Đại Kỷ Nguyên

“Em bé Napalm” bây giờ ở đâu?

“Em bé Napalm” là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, được phóng viên Nick Út của hãng thông tấn AP chụp ngày 8/6/1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Ấn tượng trong bức ảnh là một bé gái 9 tuổi với làn da bỏng nặng và quần áo bị đốt cháy, vừa khóc vừa chạy ra khỏi ngôi làng, nơi bom đạn mới dội xuống vài phút trước đó. Em bé ấy chính là Phan Thị Kim Phúc.

Kim Phúc sinh năm 1963 tại làng Trảng Bàng, Tây Ninh. Trong thời gian chiến tranh, tuyến đường chiến lược chạy qua Trảng Bàng là một nguồn cung giữa Sài Gòn và Phnom Penh. Vì vậy, nơi đây cũng trở thành mục tiêu của các cuộc không kích.

Tấm ảnh của Nick Út sau đó được đăng trên trang bìa tờ New York Times, nhanh chóng thu hút giới truyền thông quốc tế. Hiện thực kinh hoàng trong bức ảnh đã thay đổi cái nhìn của thế giới đối với cuộc chiến tại Việt Nam, đồng thời cũng giúp Kim Phúc trở thành “biểu tượng” của các nạn nhân chiến tranh.

Kim Phúc được một số người lính cho uống nước và đổ nước lên người làm dịu vết bỏng (Ảnh: Internet)

Vết bỏng quá nặng khiến Kim Phúc phải điều trị suốt 14 tháng tại bệnh viện Barksy và trải qua khoảng 17 cuộc phẫu thuật. Cũng trong thời gian này, cô nhận được nhiều hỗ trợ từ Nick Út và các nhà hảo tâm khi đó.

Kim Phúc và mẹ trong thời gian điều trị vết thương ở bệnh viện (Ảnh: Robinson/AP)

Đến năm 1982, một thập niên sau khi bức ảnh được công bố, Kim Phúc mới được “phát hiện” là em bé Napalm năm xưa. Với tư cách là nhân chứng chiến tranh, cô phải góp mặt trong các cuộc phỏng vấn bất tận và tham gia nhiều bộ phim tuyên truyền, đồng thời chịu giám sát nghiêm ngặt đối với mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Năm 1986, Kim Phúc có cơ hội sang Cuba du học ngành y. Tại đây cô đã gặp Bùi Huy Toàn, cũng là một sinh viên Việt Nam trên đất nước Cuba; hai người kết hôn vào năm 1992 và nghỉ tuần trăng mật tại Mát-xcơ-va. Khi trên đường trở lại Cuba, máy bay dừng lại tiếp nhiên liệu ở đảo Newfoundland của Canada, cả hai đã xin được tị nạn chính trị với chính phủ Canada.

Hiện tại, Kim Phúc đang sống cùng chồng và hai con ở tỉnh Ontario, Canada. Cô cũng có cơ hội gặp lại phóng viên Nick Út và những người đã cứu sống mình ngày xưa.

Hơn 40 năm đã qua đi, nhưng những ký ức đau buồn từ chiến tranh còn đọng lại trên cơ thể của Kim Phúc. Chừng nào chiến tranh vẫn còn xảy ra, thì vẫn còn những bi kịch và khổ đau cho những nạn nhân khác giống như em bé Napalm năm nào. Mang theo thông điệp hòa bình, và với tư cách là Đại sứ Thiện chí của UNESCO, Kim Phúc thường đi khắp nơi để chia sẻ câu chuyện của bản thân, giúp mọi người hiểu được bản chất tàn nhẫn của chiến tranh. Cô từng nói rằng, chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng mỗi người đều có thể chung tay xây dựng hòa bình cho tương lai.

Kim Phúc kể lại câu chuyện từ chính cuộc đời mình (Ảnh: Internet)

Kim Phúc kể rằng cô từng phải sống trong nỗi đau dai dẳng. “Vẫn còn nhiều vết sẹo trên thân thể tôi, và sự đau đớn vẫn kéo dài trong nhiều ngày…”, nhưng trên tất cả là ánh sáng của tấm lòng khoan dung.

Bom Napalm mạnh khủng khiếp. Nhưng đức tin, lòng khoan dung, và tình yêu thương còn mạnh mẽ hơn nhiều. Sẽ không có chiến tranh nếu mỗi người đều biết sống bằng tình yêu thương chân thật, niềm hi vọng, và lòng khoan dung”, trích lời phát biểu của Kim Phúc trên đài NPR (Mỹ) năm 2008.

Kim Phúc (Ảnh: Internet)

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, Kim Phúc được tổ chức YWCA của Mỹ tôn vinh là một trong 6 phụ nữ có đóng góp thiết thực nổi bật trong cộng đồng. Tháng 10/2004, Kim Phúc được Đại học York ở Toronto, Ontario trao tặng bằng Tiến sĩ Danh dự vì những nỗ lực giúp đỡ trẻ em nạn nhân chiến tranh trên khắp thế giới. Cô cũng được tặng thưởng Huân chương Ontario – huân chương cao quý nhất của tỉnh Ontario, Canada.

Chúng ta có thể nghĩ về chiến tranh như một câu chuyện của “ngày xửa ngày xưa”, nhưng ở bên kia đại dương, cách chúng ta nửa vòng Trái Đất, vẫn có những người Việt thầm lặng như Kim Phúc đang nỗ lực hết mình để thức tỉnh lương tri và khơi dậy ý thức bảo vệ hòa bình của cộng đồng quốc tế. Đó là điều bé gái Napalm đã làm được, còn chúng ta, những thế hệ trẻ ngày nay, chúng ta sẽ làm được chăng?

Hồng Liên

Xem thêm:

Exit mobile version