Đại Kỷ Nguyên

Ếch phi tiêu màu vàng: Sinh vật “độc” nhất trên thế giới

Ếch phi tiêu độc màu vàng là một loài sinh vật rất dễ đánh lừa người khác – mặc dù chỉ nhỏ cỡ 55mm, nhưng lại là sinh vật độc nhất trên Trái đất. Chỉ một con lưỡng cư này thôi cũng chứa đủ nọc độc để giết chết hơn 10 người đàn ông trưởng thành trong vòng 3 phút. Tên của loài này xuất phát từ các thợ săn bản địa Emberá thuộc Colombia, họ đã từng sử dụng ếch để làm ra những phi tiêu chết người.

Những con ếch màu vàng sáng chỉ sống ở vùng rừng nhiệt đới nhỏ trên bờ biển Thái Bình Dương thuộc Colombia, và màu sắc của nó đôi khi có thể thay đổi giữa các màu vàng, cam, hoặc màu xanh lá cây nhạt. Sự quyến rũ bề ngoài của nó là có chủ ý, một chiến thuật gọi là tín hiệu xua đuổi hoặc là màu sắc ‘cảnh báo’ để xua đuổi kẻ thù tiềm ẩn. Một nghiên cứu năm 2001 của Kyle Summers thuộc Đại học East Carolina ở Greenville chỉ ra rằng những con ếch màu sáng nhất luôn là độc nhất.

Chỉ tiếp xúc đơn thuần với một con ếch phi tiêu độc vàng thì không gây nguy hiểm chết người, vì các động vật lưỡng cư chỉ sản xuất và bài tiết các chất độc cực mạnh qua da khi nó cảm thấy bị đe dọa. Nhưng nắm giữ nó trong tay vài giây mà không đeo găng tay là tự sát. Da của ếch nhanh chóng bị bao phủ bởi chất độc alkaloid (batrachotoxin) có khả năng ‘đóng băng’ dây thần kinh, ngăn không cho chúng xung truyền. Trong vòng vài phút, nạn nhân trải qua các cơn co thắt cơ bắp không kiểm soát được và cuối cùng là suy tim.

(Ảnh: Wilfried Berns)

Các nhà khoa học chưa xác định được chính xác nguyên nhân gì khiến loài ếch này trở nên cực độc như ngày nay. Họ đã truy tìm nguồn gốc của nó khoảng 40-45 triệu năm về trước, trong các khu rừng ở miền bắc Nam Mỹ, và thấy rằng tổ tiên của chúng không có độc. Một số suy đoán rằng các sinh vật không tự tạo ra chất độc, nhưng chúng ăn vào một lượng lớn các chất độc thực vật, chủ yếu mang đến từ các con mồi – như ruồi, kiến ​​độc, dế, bọ cánh cứng, và mối. Tỷ lệ trao đổi chất cao của chúng cho phép xử lý nọc độc khá nhanh, chịu đựng được và thậm chí hấp thụ nó. Lý thuyết này được củng cố thêm bởi thực tế rằng các loài ếch có độc nếu được nuôi nhốt sẽ không phát triển độc tính gì.

Điều thú vị là năm 2014, một nghiên cứu của Ralph Saporito thuộc Đại học Carroll John, Ohio, phát hiện rằng con nòng nọc nhỏ nhận được nọc độc từ bà mẹ phi tiêu độc của chúng, thông qua loại thức ăn gồm trứng chưa thụ tinh. Những con con hấp thu nọc độc thông qua thức ăn và tự làm độc bản thân mình.

“Mẹ có thể phòng vệ cho con bằng cách đưa alkaloid vào trong trứng”, Saporito giải thích. “Có vẻ như chất alkaloid trong nòng nọc đủ ngăn chặn một số loài ăn thịt động vật chân đốt tiềm năng như chuồn chuồn đói”. Màu sắc tươi sáng tất nhiên sẽ ngăn chặn kẻ săn mồi tấn công chúng ngay ở nơi vừa được sinh ra.

(Ảnh: Marcel Burkhard)

Đáng buồn thay, ếch phi tiêu độc vàng xinh đẹp là loài có nguy cơ tuyệt chủng do sự tàn phá trên diện rộng rừng nhiệt đới tự nhiên, như phá rừng và khai thác vàng trái phép, trồng ca cao, khai thác gỗ.

“Thật kinh ngạc là chúng ta sắp gây tuyệt chủng một trong những sinh vật phi thường và ly kỳ nhất trên hành tinh”, phóng viên Simon Barnes đã viết vào năm 2011. “Chúng ta sẽ thiếu thốn hơn nhiều nếu không có một sinh vật như vậy gây ra cho chúng ta những cơn ác mộng”.

Để bảo vệ loài ếch độc, tổ chức từ thiện quốc tế World Land Trust lập ra trung tâm bảo tồn Rana Terribilis Amphibian ở các rừng nhiệt đới ẩm ướt nhất của miền tây Colombia. Theo trang web của tổ chức này, “Sống trong những bụi cây phong phú của các khu bảo tồn là đám ếch độc vàng khỏe mạnh có nguy cơ tuyệt chủng, một trong những sinh vật kỳ lạ nhất trên hành tinh. Với kích thước chỉ 55mm, sinh vật nhỏ bé sống động này chỉ mang một milligram độc tố – một liều nhỏ nhưng đủ gây chết người.”

(Ảnh: The Lord of the Allosaurus)

Trang web này cũng giải thích rằng người da đỏ Emberá đã học sử dụng chất độc này bằng cách nhẹ nhàng chải những đầu mũi tên và phi tiêu của họ trên lưng một con ếch mà không gây thương tích cho nó. Vũ khí chuẩn bị theo cách này vẫn chứa chất độc chết người trong hơn hai năm.

Tuy nhiên, một bài viết trên BBC, mô tả một cách lấy độc tàn ác hơn từ loài ếch này: “Người dân địa phương sẽ bắt ếch trong rừng, và nhốt chúng trong một thùng rỗng. Khi cần chất độc, họ sẽ lấy một con ếch và’ thọc một mảnh gỗ nhọn từ cổ họng xuyên xuống chân nó. Dĩ nhiên, con ếch sẽ trở nên kích động, và bắt đầu đổ mồ hôi độc, đặc biệt là ở phía lưng, trở nên sùi phủ bọt trắng. Người ta nhúng mũi tên vào trong chất lỏng độc hại này, chất độc này vẫn hiệu nghiệm trong một năm.”

(Ảnh: Micha L. Rieser)

Hiện nay, các nhà nghiên cứu y khoa và các chuyên gia động vật lưỡng cư đang quan tâm đến việc khám phá sử dụng thuốc có nọc độc của ếch phi tiêu độc, đặc biệt là thuốc giảm đau.

“Ở đây không phải vấn đề nó là hợp chất gây độc mà là về sự hữu dụng của nó đối với các nhà khoa học và dược sĩ”, Richard Fitch của Đại học bang Indiana giải thích với đài BBC. “Trong quá khứ, alkaloid được phát hiện có thuộc tính chống ung thư và gây tê, và có khả năng kích thích mạnh như caffeine. Dĩ nhiên, chất độc không thể được dùng trực tiếp như một loại thuốc, nhưng hiểu về cấu trúc và tính chất hóa học của nó có thể giúp chế tạo các loại thuốc tốt hơn”.

“Nếu chúng ta có thể mài được đúng chìa khóa, chúng ta sẽ có điều mình muốn”, Fitch cho biết. “Đó có lẽ là một đòi hỏi cao, chúng ta hoàn toàn không biết chiếc xe buýt trông như thế nào, nhưng chúng ta có chìa khóa và đó là một sự khởi đầu”.

Theo Odditycentral
Linh Chi

Xem thêm:

Exit mobile version