí là cả trong những tháng hè nóng nhất. Nơi đây rất thích hợp cho những hoạt động tập thể như trượt cát và dã ngoại.
Sa mạc đen – Ai Cập
Ít ai biết rằng, ở Ai Cập bên cạnh những sa mạc cát vàng còn có cả những Sa mạc cát đen và cát trắng. Cách Farafra 100 km về hướng Đông Bắc có một vùng đất như thế. Sa mạc phủ lên mình tấm áo của tro bụi từ một ngọn núi lửa gần đó. Trải qua năm tháng cùng với sự phong hóa của gió cát, tàn tro núi lửa lẫn với cát để tạo thành một khung cảnh như hiện nay. Tới đây, du khách còn có thể bắt gặp những tảng đá đen xen kẽ với đá nâu vàng bình thường, đây cũng là kết quả của các đợt biến động địa chất trong quá khứ.
Sa mạc trắng – Farafra, Ai Cập
Farafra vốn là một hoang mạc đầy cát trắng nằm ở phía tây Ai Cập, sa mạc sở hữu nhiều cảnh tượng vô cùng độc đáo. Ban ngày, ánh nắng mặt trời phủ lên Farafra một mòng hồng cam nhẹ nhàng và đầy quyến rũ. Nhưng về đêm khi cái lạnh lan tràn, một Nam Cực thứ hai xuất hiện, trắng xóa và lạnh lẽo. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa ngày và đêm cùng với quá trình phong hóa mạnh mẽ cũng được cho là “tác giả” của những tảng đá có hình thù đặc biệt.
Salar de Uyuni – Sa mạc muối
Những cánh đồng muối luôn là nơi tuyệt vời để các nhiếp ảnh gia thỏa sức sáng tạo với từng góc máy. Ở Bolivia điều này còn tuyệt vời hơn nữa, Salar de Uyuni là một chiếc gương khổng lồ phản chiếu cả bầu trời và cảnh vật mênh mông. Trước đây, nơi này từng là những hồ nước mặn lớn, trải qua thời gian nước dần bay hơi và chỉ còn những hạt muối trắng kết tinh. Với số lượng muối quá lớn, người ta đã gọi nó với một cái tên đầy tính hình tượng – Sa mạc muối.
Sa mạc Atacama – Cánh đồng hoa ở Chile
Một vùng sa mạc khô cằn nhất thế giới nhưng bỗng chốc trở thành cánh đồng hoa cẩm quỳ mênh mông bát ngát. Vào tháng 3 năm 2015 một trận mưa lớn đã diễn ra ở đây, khiến cho những loài thực vật ngủ sâu dưới lòng sa mạc được đánh thức và biến nơi đây trở thành một vùng đất vô cùng xinh đẹp. Rất nhiều du khách từ khắp mọi nơi đã đến đây để chiêm ngưỡng và ghi lại cảnh tượng tuyệt đẹp này.
Anh Lân