Mấy ngày hôm nay, tôi nghe loáng thoáng những câu chuyện của các bậc phụ huynh về chuyện thi THPT Quốc gia. Người này tự hào khoe con cái mình, người kia ngưỡng mộ con nhà người ta, người khác lại so điểm số giữa các cháu…
Và tôi bắt đầu nghĩ, dường như chúng ta đang quanh quẩn trong cái nghịch lý được cả xã hội theo đuổi liên quan đến một từ: HỌC GIỎI.
Cha mẹ thường nói với con cái là đã học thì phải giỏi. Mà đo lường học giỏi ở đây là có được vào trường chuyên lớp chọn không, có đỗ đại học không, đại học có phải top đầu không, ra trường có thất nghiệp không, sự nghiệp có thành công không… Dường như luôn có một vòng tuần hoàn mặc định dành cho những ai muốn được vinh danh “học giỏi”.
Trên thực tế, để học giỏi ở Việt Nam cần tốn quá nhiều thời gian: học trên lớp, học ở nhà, học trung tâm, học phụ đạo, học gia sư… Mỗi ngày chỉ có 24 giờ, vậy còn thời gian đâu cho những thói quen lành mạnh như rèn luyện thân thể, đọc sách, thư giãn, du lịch… Học giỏi, đỗ thủ khoa đại học thì đã sao khi mà bạn chỉ là một con mọt sách và sức khoẻ yếu xìu?
Rất nhiều bạn môn nào cũng giỏi nhưng khi đi vào thực tế lại chẳng thật sự giỏi cái gì. Có bạn thi đại học được 9 điểm Vật lý nhưng không biết thay cái bóng điện ra sao. Có bạn thi học giỏi Toán cấp tỉnh, cấp Quốc gia mà tính nhẩm không bằng cô bán cá ngoài chợ…
Ví dụ như, nếu muốn làm hoạ sĩ, bạn lao đầu vào học đạo hàm, hàm số, tích phân để làm gì? Mà cho dù có cần thiết chăng nữa thì bây giờ có vô số ứng dụng làm thay con người những tính toán đó rồi. Hoặc nếu học kinh tế thì hẳn là bạn cũng không cần ghi nhớ những phương trình hoá học hay biên độ dao động của lò xo?
Những kiến thức quá cồng kềnh chẳng những không giúp được gì mà còn làm chúng ta thêm mệt mỏi. Giống như bạn đang tự kéo cày trong khi nhà có trâu và có máy vậy.
Bạn biết đấy, tuổi trẻ, chúng ta còn quá non nớt và yếu đuối, Chúng ta đi học để trau dồi kiến thức cho bản thân và trưởng thành lên theo năm tháng, chứ không phải là cố để học giỏi. Thế nhưng, bố mẹ lại luôn muốn con cái phải giỏi, phải là số 1, không được thua kém ai. Ai cũng biết cha mẹ luôn muốn điều tốt nhất cho con cái, nhưng đồng thời cũng chất lên lưng đứa trẻ những áp lực nặng nề, và rồi có thể đến một lúc nào đó chúng không thể chịu đựng nổi.
Đến khi chúng trở nên không biết giao tiếp, không dám nói chuyện với một người lạ, không biết tự nấu cho mình một bữa cơm, không thể thích nghi với môi trường mới… vì suốt ngày chỉ biết đến học thì sao?
Học giỏi mà không hạnh phúc thì còn bất hạnh hơn học dốt mà biết cái gì là tốt.
Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình giản dị và bình yên. Bố mẹ không ép tôi phải học giỏi hay răn dạy quá nhiều. Nhưng tôi học được rất nhiều từ cách bố mẹ sống.
Tôi học được rằng, việc chi li tính toán thiệt hơn chẳng khiến mình giàu có hơn. Tôi chỉ cần làm tốt phần việc của mình rồi đâu sẽ vào đó, chẳng cần phải tranh đấu với ai chi cho mệt. Đối xử chân thành và tin tưởng người khác là điều “lãi” nhất, có thể họ không đem lại lợi ích gì cho mình nhưng sẽ có những người khác giúp mình khi gặp khó khăn.
Tôi học được rằng, lòng tốt chẳng quá lớn lao mà ở trong những điều bình thường, giản dị…
Lòng tốt là khi mẹ ra chợ mua mớ rau thì không bao giờ mặc cả, thi thoảng còn đưa thừa mấy nghìn lẻ. Chẳng phải vì mẹ giàu có gì, mà vì mẹ biết ngày hôm ấy họ phải làm việc vất vả từ tinh mơ sáng; và số tiền nhỏ nhoi kia có thể là cả bữa ăn của một gia đình.
Lòng tốt là khi bố đang rất vội đến cơ quan làm việc, nhưng vẫn dừng lại đưa cụ già bị đụng xe vào bệnh viện.
Lòng tốt là khi chị gái chạy quanh bến xe tìm bác xe ôm để trả vài nghìn lẻ…
Tôi chẳng có kiến thức để nói về những thứ vĩ mô hay bàn luận những vấn đề giáo dục. Ở ngoài kia, người ta có đầy những nghiên cứu khoa học, thuyết phục về cách dạy con theo phương pháp Do Thái hay Nhật Bản, hoặc đưa ra những hướng đi mới để cải cách giáo dục nước nhà.
Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, trẻ con xứng đáng có một tuổi thơ trong trẻo, xứng đáng có được niềm tin vào con người và sự tử tế chân thành. Chúng không cần cố học giỏi để trở thành niềm tự hào của cha mẹ hay là idol của một ai đó.
Có lẽ vấn đề không phải ở Bộ Giáo dục, mà nằm ngay trong chính tâm thức của mỗi ông bố bà mẹ: có dám để cho con mình sống với chính khả năng của nó hay không? Trẻ con, chỉ cần bố mẹ yêu thương và dạy chúng những bài học làm người chân chính, lương thiện. Những kỳ vọng lớn lao xin hãy gửi cùng Thánh Gióng bay về trời.
Bọn trẻ sau này có thể không cao lớn khổng lồ và cưỡi ngựa đánh giặc được. Nhưng rồi, chúng sẽ đều ổn cả thôi.