Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể song cũng có thể là nguồn gây bệnh nếu không đảm bảo vệ sinh. Tại các nước phát triển trên thế giới, chính phủ đặc biệt quan tâm đến quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bài viết sẽ đề cập đến vấn đề này tại 3 nước Singapore, Nhật Bản và Đức.
Singapore: Xử phạt nặng thay vì rút kinh nghiệm
Singapore đặc biệt mạnh tay trong việc xử phạt các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nước, không một trường hợp nào được “thông cảm”. Họ cũng đưa ra một loạt các tiêu chuẩn gắt gao đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm nước ngoài nhập vào thị trường trong nước.
Điển hình vào năm 1999, trong khoảng thời gian phát dịch virus Nipah từ các nông trại chăn nuôi heo ở Malaysia, tất cả thịt heo sống từ Malaysia đều bị từ chối nhập khẩu vào Singapore.
Cơ quan chức năng cùng với chính phủ nhanh chóng tìm kiếm nguồn thịt heo khác thay thế. Chỉ trong thời gian vài tuần, thịt heo đã có mặt trở lại trên kệ bán khắp các siêu thị ở Sing dưới hình thức chuỗi thịt heo đông lạnh có nguồn gốc xuất xứ từ Úc. Để đa dạng nguồn hàng, cơ quan Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và thú y Singapore (AVA) còn tham khảo nhiều thị trường lớn nhỏ khác nhau ở 160 quốc gia.
AVA cũng ra thông cáo thu hồi những chai nguyên liệu trà sữa Chun Cui He của Đài Loan, buộc chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Singapore ngưng bán sản phẩm này kể từ ngày 22-08-2016 (theo Straits Times). Lý do là vì loại trà sữa này kèm chất phụ gia L-theanine, không có tên trong danh sách phụ gia được phép dùng theo quy định an toàn thực phẩm Singapore, mặc dù một số nước khác như Mỹ và Nhật vẫn cho phép.
Nhật Bản: Chỉ bán nông sản mình ăn được
Một năm sau vụ sóng thần và động đất kinh hoàng năm 2011, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra giới hạn liều bức xạ mới là 100 Bq/kg đối với tất cả các sản phẩm gạo được sản xuất tại vùng nhiễm phóng xạ Fukushima, một mức được cho là rất thấp so với giới hạn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đưa ra là 500 Bq/kg. Họ cho rằng nồng độ phóng xạ như vậy trong nông sản sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy đã được các nhà khoa học công nhận là an toàn nhưng hầu hết người Nhật đều không ăn thực phẩm từ Fukushima. Người sản xuất không ăn và người tiêu dùng cũng không chấp nhận. Thậm chí, người dân tại Tokyo, khu vực cách xa Fukushima gần 300km còn có tư tưởng tránh được sản phẩm Fukushima nhiều chừng nào tốt chừng đó.
Trước thực tế đau lòng đó, những người nông dân ở Fukushima đã tự thân vận động, quyết tâm lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Họ cân đong kỹ lưỡng bằng cân điện tử với độ chính xác cao đến từng gram hóa chất, mời những chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu và giải cứu đất và nước khỏi ô nhiễm phóng xạ.
Những người nông dân trong vùng thẳng thắn chia sẻ: “Chúng tôi không ăn loại nông sản này, chúng tôi cũng không bán cho người khác với mức giá thấp dù chính quyền cho phép. Điều này làm mất đi lòng tự hào của một người nông dân trong sản xuất”.
Thực vậy, trong quan điểm của người Nhật, nông nghiệp trước hết để mang lại sức khỏe và sự sống cho mọi người, làm nông nghiệp phải bằng trái tim. Họ đặt an toàn sức khỏe lên hàng đầu và sẵn sàng chịu mất cạnh tranh về giá. Đó cũng là lý do vì sao sản phẩm rau xà lách của “làng thần kỳ” Kawakami được bán với giá cao gấp 5 lần so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, nhưng vẫn được người tiêu dùng ủng hộ.
Cuối cùng, sau hơn 4 năm nỗ lực, vào năm 2016, lô gạo từ vùng nhiễm phóng xạ quận Fukushima lần đầu tiên đã được đặt chân trở lại Singapore – một thị trường nổi tiếng cực kỳ khó tính. Mặc dù số lượng chỉ ở mức 300kg nhưng đây chính là sự ghi nhận nỗ lực của những nhà nông chính trực đã giải cứu nền nông nghiệp đang trên bờ vực sụp đổ uy tín và lấy lại “tự tôn” cho những người nông dân chân chính.
Đức: Trứng gà cũng cần “chứng minh thư”
Ở Đức, trứng gà cũng cần phải có “chứng minh thư”. Người ta căn cứ vào mã số trên trứng gà có thể kiểm tra chi tiết thông tin nguồn gốc quả trứng như nước sản xuất, nông trại nuôi gà, loại trứng gà… Nếu trứng gà có vấn đề, có thể dựa vào mã số trên quả trứng để điều tra thông tin của trại nuôi gà.
Các sản phẩm chế biến từ thịt cũng được kiểm định rất nghiêm ngặt. Trước khi giết mổ động vật cần phải được cơ quan thú y có thẩm quyền tiến hành kiểm dịch lần một, sau khi đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp giấy phép giết mổ. Sau khi giết mổ còn phải kiểm tra có ký sinh trùng hoặc virus gây bệnh trong thịt hay không. Sau khi đưa vào xưởng sản xuất, thịt nạc mỡ và chất phụ gia đều được kiểm soát chặt chẽ. Thịt không tươi sẽ không được mang ra bán, cho nên thực phẩm luôn phải duy trì trạng thái đông lạnh.
Các loại ngũ cốc lại càng được kiểm tra kỹ càng, trong quá trình sản xuất có sử dụng hoá chất và phân bón hay không, trước khi nhập kho có được loại bỏ tạp chất và nhiệt độ của kho chứa hay không… Trước khi đưa vào công xưởng còn cần kiểm định tiêu chuẩn chất lượng các loại ngũ cốc, quá trình gia công…
Nếu thực phẩm xảy ra vấn đề, có thể gọi điện thông báo đến đường dây nóng 24 giờ của Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Liên bang Đức, cảnh sát Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm sẽ nhanh chóng đến xử lí.
Khi thực phẩm có vấn đề nghiêm trọng, các đơn vị liên quan sẽ thông báo lên các phương tiện truyền thông một cách công khai và rõ ràng. Hành động này sẽ khiến các cơ sở kinh doanh có trách nhiệm hơn, đồng thời cũng có tác dụng thúc đẩy và giám sát đối với chính phủ.
Bạn đang đọc bài viết: “Đức, Nhật, Singapore kiểm soát thực phẩm sạch hiệu quả tới mức nào?” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |