Nói về Đạo dùng người, người Hoa xưa có câu nói nổi tiếng: “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy” và đôi đũa được sử dụng trong bữa ăn đời thường được xem là một trong những gia quy quan trọng.
Sự tích bó đũa
Chuyện kể ở một gia đình đông con nọ, các con thường xuyên tranh giành, không đoàn kết khiến người cha rất buồn. Một hôm, ông cầm một bó đũa và gọi các con của mình đến đưa cho mỗi người một chiếc đũa và kêu các con bẻ chiếc đũa đó, tất nhiên rất dễ để bẻ nó. Sau đó, ông cầm một đôi đũa và cũng làm tương tự. Cuối cùng, ông cầm 3, 4 chiếc lên. Kết quả cũng tương tự – những chiếc đũa dễ dàng gãy đôi khi ông dùng lực để bẻ.
Sau đó, người cha cầm toàn bộ bó đũa, nắm chặt chúng với nhau và cố gắng bẻ nhưng không thể bẻ được. Ông chậm rãi ngẩng đầu lên và nói: “Mỗi con sẽ yếu như một chiếc đũa; các con có thể dễ dàng bị đánh bại nếu các con tách rời nhau. Nhưng khi các con hợp lại, nó sẽ trở thành nguồn sức mạnh không thể bị đánh bại”.
Qua câu chuyện, người cha muốn dặn dò các con rằng, chỉ có thương yêu đùm bọc và che chở cho nhau mới đem đến sức mạnh kiên cường không thể phá.
Đôi đũa truyền thống của người Đài Loan cổ đại
Ở Đài Loan, người cổ đại Hakka xem đũa là biểu tượng của gia quy. Đó là lời nhắc nhở các thành viên trong gia đình luôn phải hòa thuận và đùm bọ lẫn nhau. Vì vậy, bó đũa đã được dùng để đặt lên ban thờ để cúng.
Một phần bó đũa sẽ được đặt xoay mặt vào bên trong, phần khác xoay mặt ra ngoài. Sự sắp xếp đũa tượng trưng cách gia đình giúp đỡ người khác, cả người trong và ngoài gia đình.
Tại mỗi ngày lễ của người Hakka, người lớn tuổi nhất sẽ nhắc nhở lại luật lệ gia đình trước mặt tất cả các thành viên về giá trị đạo đức. Truyền thống và những câu chuyện kể đó được truyền từ đời này sang đời khác và cho tới tận hôm nay. Rất nhiều người tin rằng, chính những câu chuyện và truyền thống như vậy đã tạo nên sức mạnh cho người Hakka.
Đôi đũa ngày nay
Ngày nay, đũa được dùng phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Khi cầm đũa đúng cách, những ngón tay tự nhiên đặt vào 3 vị trí: Ngón cái và ngón trỏ trên cao, ngón út và ngón đeo nhẫn ở dưới thấp, ngón giữa nằm ở giữa 2 chiếc đũa. Điều này không đơn giản chỉ là một quy ước bề mặt, nó còn tượng trưng cho quan niệm truyền thống của người Trung Hoa xưa về trời, đất và con người.
Ngón út và ngón đeo nhẫn hỗ trợ lẫn nhau dưới thấp, biểu thị cho Đạo của đất, hoặc là sự hợp tác của những người sống trong cõi âm. Ngón cái và ngón trỏ tương ứng với sự linh hoạt và ổn định hoặc những luật lệ trên thiên thượng.
Ngón giữa là biểu tượng cho vị trí khó khăn nhưng danh giá của một vị vương, theo truyền thống gọi là thiên tử. Đây chính là người vừa phải đáp ứng nhu cầu, mong ước của người dân vừa phải tuân thủ đạo đức và thuận theo mệnh trời.
Những vật dụng vô cùng thân thuộc trong đời sống hàng ngày tưởng chừng như một sự phát hiện ngẫu nhiên, nhưng lại chứa đựng trong đó nội hàm sâu sắc về con người và vũ trụ. Và có thể thấy, sự hòa hợp giữa đất trời và con người luôn là yếu tố được tìm thấy trong những phát minh của người xưa.
Người xưa tin rằng có một mối liên kết tồn tại giữa thiên thượng và con người. Họ một lòng thờ kính Thần vì Thần là đấng tối cao sáng tạo ra hết thảy vạn sự vạn vật trong không gian vũ trụ này. Những niềm tin như thế đã thấm nhuần vào văn hóa và cuộc sống, từ những lễ nghi tín ngưỡng đến những phong tục dân gian lưu truyền từ thế hệ này đến bao thế hệ khác.
Theo Vission Times,
Vy Huy biên dịch