Cuộc sống vội vã, với biết bao suy nghĩ trôi qua, có bao giờ trong cuộc vui, tay nâng ly rượu và chúng ta tự hỏi: Hơi men này đã gây ra biết bao cái chết đau đớn không dự liệu trước? Biết bao người trên dọc đường mưu sinh đã vong mạng, bao gia đình lâm vào cảnh tử biệt sinh ly chỉ vì cú lạc tay lái của những ‘ma men’ bước ra từ quán nhậu? Lẽ nào vì chén rượu mua vui mà ta lại đổi lấy thống hận cả đời?
Cô gái với gương mặt biến dạng hoàn toàn sau vụ tai nạn do một gã tài xế say rượu gây ra.
Năm 1999, Saburido (20 tuổi) về nhà sau bữa tiệc với 4 người bạn. Xe của họ bị một tài xế say rượu đi lấn làn đâm trực diện. Hai người chết ngay lập tức. Còn Saburido bị bỏng cấp độ 3 trên gần 60% cơ thể. Các bác sĩ phải tiến hành hơn 100 ca phẫu thuật để điều trị vết bỏng trên mặt và tay Saburido, tổng chi phí lên đến 5 triệu USD. Tên tài xế say xỉn gây tai nạn chết người khi ấy mới 18 tuổi, nhận mức án 7 năm tù.
Trong gần 20 năm, người phụ nữ với khuôn mặt biến dạng, không tai, không mũi, không chân mày và không có tóc đã đi khắp nước Mỹ để thực hiện những buổi diễn thuyết, đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ về hiểm nguy khi điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng đồ uống có cồn. Bi kịch cuộc đời của Saburido đã trở thành biểu tượng cho chiến dịch chống lái xe khi say xỉn tại Mỹ.
Dù chịu nhiều đau đớn, dù cuộc đời đột ngột rẽ ngoặt sang hướng khác, nhưng ít nhất Saburido còn được sống tiếp và được làm những việc ý nghĩa.
Ngoài kia, nhiều người không may mắn như vậy.
Mới đây thôi, chị Hải Yến, nhân viên nhà hát kịch Việt Nam bị tài xế say rượu tông giữa đường. Chị Yến ra đi để lại một người chồng, hai con, trong đó một cháu bị tự kỷ. Ai có con tự kỷ, sẽ hiểu cháu cần mẹ như thế nào. Mẹ như ngọn hải đăng dẫn đường đưa cháu đến hy vọng. Ngọn hải đăng ấy vụt tắt mất rồi…
Vụ tai nạn kinh hoàng ấy cũng cướp đi tính mạng của chị Trần Thị Quỳnh – cô giáo đáng kính của hàng ngàn đứa trẻ suốt hơn 20 năm qua, “Đò đầy chưa qua sông. Cô đã ngã giữa dòng” – giờ đây ngành giáo dục đã mất đi một giáo viên tài năng tận tuỵ, một gia đình mất con, một người chồng mất vợ, một đứa trẻ mất mẹ…
Người mẹ khác là chị Lê Thi Thu Hà – một lao công bị người say rượu tông nằm sõng soài giữa phố không kịp nhìn hai con lần cuối. Cậu bé cạnh xác mẹ khóc ngất, lưng áo hắt hiu dòng chữ “con chưa nói là con yêu mẹ nhiều”. Khi không mà hai đứa trẻ mồ côi…
Họ đều là những con người bình thường, vô tội, đang khao khát sống và cống hiến cho đời bỗng bị tước đi tính mạng một cách oan uổng bởi những gã điên cầm lái khi say. Sống chết thực là mong manh trong gang tấc. Chết vì bệnh tật dù thể xác đớn đau nhưng ít ra còn được báo trước, còn được trăng trối, từ biệt người thân. Chứ chết giữa đường giữa chợ đột ngột thế thì oan ức quá.
Trung bình mỗi ngày có 23 người Việt ra đường rồi không về nữa, 40% trong số đó vì bia rượu, nghĩa là mỗi ngày có xấp xỉ 10 người chết hoặc bị giết bởi rượu bia. Cũng có nghĩa là hàng trăm người ở lại đau buồn day dứt khôn nguôi.
Được mời rượu mà từ chối là người yếu đuối, không nể nang ai?
– Không uống với anh là chú không coi anh ra gì
– Không cạn hết ly là chú không nể anh
– Cả bàn uống, mỗi ông không uống mất hết cả vui
– Cứ hết mình đi, say thì tôi đưa về
– Đàn ông mà uống nước ngọt thì khác gì đàn bà
– Chỉ có những thằng sợ vợ mới không dám uống
– Anh không uống là không có thịnh tình
– Cậu không uống là không nể tôi…
Thế là người ta cứ ép nhau rượu. Nhiều khi sếp bắt uống mà không uống thì sợ phật lòng, đối tác mời mà không uống thì mất hợp đồng. Và sau mỗi chầu rượu, người khoa chân múa tay ăn nói làm nhảm, người thì nói tục chửi bậy, gây sự đánh nhau, thậm chí giết người…
Những trường hợp tử nạn khi trở về nhà sau bàn nhậu. Đến lúc này, những kẻ ép rượu đến phúng điếu vài ba trăm, còn người chết sẽ chẳng biết được nỗi đau người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh, vợ trẻ con thơ không ai chăm sóc.
Những cái chết đau đớn, oan trái không báo trước. Chết cay đắng dọc đường mưu sinh tìm nguồn sống của những người lương thiện vô tội. Ai sẽ thay họ sống tiếp quãng đời giang dở, ai thay họ phụng dưỡng cha mẹ già, chăm sóc con nhỏ?
Và những ai ép rượu hãy nâng chén ba lần mà nghĩ xem nếu ra đường bạn mình bị tai nạn thì lương tâm có cắn rứt không? Mình có thay họ chăm sóc vợ con, phụng dưỡng cha mẹ?
Hãy uống có văn hóa, uống có điểm dừng để sau mỗi cuộc vui tình bạn thêm gắn kết, hợp đồng được ký kết, tình nghĩa thêm thuận hòa… Hãy để ngày mai khi mời nhau nâng ly thì sau đó là tiếng cười hạnh phúc. Đừng vì sĩ diện hão, đừng vì một lần cả nể, đừng vì một chén uống thiếu trách nhiệm mà đánh mất cuộc đời mình và cướp đi cuộc đời của những người khác.
Ai cũng có thể là Saburido tội nghiệp.
Ai cũng có thể là chị Hà, chị Yến, chị Quỳnh, ra đường rồi vĩnh viễn không thể về nhà được nữa…
Vì chúng ta vẫn phải mưu sinh mỗi ngày và không thể biết rằng lúc nào, ở đâu, những gã say cầm lái, phóng như điên lao tới.
Trần Phong (TH)