Đại Kỷ Nguyên

Đứa con tù tội vì đánh người, không ngờ mẹ già biệt tăm chỉ để lại… những đóa mai (Phần 1)

Nếu bạn đang đau khổ vì mất niềm tin vào chính mình và không nhìn thấy tương lai, câu chuyện về lòng dũng cảm dưới đây sẽ khiến những suy nghĩ tiêu cực của bạn lắng xuống, tâm hồn cũng trở nên nhẹ nhàng hơn, để từ đó mà tìm thấy niềm hy vọng cho bản thân. 

Đi tù, những chiếc áo thêu hoa và nỗi đau quá lớn

Năm 18 tuổi, tôi vì không giữ được bình tĩnh mà đánh trọng thương một người, kết quả tôi nhận án tù 6 năm. Trong phiên tòa xét xử tôi, mẹ cũng có mặt. Mẹ ngồi lặng lẽ ở hàng ghế đầu tiên, khuôn mặt cúi gằm, tôi chỉ có thể nhìn thấy chiếc khăn mùi xoa trong tay mẹ. Nó đã trở nên nhàu nát và có lẽ đã thấm đầy nước mắt. Trước khi tôi bị giải đi, tôi cố gắng nhìn về phía mẹ, như thể chờ mẹ ngước lên và nói một điều gì đó. Nhưng, phiên tòa vừa kết thúc, mẹ đã lẳng lặng bước ra khỏi phòng xử án, không nhìn tôi lấy một lần.

Những ngày tháng đầu tiên trong tù, tôi bị những tù nhân khác đánh liên miên, tôi đấu lại với họ bằng hết sức bình sinh. Như thể qua đó, tôi nói với mẹ, hay với chính tôi rằng: Nếu mẹ đã coi tôi là đồ bỏ đi, đã không thèm nhìn tôi lấy một lần, thì tôi sẽ là đồ bỏ đi như nguyện ý của mẹ. Và rồi, tôi bị chuyển tới phòng biệt giam. Những người quản tù nói với tôi nếu tôi còn giữ thái độ như vậy, án tù của tôi sẽ còn thêm lên vài năm nữa. Lúc ấy, con quỷ phẫn nộ cay nghiệt gào lên trong tôi: “Ta không quan tâm vì ta sẵn là đồ bỏ đi rồi!”. Và tôi chung sống với con quỷ ấy từ đó cho tới một ngày khi người cai ngục chuyển cho tôi một cái bọc giấy, nói là của mẹ gửi cho tôi.

Tôi không dám tin vào tai mình, mẹ gửi đồ cho tôi sao? Lặng ngắm gói đồ một hồi lâu, tôi mới mở lớp giấy xi măng đã nhàu nát bọc món quà của mẹ. Bên trong mẹ để một chiếc áo len màu đen, ở góc của trái tim có thêu đôi bông mai trắng nhỏ, những bông mai trong khu vườn của chúng tôi xưa kia. Mắt tôi khi chạm vào đôi bông mai đó, kí ức nhưng tháng ngày ấu thơ lại ùa về.

Trong khoảnh vườn yên tĩnh phía sau nhà, mẹ con tôi đã từng có những buổi sớm mai ngồi bên nhau ngắm cây mai trắng trổ bông. Tôi còn nhớ rất rõ, lần đầu tiên ngắm mai cùng mẹ. Mẹ đã nắm bàn tay nhỏ bé của tôi, dẫn tôi đến trước một cái cây trong vườn và nói tôi hãy ngắm cây cho thật kĩ, tôi sẽ tìm thấy điều kì diệu… Khi tiến gần hơn đến bên cái cây tưởng như không còn chút sự sống, cành đầy tuyết phủ ấy, tôi vui sướng khi tìm thấy những bông hoa nhỏ xíu lẫn trong màu tuyết trắng, những bông hoa mai đầu tiên của mùa xuân. Đến lúc đấy mẹ mới lại gần bên tôi, đặt bàn tay ấm áp của bà lên vai tôi, như với một người lớn và kể cho tôi nghe về cây mai và những bông mai trong gió tuyết:

“Con trai à, đây chính là cây mai cha con trồng từ rất lâu trước đây, trước khi mẹ găp cha. Cha con quý cây mai này như một người bạn tri kỉ vậy. Mỗi lần gặp một chuyện gì đó có thể khiến cha con chùn bước, mẹ đều thấy ông đứng lặng trước cây mai. Như thể vẻ tinh khôi của nhưng bông hoa này bất chấp gió, tuyết đã truyền thêm rất nhiều cảm hứng cho cha con. Cha trước khi mất chỉ muốn mẹ làm một điều, đó là giúp con trai nhận ra vẻ đẹp của Hoa Mai”

“Băng tuyết lâm trung trước thử thân.
Bất đồng đào lý hỗn phương trần.
Hốt nhiên nhất dạ thanh hương phát.
Tán tác càn khôn vạn lý xuân.” 

Dịch nghĩa: 

Băng tuyết ở trong rừng phủ lên thân này (cây mai).
Không cùng hương hoa đào hoa mận lẫn lộn trên đời.
Bỗng nhiên một đêm nở ngát hương thanh.
Bay khắp trời đất vạn dặm xuân.

Dù mọc trên vùng cao lạnh lẽo, đối diện với gió sương, cây mai vẫn khiêm nhường tỏa sáng vẻ đẹp của riêng mình. Cha muốn con trai hãy lấy cốt cách thanh cao của cây mai mà làm hình mẫu để soi mình, để học được cách đối đãi với những nguy nan trong cuộc đời.”

Tiếng mẹ tôi như văng vẳng khắp căn phòng, bao bọc lấy tấm thân tôi, thấm lại vào trong từng tế bào của cơ thể tôi. Trong chốn ngục tù tối tăm này, lần đầu tiên, tôi cảm thấy vị mặn của nước mắt. Tôi đã òa khóc như một đứa trẻ khi nắm trong tay tờ giấy mỏng manh viết một dòng của mẹ “Con trai, mẹ chờ con về báo hiếu”. Mẹ không coi tôi là đồ bỏ đi như tôi nghĩ, bà cũng không chối bỏ tôi. Mẹ đang động viên tôi và đang giúp tôi hiểu tôi phải sống tiếp như thế nào.

Và từ đó, năm nào tôi cũng nhận được một chiếc áo len của mẹ, trên phần áo áp sát nơi trái tim, mẹ vẫn luôn thêu đôi bông mai trắng như thể nói với tôi rằng: Con trai, năm qua con đã sống thật kiên cường như một bông mai, mẹ tin là như thế.

Năm năm trôi qua, tôi chuẩn bị được ra tù vì cải tạo tốt. Tôi ngóng chờ từng ngày để được về nhà, để được quỳ xuống trước người mẹ nhỏ bé của tôi mà nói lời cảm tạ, để bà biết rằng, những chiếc áo thêu hoa mai của bà đã dạy tôi rất nhiều, là động lực cho tôi suốt những năm qua. Những chiếc áo ấy đối với tôi giống như cây mai của bố, gió sương cũng không thể khiến hoa mai thôi tỏa hương. Không có mẹ, không có những thông điệp thầm lặng của bà, có lẽ tôi đã mất đi khoảng thời gian 5 năm trong tù chỉ để cay nghiệt lại với cuộc đời.

Cuối cùng, cái ngày mơ ước ấy đã đến, tay nải trên vai, tôi trở về quê, trong đầu đang mải miết với những suy tưởng về mẹ. Chắc tôi sẽ làm mẹ bất ngờ vô cùng, và có lẽ sự rắn rỏi của tôi cũng khiến bà an lòng hơn. Con đường nhỏ dẫn vào nhà tôi sau 5 năm vẫn không thay đổi quá nhiều. Nhưng trong lòng tôi bỗng thấy một sự bất an. Rảo bước hơn, tôi nhanh chóng đi đến cuối con hẻm dài và sâu. Dừng lại trước chiếc cổng gỗ cũ kĩ, quen thuộc, cảm giác bất an của tôi càng rõ ràng. Chiếc ổ khóa đã hoen gỉ như thể đã từ rất lâu rồi không ai động tới, cỏ tranh mọc cao khắp xung quanh, ngôi nhà nhỏ của tôi im lìm, không một tiếng động. Tôi nhanh chóng đi tìm dì Liên, hàng xóm lâu năm của nhà tôi và cũng là bạn thân nhất của mẹ để hỏi thăm tình hình.

Khi nhìn thấy tôi, đôi mắt dì mở to đầy kinh ngạc. Dì ôm tôi vào lòng: “Cháu đã về rồi đấy ư, cháu được về sớm, quả là tốt lắm, tốt lắm”. Dì không nói gì thêm, cũng không để tôi phải hỏi nhiều, dì hiểu điều tôi muốn hỏi. Dì dắt tay tôi ra nơi cuối cánh đồng của làng – ngôi nhà cuối cùng của những người đã khuất. Dì dừng trước một ngôi mộ nhỏ, nằm khiêm tốn, cô đơn ở cách xa những ngôi mộ khác, rồi đưa mắt nhìn tôi. Đứng trước nấm mồ xanh cỏ, tôi vẫn chưa thể tin vào mắt mình, tôi đăm đăm nhìn tấm ảnh trên bia mộ, lòng không muốn tin, người nằm dưới nấm cỏ xanh ấy lại chính là… mẹ tôi.

“Mẹ cháu vì muốn kiếm thêm chút tiền tích cóp cho cháu để khi về có thể gây dựng lại cuộc sống của mình, nên đã không quản vất vả, sáng đi làm ở xưởng pháo hoa, tối lại đan thêm áo len. Đến một ngày kia, xưởng pháo hoa bốc cháy. Hôm đó, dì nhớ, trời nóng rất khủng khiếp. Người ta đã nhanh chóng di tản tất cả công nhân nhưng vẫn có vài người không may mắn bị mắc kẹt lại trong đám cháy, trong đó, có mẹ con. Khi bà được chuyển ra đến bệnh viện, dì vào thăm, thì mẹ con cứ cầm tay dì như thể muốn nói điều gì đó. Cố gắng lắm, mẹ con mới nói được rằng còn có một bọc nhỏ, giấu trong rương nhờ dì gửi cho con. Rồi mẹ con từ từ nhắm mắt…

Vì bình thường, mẹ con cũng hay tâm sự với dì về chuyện đan áo cho con, nên khi tìm thấy cái bọc mà mẹ con căn dặn, dì hiểu, mẹ vẫn muốn gửi chiếc áo thứ sáu này để con yên tâm mà hoàn thành nốt năm cuối cùng tu dưỡng trong ấy cho trọn vẹn”. Nói đến đây, dì Liên khóc nấc lên.

Sau đó, tôi theo dì về nhà, nhận món quà cuối cùng của mẹ. Dì còn đưa cho tôi một chiếc phong bì có một khoản tiền nhỏ trong đó, dì nói, mẹ tôi mới kịp tích cóp có nhiêu đó cho tôi thôi thì đã phải rời đi rồi. Cầm tất cả những thứ mẹ gửi lại nơi trần thế này, tôi cảm tạ dì vì đã giúp tôi lo chu toàn cho tang lễ của mẹ, và giữ những món đồ quý giá này. Cảm tạ xong, tôi từ biệt dì để lên thành phố, trong tim là nỗi đau không từ ngữ nào lột tả được hết…

(Còn tiếp…)

Tham khảo Tinh Hoa
Ly Ly

Xem thêm:

Exit mobile version