Đại Kỷ Nguyên

“Đừng đi du lịch nữa!” – Phút thức tỉnh của một khách lãng du

Chúng mình có bao nhiêu cuốn sách mua về, xếp lên kệ mà chưa bao giờ đọc, bao nhiêu bộ phim xem qua rồi chẳng nhớ gì cả, có bao nhiêu bộ quần áo trong tủ chẳng bao giờ mặc, bao nhiêu bản nhạc chạy qua tai mà chưa bao giờ thực sự nghe, bao nhiêu trận bóng chỉ chơi cho đúng hạn. Và đúng rồi, bao nhiêu vùng đất mới, mà bạn cứ hờ hững đi qua…

Mình vừa book vé đi Thái. 7 ngày. Chuyến đi thứ 4 chỉ trong vòng nửa năm. Đầu năm nay mình đã đi châu Âu 17 ngày, Sing 3 ngày, và cả chục ngày khác ở Đài Loan vào tháng 11/2017 nữa.

Ô kìa, hình như tớ vừa tự vả vào mặt mình khi để tiêu đề là “Đừng đi du lịch nữa”.

Đúng, tớ tự vả vào mặt mình đấy. Và vả vào mặt hầu hết các bạn nữa. Đừng đi du lịch nữa. Ít nhất là đừng đi vì những lý do như mình đã từng nữa.

Bạn đi du lịch để làm gì?

Tớ ở Hà Nội. Tớ từng lấy xê dịch là lẽ sống. Có những giai đoạn, tháng có 4 tuần, thì tớ đi hết 3. Nhẹ nhàng thì tớ xách xe, đi vòng vòng Tây Bắc, xa xôi thì tớ lên ra phi trường, bay tới đâu đó, đâu – cũng – được.

Với tớ, đã có những tháng năm thành phố là quán trọ ngột ngạt, những mối quan hệ xung quanh là người bạn tù, và à ừ, con người mình – trong – cuộc – sống – bình – thường chỉ là kẻ đáng khinh. Chỉ có đi, rời khỏi Hà Nội, thoát khỏi những mối quan hệ ấy, những khói bụi ấy, những bộn bề công việc ấy, và sống với một hình ảnh khác mới làm cho mình được thoải mái, mới cảm thấy dường như mình được “sống” một chút.

Mọi chuyện sẽ thật tốt đẹp khi trở về. Mình như được tái sinh, mình như được thoát thai hoán cốt, mình sẽ làm mọi thứ phăm phăm như một cỗ máy vừa được nạp năng lượng xê dịch vậy. Đời sẽ đẹp, lòng người sẽ nở hoa, đường phố sáng nay như rộn rã hơn, những con người xung quanh như đáng yêu hơn, và mình, ừ mình “sẽ là mình” hơn một chút.

Ảnh: Pixabay.

Nhưng rồi mọi thứ sẽ xấu dần đi. Mình sẽ lại chán, thành phố lại bí bách, những mối quan hệ lại rối tung lên. Còn mình, ô, hình như mình lại đáng khinh thêm một chút. Và rồi mình sẽ lại book vé, lại lên lịch, rồi sống vật vờ giữa những bộn bề không dứt của chốn thành thị này, đếm từng ngày cho tới ngày ra đi một chốc…

Có bạn nào trải nghiệm vòng lặp tương tự mình không? Mình cá là có. Vì hình như chúng mình coi:

Du lịch chỉ là một chất gây nghiện

Chính xác là với hầu hết chúng mình, có lẽ du lịch, xê dịch, dần như một loại ma tuý của thời đại chúng ta vậy.

Đa phần chúng mình coi du lịch như một sự giải thoát ngắn ngày, một nơi lánh tạm sau những ngày mệt mỏi.

Công việc mệt mỏi luôn thôi thúc chúng ta đi xa

Dần dần, hết chuyến đi này tới chuyến đi khác, chúng ta có một thứ giúp chúng ta trốn tránh khỏi những vấn đề thực tại. Chúng ta luôn hy vọng những niềm vui ngắn ngủi trong một đôi ngày đó sẽ giúp chúng ta sạc pin lại tâm hồn. Đúng, như khi bị ốm, liều thuốc giảm đau mang tên xê dịch đầu tiên sẽ rất tuyệt. Đôi khi chỉ là một chuyến đi về ngoại ô có thể giúp chúng ta thoải mái hơn rất nhiều. Sau đó, cơ thể và tâm trí bạn sẽ đòi một liều nặng hơn, một chuyến đi xa hơn, một hành trình lý thú hơn. Chẳng mấy chốc, bạn sẽ nhận ra rằng mình bị nghiện cái món thuốc này lúc nào chẳng biết.

Ảnh: Unsplash.

Tác dụng diệu kỳ của một chuyến đi sẽ giảm dần, tần suất bạn đòi hỏi mình đi sẽ tăng cao hơn. Nhưng đáng buồn thay, chẳng sớm thì muộn, bạn sẽ nhận ra những vấn đề của bạn vẫn còn nguyên đó. Bất kể những chuyến đi của bạn có xa xôi đến đâu, điểm đến có được review tốt thế nào, những đặc sản địa phương có tuyệt vời ra sao, khách sạn bạn ở có xịn tới mức nào, những món đồ hay ho bạn mua về, những tấm ảnh bạn chụp, clip bạn quay, dù có lung linh hết nấc. Thì rồi bạn sẽ đối mặt lại với những vấn đề của cuộc sống bình thường, tất cả sẽ lại ngột ngạt y như trước khi bạn đi. Cho tới trước chuyến đi kế tiếp.

Hàng trăm chất gây nghiện khác

Có lẽ suy cho cùng thì chúng mình đang sống trong một thế giới quá stress. Chúng ta có quá nhiều những “thứ đẹp đẽ”, nhưng quá ít những “điều đẹp đẽ”. Quá nhiều tiện nghi, nhưng quá ít tâm hồn. Quá nhiều những vật dụng giải trí, nhưng quá ít những lần vui hết cỡ. Quá nhiều thông tin và quá ít cảm thông. Quá nhiều bạn bè mà quá ít người thân. Quá nhiều người bên bạn lúc vui và quá ít kẻ chung vai bạn khi cô đơn. Quá nhiều người để yêu và quá ít người để hiểu. Quá nhiều những phút giây bàng bạc trôi qua, và quá ít những khoảnh khắc được nâng niu như là mãi mãi.

Và vì thế, không chỉ có du lịch, rất nhiều những “đam mê” khác cũng bị chúng mình biến thành chất gây nghiện để chống đỡ với thế giới ấy. Thử hỏi một người bạn bất kỳ, đa phần chúng ta sẽ loanh quanh với 5 sở thích kinh điển: Du lịch, âm nhạc, thể thao, đọc sách và điện ảnh.

Chúng mình luôn có xu hướng tìm tới một thứ “thuốc giảm đau” cho cuộc sống hiện tại, rồi dán lên đó một cái mác “đam mê” mà du lịch chỉ là một trong số đó. Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta sẽ thực sự tận hưởng nó với sự đam mê mà không phải chỉ như một chất gây nghiện. Chúng mình có bao nhiêu cuốn sách mua về, xếp lên kệ mà chưa bao giờ đọc, bao nhiêu bộ phim xem qua rồi chẳng nhớ gì cả, có bao nhiêu bộ quần áo trong tủ chẳng bao giờ mặc, bao nhiêu bản nhạc chạy qua tai mà chưa bao giờ thực sự nghe, bao nhiêu trận bóng chỉ chơi cho đúng hạn. Và đúng rồi, bao nhiêu vùng đất mới, mà bạn cứ hờ hững đi qua.

Ảnh: Unsplash.

Tớ không nói chúng mình không nên đi du lịch, không nên nằm đó coi một bộ phim hay, bật loa và nghe một bản nhạc yêu thích. Tớ cũng khuyến khích bạn hãy chơi thể thao, và à ừ, quan tâm tới sách vở một chút thì thật tuyệt vời.

Chỉ là đừng chỉ tìm tới nó là lối thoát tạm thời cho những những vấn đề khác của bạn. Hãy dũng cảm, nhìn vào những điều làm bạn đau đầu. Cái gì bỏ được, thì bỏ. Cái gì không bỏ được, thì hãy đối diện và giải quyết nó. (À, mình sẽ viết riêng bài về chủ đề này sau nhé!).

Vĩ thanh

Có một giai thoại về Đức Phật như thế này. Hôm đó, Phật đứng giữa đại chúng để giảng Pháp, Người cầm lên một bông sen, và mỉm cười. Đại chúng không ai nói gì, im phăng phắc ngồi chờ nghe Phật thuyết giảng. Người vẫn đứng yên không nói gì. Một vị La Hán mỉm bỗng mỉm cười. Mọi người đều rất tò mò. Chợt một chú tiểu mỉm cười, và chú bỗng nhận ra mình ở gần giác ngộ hơn một chút.

Tại sao vị La Hán đó cười, và tại sao chú tiểu nghĩ rằng mình gần giác ngộ hơn một chút vì chú biết vì sao mình cười? Đó là vì chú tiểu và vị La Hán đó, sau một lúc chờ đợi điều chưa tới – Phật thuyết giảng, đã nhập tâm vào thực tại – cách Phật cầm bông hoa, từ đôi bàn tay, tới dáng đứng và cả nụ cười, và còn nữa, bản thân bông hoa sen hôm đó, từ màu sắc, tới hình dáng mùi hương, đều đẹp lạ kỳ.

Cứ vui đi, bất kể bạn đang ở đâu

Hãy sống cho phút giây thực tại này. Chỉ có ngừng trốn tránh thực tại, cuộc sống chúng mình mới tốt hơn. Chỉ có dừng lại, chú ý tới vẻ đẹp của mọi điều xung quanh bạn mới thực sự giúp bạn yêu đời và yêu người hơn. Đừng chờ đợi hạnh phúc trong những “liều ma tuý” thời thượng của thời đại bạn nhé.

Nghe nhạc, chúng mình hãy lắng nghe cái hay của nó. Xem phim, hãy chú ý những gì làm nên một bộ phim hay, thay vì chỉ để đốt thời gian hôm nay bạn thừa thãi. Và nếu đi chơi, hãy vui vẻ toàn tâm toàn ý cho nó bạn nhé. Chỉ có thế, chúng mình mới thực sự tận hưởng được những chuyến đi.

Tới vùng đất mới, chúng mình mới mang về được một không khí mới. Gặp những con người mới, chúng mình mới không ngần ngại giao lưu, trò chuyện. Chúng mình đi, là để khám phá. Du lịch, là để mở mang đầu óc mà, đúng không?

Ảnh: Pixabay.

Và lúc đó, mỗi chuyến đi chơi, mỗi bản nhạc, mỗi cuốn sách, mỗi bộ phim, mỗi trận bóng, sẽ như một món ăn mới lạ miệng ngoài quán thôi. Vì khoảnh khắc nào, bạn chẳng ăn được món cơm nhà ngon ngọt – hạnh phúc tại nơi bạn đang sống – rồi.

Thiên đường, là nơi có bạn. Chứ ở đâu xa.

Hoàng Linh (Doanh nhân)

Vui lòng đọc bài viết gốc tại đây.

Video xem thêm: Người dân Pháp chia sẻ về lợi ích và sự thật về Pháp Luân Công

Exit mobile version