Đại Kỷ Nguyên

Đừng rơi vào cái bẫy của ‘suy nghĩ tích cực’! 

Theo các bác sĩ khoa tâm thần học: Những người bị trầm cảm thường là những người nghĩ quá nhiều đến việc phải sống thế nào để có được thành công và hạnh phúc. Nhiều người có thể khó chấp nhận rằng hạnh phúc là khi ta biết đón nhận thất bại, chứ không chỉ là đạt được thành công. 

“Tôi biết rằng mình cần phải có những trạng thái tích cực hơn, gia đình tôi nhiều lần khuyên bảo tôi nên có chí tiến thủ, phải hăng hái tích cực hơn nữa. Thế nhưng, ờ… Tôi không thể nào làm được!” Tiểu Trinh vừa nói vừa lau nước mắt.

Các nhà tâm lý học luôn khuyên chúng ta phải sống tích cực trong mọi hoàn cảnh. Vậy phải sống như thế nào mới được tính là người lạc quan, tích cực? Phải làm thế nào mới thể hiện ra được mặt tích cực đó? Nếu bạn nghĩ quá nhiều về việc này, ngược lại có thể sẽ dễ dẫn đến chứng trầm cảm.

Ảnh minh họa: gezondheidscentrumdewaard.nl

Hiện nay, các chương trình dạy học kích thích sự thông minh sáng tạo, đào tạo cho các học viên “Tôi là người giỏi nhất!”, “Tôi nhất định sẽ thành công!”… ngày càng phổ biến. Người ta sử dụng các loại ngôn ngữ tạo động lực giống như khẩu hiệu. Có một bệnh nhân (đang được trị liệu bằng thuốc) thậm chí còn nói: “Tôi là người giỏi nhất” và duy trì liên tục như vậy khoảng một tuần, sau đó anh ta lại rơi vào tình cảnh tự oán trách bản thân, hối hận, dằn vặt.

Các nhà tâm lý học bảo với chúng ta rằng, khi khoảng cách giữa “cái tôi nội tại” và “cái tôi bên ngoài” càng xa thì cá thể đó càng lo lắng bồn chồn hơn.

Theo nghiên cứu của Dweck, ông khuyên rằng nếu bạn muốn khích lệ con mình thì hãy động viên, khen ngợi chúng vì đã nỗ lực hơn là khen chúng thông minh. Nếu tập trung vào sự thông minh, bạn sẽ vô tình tạo ra kiểu tư duy cố định cho con trẻ, làm cho chúng trở nên “miễn cưỡng” khi phải chấp nhận rủi ro và dễ tổn thương khi thất bại.

Liên quan đến những suy nghĩ tích cực, chúng ta có quá nhiều điều không thể nhận ra.

Bản thân là một bác sĩ khoa tâm thần, mỗi ngày tôi đều phải đối mặt với những bệnh nhân suy nghĩ tiêu cực, hoặc bệnh nhân luôn cố gắng suy nghĩ những điều tích cực. Tôi dần hiểu rằng “những suy nghĩ tích cực” hoàn toàn không phải là liều thuốc chữa bách bệnh. Nó cũng có thể hại người như “những suy nghĩ tiêu cực”. Thông thường, đây cũng là một cái bẫy lớn cho tâm thần học hiện đại.

.linkedin.com

Bởi vì mọi người đều nghĩ rằng miễn là bạn có suy nghĩ tích cực thì bạn có thể giải quyết được mọi khó khăn. Thế nên, bạn bè và người thân bắt đầu nói với bạn:

 “Hãy nghĩ thoáng lên, thì không có gì mà không thể vượt qua được”.

“Có phải quá nhàn rỗi rồi không, hãy nghĩ về việc gì đó, hãy tìm việc mà làm!”

“Hãy buông quá khứ và nhìn về tương lai!”

Có một số bác sĩ cũng thêm vào:

“Hãy đi ra ngoài, vận động thể thao và phơi nắng nhiều hơn, cố lên!”

Thật không may, đây không phải là những gì họ muốn nghe.

Thất bại có mặt ở mọi nơi. Chỉ có điều phần lớn thời gian chúng ta luôn muốn tránh đối diện với sự thật này. 

Theo thống kê, ba câu nói mà những người đang có tâm trạng xấu ghét nhất, xếp hạng thứ nhất chính là câu “Hãy nghĩ thoáng một chút”, câu thứ hai là “Đừng suy nghĩ quá nhiều”, câu thứ ba là “Hãy buông xuống”. 

Đặc điểm chung của ba câu nói này chính là muốn chúng ta hãy kiềm chế cảm xúc hoặc bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng đa số người nghe sẽ có cảm giác những lời này nghe quá sáo rỗng. Chúng không chỉ vô dụng mà còn làm cho người nghe cảm giác chán ghét. Nếu như có thể nghĩ được sự việc thoáng ra thì người ta đâu còn phải u buồn, chán nản?

Ảnh minh họa: pixabay.com

Đôi khi, thời điểm đen tối nhất có thể giúp chúng ta nhìn thấy sự việc rõ ràng hơn. Những khoảnh khắc đau đớn nhất trong cuộc sống như bệnh tật, bi kịch, những trải nghiệm đau buồn… sẽ mở ra cho chúng ta những mối quan hệ và sự tử tế mà trước đó chưa từng xảy ra. Đôi khi, những thời điểm khó khăn có thể mang đến sức mạnh nội lực vô cùng lớn lao, giúp ta khám phá ra được bản thân không hề yếu đuối hoặc kém cỏi như mình tưởng.

Nếu như không cho phép bản thân có một chút suy nghĩ tiêu cực, không cho phép chính mình có một điểm yếu kém, giả vờ như không hề thấy những áp đặt của “quan niệm tích cực” cho bản thân; trước mặt mọi người, luôn thể hiện sự lạc quan; thậm chí còn muốn trở thành thầy giáo tinh thần khuyến khích cổ vũ cho bạn bè và mọi người, bạn chính là người đang làm khổ chính mình nhất!

Cố tỏ ra “sống tích cực” có thể sẽ khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn

Gần đây, tôi thậm chí còn phát hiện ra rằng những người có những suy nghĩ tích cực quá mức lại rất dễ mắc bệnh tâm thần như trầm cảm. Đây thực sự là một kết quả đáng sợ!

Tại sao những người có suy nghĩ tích cực lại dễ dàng phát bệnh? Câu trả lời rất đơn giản lại vừa rõ ràng: Khi con người có những suy nghĩ quá tích cực thì người đó lại xem nhẹ nguy hiểm, sẽ trở nên không thể thích nghi với thực tế, không thể nào trút bỏ được những cảm xúc tiêu cực trong nội tâm.

Bác sĩ khoa tâm thần ở Nhật Bản đã nói rằng: Những người thường hay suy nghĩ tích cực thực sự rất nguy hiểm… Điều đáng lo ngại hơn là, họ thường dễ xuất hiện các triệu chứng rối loạn hệ thần kinh và tự ràng buộc bản thân.

novaescola.org.br

Rõ ràng là họ cảm thấy rất mệt mỏi khi phải thể hiện cho mọi người thấy những điều tích cực, nhưng lại không có cách nào trở nên tiêu cực. Vậy nên họ lâm vào tình trạng mất cân bằng tâm lý và có những biểu hiện không bình thường đối với bản thân.

Dường như suy nghĩ tích cực ẩn chứa đầy nguy hiểm. Nhưng còn suy nghĩ tiêu cực từ lâu đã bị kỳ thị thì sao?

Hãy học cách chấp nhận và đối mặt trước mọi nỗi đau, đó chính là phẩm chất của sự kiên cường. Hãy cứ buồn, cứ đau đi. Khi phải vượt qua tận cùng những nỗi đau trong cuộc đời, bạn cần phải cho những cảm xúc tiêu cực ấy lướt qua từng nỗi đau của bạn, chứ không phải tạm thời kìm nén hay lãng quên nó đi để rồi lại âm ỉ bùng lên vào một thời điểm khác. Chiêm nghiệm và gặm nhấm nỗi buồn để những cảm xúc ấy tan chảy cùng bạn là cách hay giúp bạn hồi phục lại và vượt qua những thời khắc khó khăn nhất.

Suy nghĩ tiêu cực dường như đóng một vai trò giảm thiểu bớt những suy nghĩ quá mức tích cực. Cũng giống như hoa với lá cùng phối hợp hài hòa với nhau. Thế nên hãy áp dụng cả hai mặt tiêu cực và tích cực để giải quyết và đối mặt trước những khó khăn và thất bại trong cuộc sống của chúng ta.

aboutespanol.com

Lo lắng và bất an, thậm chí là trầm cảm đều do cách đối đãi và nhìn mọi thứ từ góc độ tiêu cực, nhưng đó là một quá trình quan trọng để giải quyết vấn đề. Mọi người nếu có thể hiểu rõ và phân tích bản chất của vấn đề từ góc độ tiêu cực, thì những suy nghĩ tích cực thực sự mới có thể xuất hiện.

Vậy để thực sự cảm thấy hạnh phúc, chúng ta có lẽ cần thực sự sẵn sàng trải qua những cảm xúc tiêu cực nhiều hơn – hoặc ít nhất là ngừng việc miệt mài theo đuổi hạnh phúc.

(Theo cmoney.tw)

Tuệ Liên

 

Exit mobile version